THCL Thực trạng ô nhiễm nước ở Việt Nam diễn ra ngày càng trầm trọng là do  quy định pháp luật Việt Nam về ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm nguồn nước hiện nay được đánh giá còn quá nhiều bất cập.

Ảnh minh họa

Tại Hội thảo “Chính sách, Pháp luật về Kiểm soát Ô nhiễm Nước” vừa tổ chức tại Hà Nội, bà Nguyễn Ngọc Lý - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng nêu trăn trở: Tại sao vấn đề “ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm nước (NN&KSONN)” đã được thể chế hóa tại nhiều văn bản pháp luật của Nhà nước, trong đó luật BVMT, luật Tài nguyên nước (TNN) đã được ban hành và thực thi nhiều năm nay, nhưng tình trạng ô nhiễm nước vẫn không được ngăn ngừa và kiểm soát chặt chẽ, thậm chí tình trạng ô nhiễm nước có xu hướng ngày càng trầm trọng hơn.

Qua tìm hiểu, nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng đã đưa ra sáu vấn đề nổi cộm sau đây.

Thứ nhất, trên thực tế, Luật BVMT được hình thành từ năm 1993, đến năm 1999, Luật Tài nguyên nước ra đời. Mặc dù đã có 02 luật chính thức điều chỉnh các hành vi nhằm BVMT nước, nhưng do nội dung các quy định của những Luật này vẫn mang tính bao quát, tính nguyên tắc chung. Các quy định pháp luật về kiểm soát ô nhiễm nước cũng chỉ dừng lại ở các điều khoản có tính nguyên tắc, nên tính khả thi của điều luật rất yếu. Thậm chí các quy định về kiểm soát ô nhiễm nước quá chung chung và thiếu thống nhất giữa các luật dẫn tới những người thực thi pháp luật khó có thể biết được cần phải “làm gì”, “ai làm”, và “làm như thế nào”.

Thứ hai, trong xây dựng cũng như thực thi luật BVMT, về lĩnh vực kiểm soát ô nhiễm nước, chưa quy định rõ quy trình 3 công đoạn: “ngăn ngừa, phát hiện- ngăn chặn và xử lý-phục hồi” và đặc biệt chưa quan tâm đúng mức và thực thi hiệu quả khâu “ngăn ngừa”. Hiện nay trong thực tiễn quản lý của cơ quan nhà nước các cấp chủ yếu là tiến hành khâu “xử lý vi phạm” nhưng ngay cả khâu này vẫn chưa nghiêm, chưa triệt để.

Thứ ba, việc xử lý ô nhiễm nước chủ yếu được quyết định bởi hai yếu tố là: công nghệ xử lý và nguồn tài chính (bao gồm: mua thiết bị, xây lắp, và vận hành thường xuyên). Tuy nhiên trong các luật hiện nay chưa quy định cụ thể về công nghệ xử lý, nguồn tài chính nên thực tế nhiều công nghệ lạc hậu đang được sử dụng và không được duy trì vận hành thường xuyên. Điều đó dẫn đến vừa mất tiền đầu tư mà nước còn bị ô nhiễm hơn.

Thứ tư, mặc dù nhà nước đã đầu tư hệ thống các trung tâm quan trắc nước ở các địa phương nhưng: Hệ thống này do nhiều cấp, nhiều cơ quan quản lý nên thiếu tính đồng bộ, tính liên kết dẫn tới các số liệu quan trắc hoặc chồng chéo, trùng lắp, hoặc không giống nhau. Điều đó làm cho các số liệu quan trắc vừa không đảm bảo tính chính xác, đầy đủ, vừa lãng phí nhân lực và ngân sách; Các số liệu quan trắc hiện nay chủ yếu phục vụ cho cơ quan quản lý các cấp trong công tác báo cáo định kỳ, không được công khai cho nhân dân biết (đặc biệt là cộng đồng dân cư nơi bị ô nhiễm), nên không phát huy được vai trò người dân làm chủ trong bảo vệ môi trường là vừa giám sát thực trạng ô nhiễm, vừa giám sát việc thực thi pháp luật của cơ quan quản lý các cấp.

Các vụ việc về ô nhiếm nước hiện nay hầu như chỉ được biết đến nhờ truyền thông báo chí từ những phản ánh của người dân, cộng đồng dân cư do quá bức xúc trước tình trạng ô nhiễm gây ra. Việc công khai thông tin về ô nhiễm nước, chất lượng nước tại các địa bàn dân cư sẽ đem lại hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường nước, ngăn chặn và xử lý kịp thời tình trạng ô nhiễm nước đồng thời sẽ giúp giảm các chi phí của nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Thứ năm, vai trò người dân, cộng đồng dân cư trong quy định của pháp luật về “giám sát” còn mờ nhạt, ít tính khả thi. Công tác giám sát ô nhiễm nước đến nay thực hiện còn mang nặng hình thức, thiếu quy định trách nhiệm cụ thể, do đó không hiệu quả. Trong hoạt động giám sát, cộng đồng và người dân còn chưa đủ quyền, thiếu kiến thức và chưa được bảo vệ khi tố cáo các trường hợp ô nhiễm nước nghiêm trọng. Các quy định về hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam và các đoàn thể còn chung chung, chưa cụ thể về thẩm quyền, trình tự giải quyết nên tính khả thi và hiệu quả thấp dẫn tới quy định còn mang tính hình thức. Vai trò truyền thông như một trụ nằm giữa 3 chân kiềng: cơ quan quản lý - doanh  nghiệp - cộng đồng cũng chưa được quy định trong luật Bảo vệ môi trường một cách đúng tầm quan trọng.

Thứ sáu, nội dung NN&KSONN quy định trong các văn bản pháp luật chưa đầy đủ, chi tiết.

Những nội dung liên quan đến NN&KSONN trong luật BVMT sửa đổi cũng như luật Tài nguyên nước vẫn còn dừng ở những quy định chung, chưa đủ mức chi tiết, cụ thể, xác định rõ trách nhiệm, trong khi tình trạng ô nhiễm nước ở Việt Nam chưa được ngăn ngừa một cách bài bản và mức độ ô nhiễm đã có nguy cơ không kiểm soát được. Một lý do của hiện tượng này là: Luật Tài nguyên nước chủ yếu đề cập đến nguồn nước như một tài nguyên quốc gia, còn Luật BVMT (2005 và sửa đổi 2014) mang tính chất là luật khung, do vậy chưa thể chứa đựng đầy đủ nội dung cần thiết về NN&KSONN, về những vấn đề cơ bản, như xác định và kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm điểm và nguồn gây ô nhiễm diện.

Ngoài ra, trong luật BVMT sửa đổi, các nội dung liên quan đến NN&KSONN không chỉ chưa đẩy đủ, chưa chi tiết, mà còn nằm rải rác trong các chương, điều, chưa có điều kiện thể hiện liền mạch và liên thông, do đó các cơ quan quản lý và các đối tác tham gia BVMT nước chưa xác định được rõ ràng nhiệm vụ phải thực hiện, đặc biệt là công tác NN&KSONN.

Từ đó, Liên minh nước sạch tha thiết đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành có liên quan cùng xem xét để từng bước tạo lập một hành làng pháp lý cần thiết, hệ thống cho công tác NN&KSONN thông qua xây dựng một Luật chuyên biệt về Kiểm soát Ô nhiễm Nước trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa 14.

Hà Thu