Theo kháng cáo của 15 trong số 22 người trong vụ án sai phạm xảy ra tại Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) khi đầu tư vào Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, ngày 7/5 Tòa cấp cao tại Hà Nội mở phiên phúc thẩm dự kiến kéo dài trong 10 ngày.

Ông Đinh La Thăng (cựu chủ tịch PVN) kháng cáo với lý do bản án sơ thẩm chưa xét đầy đủ, toàn diện và khách quan về trách nhiệm của ông. Mức hình phạt 13 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế (điều 165 Bộ luật Hình sự 1999) là quá nghiêm khắc.

Ông Trịnh Xuân Thanh (cựu chủ tịch HĐQT PVC) kháng cáo kêu oan hai tội Tham ô tài sản, Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (điều 278, 165 Bộ luật Hình sự 1999).

Tuy nhiên trong phần thủ tục, thư ký tòa thông báo ngày 2/5 ông Thanh rút kháng cáo có đơn rút toàn bộ kháng cáo với cả hai bản án sơ thẩm do TAND Hà Nội tuyên. Bị cáo xin vắng mặt tại cả hai phiên xử vì lý do sức khỏe. Tòa Cấp cao vì thế đã ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm với ông này.

Là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, con trai ông Thanh cho hay hôm nay cũng nộp đơn rút kháng cáo về việc mong được trả lại tài sản của gia đình bị kê biên.

8h30 phiên phúc thẩm bắt đầu, ông Thăng là người đầu tiên khai căn cước. Mặc áo sơmi màu xanh, quần tây tối màu, ông đứng trước bục khai báo nói to, rõ ràng.

Ông Trịnh Xuân Thanh bất ngờ rút đơn kháng cáo, không có mặt ở tòa phúc thẩm sáng nay - Hình 1

Ông Đinh La Thăng khi bị xét xử. Ảnh: TTXVN

Tại bản án sơ thẩm tuyên tháng 1, TAND Hà Nội xác định PVN được giao làm đầu mối đầu tư Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, tổng mức đầu tư sau thuế hơn 31.500 tỷ đồng, tương đương gần 1,7 tỷ USD.

Dù chưa có đánh giá về năng lực, kinh nghiệm của PVC, chưa làm thủ tục chọn nhà thầu, nhưng ngày 18/6/2010, ông Đinh La Thăng đã ký Nghị quyết giao PVC thực hiện gói thầu EPC dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 theo hình thức chỉ định thầu.

Ngày 11/10/2011, PVC mới chính thức là nhà thầu có tư cách pháp lý để thực hiện Hợp đồng tổng thầu EPC Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, nhưng từ ngày 28/4/2011 đến ngày 12/7/2011, PVN đã làm các thủ tục chi tạm ứng cho PVC hơn 6,6 triệu USD và hơn 1.300 tỷ đồng.

Sau khi PVC nhận tiền tạm ứng, các bị can Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận (cựu tổng giám đốc PVC), Nguyễn Ngọc Quý (cựu phó chủ tịch HĐQT PVC), Nguyễn Mạnh Tiến, Phạm Tiến Đạt và Trương Quốc Dũng đều là lãnh đạo chủ chốt của PVC đã sử dụng hơn 1.115 tỷ đồng vào mục đích khác, không đưa vào dự án.

Đến ngày 22/11/2017, nhà chức trách mới thu hồi được gần 1.100 tỷ đồng. Số tiền còn lại (hơn 119 tỷ đồng) bị xác định là thiệt hại.

Cấp sơ thẩm nhận định hậu quả thiệt hại 119 tỷ đồng do cố ý làm trái chưa phản ánh hết bản chất sai phạm... "Hành vi của các bị cáo mang tính lợi ích nhóm, làm đội vốn hàng trăm triệu USD, là tiền đề cho tham nhũng, lãng phí xảy ra tại PVN... Nhiều người vì thế mà tha hóa biến chất", bản án nêu.

Ông Thăng bị cho rằng đã lợi dụng vị trí cao nhất của tập đoàn, dù biết PVC không đủ năng lực vẫn đề ra chủ trương, giao thầu cho công ty này. Ông chỉ đạo cấp dưới tạm ứng sai dẫn đến hơn một nghìn tỷ đồng bị sử dụng sai mục đích. Hành vi phạm tội thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng.

Ông Thanh cùng 10 bị cáo còn liên quan hành vi tham ô 13 tỷ đồng qua việc lập khống hồ sơ thiết kế, nghiệm thu, thanh quyết toán bốn hạng mục tại dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng - Quảng Trạch (ở Hà Tĩnh).

Ông Thanh bị đánh giá phạm hai tội đều đặc biệt nghiêm trọng. Ông này bỏ trốn và trong quá trình điều tra đã quanh co chối tội nên cần "trừng trị nghiêm". Tuy nhiên, ông Thanh có tình tiết giảm nhẹ là khắc phục thiệt hại được 4 tỷ đồng.

Cấp sơ thẩm tuyên phạt ông Thăng 13 năm tù, Thanh tù chung thân. 20 bị cáo còn lại bị cấp sơ thẩm tuyên án từ 30 tháng tù treo tới 16 năm tù giam về hai tội Cố ý làm trái và Tham ô tài sản.

Ông Thăng và ông Thanh mỗi người phải liên đới bồi thường 30 tỷ đồng.

Ông Trịnh Xuân Thanh bất ngờ rút đơn kháng cáo, không có mặt ở tòa phúc thẩm sáng nay - Hình 2

Ông Trịnh Xuân Thanh. Ảnh: Giang Huy.

Ông Đinh La Thăng khai gì ở phiên tòa sơ thẩm?

Trong suốt 10 ngày xét xử sơ thẩm, tới tận lúc nói lời sau cùng, ông Thăng đều chỉ nhận "quá quyết liệt, nôn nóng" trong quá trình thực hiện khiến cấp dưới vì vậy mà sai phạm.

Ông xin nhận trách nhiệm thay các thuộc cấp với tư cách là người đứng đầu tuy nhiên trong các lời khai của mình ở phiên tòa, bị cáo luôn một mực khẳng định việc chỉ định thầu cho PVC được xin phép Chính phủ.

Ông phủ nhận mọi lời khai của thuộc cấp cho rằng bản thân chỉ đạo ký hợp đồng thi công cũng như biết văn bản này không đủ giá trị pháp lý vẫn đôn đốc cấp dưới tạm ứng tiền cho công ty con.

Những ngày cuối của phiên tòa, ông Thăng nói "dù mức án nào cũng xin chấp nhận", nhưng chưa một lần bị cáo này nhận mình phạm tội. Các luật sư của ông Thăng cũng dẫn giải nhiều luận chứng và cho rằng thân chủ không phạm tội như cáo trạng và bản luận tội quy kết.

Còn VKS cũng như bản án sơ thẩm đều cho rằng ông Thăng mới chỉ nhận trách nhiệm của người đứng đầu, gây sức ép tiến độ gói thầu mà chưa nhận ra việc làm trái pháp luật của mình nên “cần có hình phạt nghiêm".

Tương tự ông Thăng, ông Thanh cũng không nhận tội, chỉ nhận trách nhiệm người đứng đầu. Cựu chủ tịch PVC cùng các luật sư của mình đều khẳng định bản thân ‘không biết, không phải biết cũng không cần biết’ về việc ký hợp đồng thi công thầu dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2. Ông Thanh cũng chối đến cùng việc chỉ đạo rút ruột dự án Vũng Áng – Quảng Trạch 13 tỷ, chiếm hưởng 4 tỷ, dù các bị cáo và cả lái xe đều nói ông đã nhận tiền.

Cao Huyền