THCL Mặc dù nhiều chính sách đã được đưa ra, song vấn nạn phân bón giả vẫn vô cùng nhức nhối, diễn biến phức tạp. Cùng với đó, việc phát hiện xử lý chưa hiệu quả đang gây thiệt hại lớn cho người dân.

Gây thiệt hại vô cùng lớn

Cục QLTT (Bộ Công thương) cho biết, hàng năm, đơn vị này đã tiến hành kiểm tra, xử phạt việc sản xuất, kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng, bình quân gần 4.000 vụ/năm. Theo con số thống kê chưa đầy đủ, có 63 công ty, tổ hợp sản xuất kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng bán ra trên 48 tỉnh, thành. Một thị trường có quy mô 2 tỷ USD với nhiều lợi ích lớn đang khiến cho không ít đối tượng nhảy vào để làm giả từ sản phẩm đến con dấu kiểm định.

Tình trạng sản xuất tiêu thụ phân bón giả, kém chất lượng còn xảy ra cả trong các phòng kiểm nghiệm, kiểm định. Cụ thể, Thanh tra Bộ NN&PTNT đã báo cáo Kết luận số 235 kiểm tra 11 trung tâm khảo nghiệm, kiểm định thì 100% trung tâm đều vi phạm các nghị định, thông tư về quản lý khảo nghiệm phân bón. 11 trung tâm này đã cấp khống, cấp sai hàng chục nghìn mẫu phân bón cho hàng trăm DN.

Trước thực tế này, ông Nguyễn Hạc Thúy, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho rằng: “Đang tồn tại hệ thống lợi ích nhóm – “bảo kê” của các lực lượng thi hành công vụ, tham gia tiếp tay cho gian thương, gây thiệt hại vô cùng lớn cho nông dân và nền nông nghiệp nước nhà nhiều năm qua”.

“Tại sao khi lực lượng chức năng đến kiểm tra thì các cơ sở có dấu hiệu sản xuất phân bón giả đều đóng cửa hoặc bỏ trốn. Chắc chắn, trong nội bộ đã có người báo tin thì DN mới biết và có hành động như thế”,  ông Thúy nói.

Trong khi đó, TS. Nguyễn Đăng Nghĩa, Trưởng phòng Khoa học và hợp tác quốc tế (thuộc Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam) bày tỏ quan điểm: “Tôi khẳng định, có lợi ích nhóm! Chúng ta có muốn vào cuộc hay không thôi, vào cuộc là ra hết. Các DN lớn đầu tư hàng trăm tỷ đồng vẫn làm phân bón giả, kém chất lượng chỉ vì lợi nhuận. Các DN đem lại nguồn thu lớn cho các địa phương nên khi hỏi đến vấn đề này có hiện tượng bao che, né tránh”.

Cần có chế tài mạnh

Tại cuộc họp báo trước Hội thảo “Lập lại thị trường phân bón Việt Nam và bảo vệ quyền lợi cho nông dân”, ông Phạm Ngọc Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) cho biết: Chính sách về quản lý sản xuất và kinh doanh phân bón là không ít nhưng chưa đủ sức răn đe, sự phân công trách nhiệm của các bộ chưa rõ ràng.

“Hiện nay, Bộ Công thương là đơn vị được giao quản lý 90% phân bón vô cơ, còn Bộ NN&PTNT được giao quản lý 10% phân hữu cơ và các loại phân bón khác, thế nhưng mỗi khi phát hiện một cơ sở sản xuất phân bón có dấu hiệu vi phạm thì cơ quan chức năng vẫn chưa biết quy trách nhiệm cho bên nào”, ông Hùng nêu.

Cùng với đó, thời gian qua, nhiều vụ vi phạm về sản xuất và kinh doanh phân bón giả nổi cộm, gây thiệt hại lớn cho người nông dân, song việc xử lý hình sự vẫn chỉ hãn hữu (chủ yếu chỉ xử phạt hành chính).

“Tiền xử phạt không đáng, quá thấp nên các DN vẫn lộng hành. Nói như dân gian chỉ là “gãi ghẻ” nên họ không sợ, mà sẵn sàng sai phạm và nộp phạt. Xin đặt câu hỏi: Tại sao có nhiều vụ sản xuất phân bón giả, các lực lượng thực thi có thông tin - tổ chức kiểm tra thì các cơ sở đóng cửa và bỏ trốn? Vậy có ai đó đã báo cho các lực lượng này?”, ông Hùng bức xúc.

Liên quan tới việc quản lý phân bón còn chồng chéo giữa các bộ, ngành, ông Thúy đề nghị chỉ nên giao cho một bộ, chẳng hạn Bộ NN&PTNT hoặc Bộ Công thương quản lý lĩnh vực này. Đồng thời, cần tăng mức xử phạt đối với các tổ chức, cá nhân, trung tâm kiểm nghiệm, kiểm định phân bón vi phạm; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vì lợi ích nhóm có hành vi bao che, bảo kê, đồng lõa… với các đối tương vi phạm.

Đồng thời, đối với những đơn vị đã cấp chứng nhận và sản xuất phân bón giả, phải yêu cầu xử lý trách nhiệm, phải trả tiền cho người nông dân và thiết lập lại thị trường lành mạnh, chứ không thể cứ ngồi hội nghị vỗ tay mà không làm.

Phan Chinh