Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

Phát triển kinh tế biển để nâng cao “thế trận lòng dân” trên các vùng biển, đảo

Kinh tế biển và ven biển đóng góp tỷ lệ lớn vào tổng sản phẩm quốc nội; việc phát triển kinh tế biển có vai trò quan trọng trong tăng cường sức mạnh tổng hợp, thế và lực của quốc gia cũng như nâng cao “thế trận lòng dân” trên các vùng biển, đảo.

Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Phạm Đại Dương
Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Phạm Đại Dương

Động lực tăng trưởng giai đoạn mới

Với chiều dài bờ biển hơn 3.200km, 2 quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa cùng hơn 2.500 đảo lớn nhỏ, biển là bộ phận cấu thành chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, là không gian sinh tồn, cửa ngõ giao lưu quốc tế, gắn bó mật thiết với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Việc phát triển kinh tế biển, đặc biệt là trong bối cảnh gắn với đảm bảo quốc phòng an ninh, luôn được Đảng ta quan tâm, chỉ đạo xuyên suốt, ngày càng mở rộng về số lượng và chất lượng.

Đến nay, kinh tế biển và ven biển đóng góp tỷ lệ lớn vào tổng sản phẩm quốc nội, là nguồn thu ngoại tệ mạnh phục vụ phát triển đất nước. Đồng thời, việc phát triển kinh tế biển có vai trò quan trọng trong tăng cường sức mạnh tổng hợp, thế và lực của quốc gia cũng như nâng cao “thế trận lòng dân” trên các vùng biển, đảo.

Với nhiều tiềm năng và lợi thế về biển, Phú Yên nói riêng, 28 địa phương ven biển nói chung cần xác định kinh tế biển là động lực phát triển chính để xây dựng tỉnh thịnh vượng và yên bình, gắn với bảo vệ chủ quyền biển, hải đảo trong giai đoạn mới.

Mặc dù vẫn đang có những bước tăng trưởng và phát triển nhưng các nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (Organisation for Economic Cooperation and Development – OECD) cho thấy rằng thế giới đang đối mặt với không ít các vấn đề về phát triển. Đó là vấn đề về gia tăng dân số thế giới, được dự báo gần 10 tỷ người vào năm 2050. Việc gia tăng dân số sẽ kéo theo nhiều vấn đề về xã hội, mà một trong những vấn đề đó là đảm bảo lương thực cho toàn bộ dân số; Đó là vấn đề về tăng trưởng thực GDP của toàn thế giới đang giảm dần. Việc này cùng với các vấn đề như dịch bệnh COVID-19, khủng hoảng kinh tế… đang kéo tăng trưởng của thế giới lùi lại.

Đó là vấn đề về năng suất lao động trung bình giảm dần mặc dù những tiến bộ khoa học và công nghệ vẫn đang diễn ra hàng ngày; Đó là vấn đề về gia tăng nhu cầu năng lượng; Đó là vấn đề chiến tranh thương mại giữa các quốc gia, đặc biệt là chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc; Đó là những vấn đề phức tạp ở biển Đông; Đó là vấn đề về biến đổi khí hậu… Việt Nam nói chung, Phú Yên nói riêng, nằm trong bối cảnh chung của toàn thế giới, cũng đang phải đối mặt với những thách thức trên. Đồng thời, là một nước đang phát triển nhanh, chúng ta còn phải đối mặt với các nguy cơ của bẫy thu nhập trung bình, nguy cơ bỏ lỡ cơ hội vàng để phát triển vươn lên, các vấn đề về dịch bệnh, ô nhiễm môi trường …

Trong bối cảnh đó, phát triển kinh tế biển nổi lên như là một động lực tăng trưởng mới, bù đắp vào sự tăng trưởng chậm lại của kinh tế nội địa, đồng thời, cũng là giải pháp để các quốc gia gia tăng ảnh hưởng tại các vùng biển, hải đảo, đặc biệt là các khu vực có nguồn lợi hải sản, trữ lượng tài nguyên, dầu mỏ lớn, các khu vực có tranh chấp và các khu vực có các tuyến thương mại quan trọng của thế giới. Đối với 28 địa phương ven biển, kinh tế biển chính là cơ hội để tỉnh bứt phá, nắm bắt cơ hội của thời cuộc để phát triển vươn lên mạnh mẽ.

Kinh tế biển giữa “bão” COVID-19

Từ cuối năm 2019 đến nay, chúng ta đang phải đối mặt với đại dịch COVID-19. COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hầu hết các quốc gia trên thế giới, trên cả phương diện phát triển kinh tế và đời sống xã hội. Việt Nam nói chung, Phú Yên nói riêng, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, sự quyết liệt của tỉnh trong thực hiện mục tiêu kép phòng chống dịch đi đôi với phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, đã đạt được nhiều thành công.

Đến nay, chúng ta đang thực hiện tốt phòng chống dịch bệnh trong cộng đồng và là một trong ít những nền kinh tế có tăng trưởng dương trong năm 2020. Tuy nhiên, là một nền kinh tế hội nhập quốc tế sâu, rộng, chúng ta bị ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch COVID-19, trong đó, có nhiều ngành nghề của kinh tế biển như du lịch, nuôi trồng, đánh bắt, vận tải… bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là ngành du lịch.

Mặc dù vậy, bên cạnh những khó khăn chung của cả thế giới do dịch COVID-19 gây ra thì phát triển kinh tế biển ở nước ta trong giai đoạn hiện nay có những thời cơ, thuận lợi. 

Đó là, chúng ta đang kiểm soát tốt dịch bệnh ở trong nước, đồng thời đã sản xuất và thử nghiệm vaccin chống COVID-19. Đây là điều kiện thuận lợi để kinh tế nói chung, kinh tế biển nói riêng tiếp tục phát triển. Đến nay, ngành du lịch của chúng ta đang từng bước phục hồi.

Đó là, chúng ta hội nhập quốc tế sâu, rộng. Với việc 13 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương đã có hiệu lực, Hiệp định RCEP mới được ký kết, cùng các FTA đang đàm phán, Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở so với các quốc gia khác trên thế giới, tạo ra cơ hội lớn để phát triển. Ở đây, cơ hội phát triển diễn ra ở cả 2 chiều. Một chiều là những sản phẩm của nuôi trồng, đánh bắt thuỷ hải sản của Việt Nam sẽ tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ở chiều kia, chúng ta sẽ đón nhận dòng vốn đầu tư quốc tế vào các ngành kinh tế biển đầy tiềm năng, tạo ra cơ hội để phát triển các ngành này về cả quy mô lẫn trình độ. Việc thu hút đầu tư này không chỉ diễn ra trong các ngành mà chúng ta đã phát triển mạnh như du lịch, nuôi trồng, đánh bắt, chế biến thuỷ hải sản, dầu khí, cảng biển, vận tải đường biển… mà cả các ngành mới nổi như năng lượng tái tạo, năng lượng mới…

Đó là, những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tạo ra cơ hội cho chúng ta phát triển các ngành nhanh hơn, bền vững hơn. Với những công nghệ trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo… ngành du lịch biển sẽ ngày càng trở nên thú vị hơn, hấp dẫn hơn đối với du khách. Với những công nghệ như Internet vạn vật, blockchain… việc truy xuất, đảm bảo nguồn gốc đối với thuỷ hải sản, kiểm soát môi trường sẽ đơn giản hơn. Nhờ đó, sản phẩm của chúng ta sẽ đi vào các thị trường yêu cầu cao, giá trị cao như châu Âu, Mỹ...

Bên cạnh đó, việc phát triển kinh tế biển còn có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với nước ta, đó chính là đảm bảo quốc phòng an ninh, bảo vệ chủ quyền biển, hải đảo.

Cơ hội thời cuộc

Trong giai đoạn hiện nay, mặc dù dịch COVID-19 gây ảnh hưởng, làm chậm tốc độ phát triển nhưng kinh tế biển vẫn là một động lực tăng trưởng mới, là cơ hội để chúng ta bứt phá vươn lên. Để có thể nắm bắt được cơ hội này, các địa phương ven biển cần phải phát triển kinh tế biển trên quan điểm phải gắn với phát triển bền vững, hội nhập quốc tế, tận dụng được các thành tựu của cuộc cách mạng lần thứ tư và phải tính đến các yếu tố tác động do dịch COVID-19 mang lại, với các tiếp cận chính:

Một là, tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp và nhân dân về vị trí, vai trò của kinh tế biển và vùng ven biển. Cần có nhận thức thống nhất tạo nên sức mạnh tổng hợp trong toàn Đảng, toàn dân, toàn hệ thống chính trị về phát triển kinh tế biển, gắn phát triển kinh tế biển với đảm bảo chủ quyền biển, hải đảo.

Hai là, COVID-19 đã và đang thay đổi thói quen, hành vi của người dân và cả cách thức các ngành kinh tế vận hành và phát triển. Theo OECD, kinh tế biển thời hậu đại dịch sẽ có những thay đổi mới, trong đó đẩy nhanh quá trình phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường là xu thế chính. Việc đánh bắt thuỷ hải sản theo cách tận diệt, một nguyên nhân gây ra tình trạng suy giảm lượng thuỷ hải sản, đang dần được thay thế bằng việc nuôi trồng ở quy mô công nghiệp.

Một số ngành nuôi biển xa bờ được dự báo có sự phát triển nhanh nhờ vào sự tiến bộ của các giải pháp công nghệ cũng như nhu cầu tăng cao về lương thực trong bối cảnh gia tăng dân số, đặc biệt là thực phẩm sạch. Việc sử dụng năng lượng trong hoạt động biển, hoạt động hàng hải cũng hướng đến xanh hơn, giảm phát thải khí CO2. Năng lượng tái tạo như điện gió, điện khí, điện thuỷ triều, điện mặt trời nổi trên biển… sẽ là lĩnh vực được quan tâm đầu tư trong thời gian tới nhằm đáp ứng nhu cầu tăng cao về năng lượng cũng như giải quyết được các vấn đề về bền vững. Ngành du lịch cũng sẽ có sự thay đổi hướng đến sự bền vững, thân thiện với môi trường. Chúng ta cần phải nắm bắt được những xu thế phát triển chính này để có được giải pháp phát triển, từng ngành cụ thể một cách phù hợp.

Ba là, cần có những chính sách để tập trung thu hút, khuyến khích các nguồn lực xã hội tham gia đầu tư phát triển các ngành kinh tế biển phát triển mạnh sau đại dịch như năng lượng tái tạo, nuôi biển, nuôi trồng thuỷ hải sản quy mô công nghiệp, du lịch biển… Trong đó, định hướng phát triển cần theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường cũng như bảo vệ, phát triển cộng đồng dân cư địa phương.

Việc đầu tư, thu hút đầu tư cũng cần được lựa chọn, tính toán cẩn thận dựa trên quy hoạch, chiến lược để phát huy thế mạnh của từng địa phương, gắn với khai thác được tiềm năng, lợi thế liên kết vùng trong phát triển, tránh đầu tư tràn lan. Các sản phẩm cần được phát triển thành quy mô công nghiệp. Mỗi địa phương, mỗi vùng cần xác định và chỉ phát triển một vài sản phẩm có thế mạnh để có thể tập trung đầu tư hạ tầng, công nghệ sản xuất, chế biến nhằm nâng cao giá trị gia tăng. Ví dụ, khu vực Khánh Hoà, Phú Yên, Bình Định có lợi thế về cá ngừ thì có thể tập trung đầu tư phát triển ngành cá ngừ ở Việt Nam.

Có 2 ngành kinh tế biển hậu COVID-19 mà chúng ta cần lưu ý, tập trung phát triển. Đầu tiên là ngành nuôi biển quy mô lớn gần bờ và xa bờ. Theo Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (Food and Agriculture Organisation of United Nations – FAO), đến năm 2030, thế giới cần thêm 19 triệu tấn hải sản so với 2015 mới bảo đảm nhu cầu dinh dưỡng. Tuy nhiên, chúng ta cần phải tận dụng các tiến bộ của cuộc cách mạng lần thứ tư để ứng dụng hiệu quả vào ngành này để đảm bảo hiệu quả và bền vững. Ví dụ, ngành nuôi tôm hùm hiện nay là một ngành cho hiệu quả kinh tế cao.

Tuy nhiên, do chưa áp dụng các công nghệ tiên tiến nên vẫn chịu nhiều ảnh hưởng do thiên tai, và còn gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, do quy trình nuôi trồng chưa đảm bảo nên chưa vào được các thị trường lớn, giá trị cao. Do đó, cần ứng dụng các công nghệ để kiểm soát các dữ liệu đầu vào như dinh dưỡng, chất lượng nguồn nước … để đảm bảo chất lượng cũng như sự ổn định. Đối với ngành năng lượng tái tạo, với nhu cầu năng lượng tăng cao trong nước, năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời nổi…) chính là giải pháp để chúng ta đảm bảo nguồn cung năng lượng cũng như bảo vệ môi trường.

Bốn là, trong đầu tư, chú ý sự hài hoà giữa phát triển kinh tế xã hội và quốc phòng an ninh. Các công trình dự án phục vụ phát triển kinh tế biển phải thực sự được thực hiện trên cơ sở đảm bảo quốc phòng, an ninh. Đồng thời, trong trường hợp cho phép, đưa những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quân sự vào phục vụ phát triển kinh tế biển; ưu tiên đầu tư những công trình lưỡng dụng. Xây dựng những chính sách, giải pháp hỗ trợ người dân, ngư dân bám biển, làm giàu từ biển; để mỗi ngư dân là một cột mốc sống trên biển.

Năm là, tận dụng việc hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước, bối cảnh chiến tranh thương mại giữa các quốc gia để thu hút các doanh nghiệp, các nguồn vốn quốc tế vào tham gia đầu tư, phát triển tỉnh, đặc biệt là trong các lĩnh vực có trình độ khoa học và công nghệ cao như sản xuất công nghiệp, chế biến thuỷ hải sản, hàng hải…

Hiện nay đang có xu hướng một số doanh nghiệp công nghệ cao dịch chuyển một phần sản xuất ra khỏi khu vực truyền thống để tìm kiếm các địa điểm có nhiều thuận lợi hơn. Đây chính là cơ hội cho các khu công nghiệp, đặc biệt là khu công nghiệp ven biển tận dụng lợi thế về cảng biển, sân bay để thu hút các doanh nghiệp.

Phú Yên và nhiều địa phương ven biển miền Trung là những địa phương đi sau nhưng có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển vươn lên. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của đất nước, với cơ hội của hội nhập quốc tế, của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và với thời cơ của kinh tế biển, các địa phương này có đầy đủ những điều kiện để bứt phá, đóng góp xứng đáng vào sự chuyển mình vươn lên của đất nước.

Biến cơ hội thành hiện thực cần sự nỗ lực, sự quyết tâm và sức mạnh tổng hợp của toàn tỉnh. Kế thừa thành tựu, phát huy lợi thế, nắm bắt cơ hội không chỉ là nhiệm vụ của hệ thống chính trị mà còn là trách nhiệm và quyền lợi của mỗi cán bộ, mỗi chiến sĩ và mỗi người dân, để thịnh vượng và bình yên không mãi chỉ là ước mơ.

Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Phạm Đại Dương 

Bài liên quan

Tin mới

Tiếp tục nghiên cứu khung khổ pháp lý về tiền ảo
Tiếp tục nghiên cứu khung khổ pháp lý về tiền ảo

Việc nghiên cứu, đề xuất phương thức quản lý hoạt động liên quan đến tài sản mã hóa, tài sản ảo, tiền ảo là một nhiệm vụ khó khăn, đòi hỏi nguồn nhân lực, thời gian.

Thế Giới Di Động cắt giảm gần 10.000 nhân viên
Thế Giới Di Động cắt giảm gần 10.000 nhân viên

Năm qua được xem là năm khó khăn nhất của ngành bán lẻ hàng điện máy, hàng công nghệ. Do đó, các hệ thống bán lẻ đều gặp khó khăn, phải tinh gọn bộ máy và Thế Giới Di Động cũng không ngoại lệ khi cắt giảm gần 10.000 nhân viên.

Làm cách nào để có năng lực kinh tế tốt hơn?
Làm cách nào để có năng lực kinh tế tốt hơn?

Khoảng 75% ý kiến cho rằng bắt đầu công việc kinh doanh riêng hoặc làm công việc tự do là cách để có năng lực kinh tế tốt hơn. Hơn 8 trên 10 người tham gia khảo sát tại Việt Nam (82%) hiện đang thực hiện các bước để có “năng lực kinh tế cao hơn”.

Những trái tim ngành y về Lào Cai lan tỏa yêu thương
Những trái tim ngành y về Lào Cai lan tỏa yêu thương

Trong thời gian qua, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã cử nhiều đoàn bác sĩ nội trú về huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa thuộc tỉnh Lào Cai nhằm tạo cơ hội cho người dân tại đây được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng ngày một tốt hơn, hạn chế chuyển tuyến không cần thiết, góp phần giảm quá tải ở các bệnh viện tuyến trên.

Phát huy vai trò nền kinh tế kết nối, động lực tăng trưởng dựa vào xuất khẩu
Phát huy vai trò nền kinh tế kết nối, động lực tăng trưởng dựa vào xuất khẩu

Triển vọng thương mại toàn cầu năm 2024 vẫn rất bấp bênh, nền kinh tế nước ta vẫn phải đối mặt với những khó khăn thách thức không hề nhỏ. Vì vậy, năm 2024, cần phát huy vai trò nền kinh tế kết nối, động lực tăng trưởng dựa vào xuất khẩu.

Công nghệ Viễn thông Sài Gòn lên kế hoạch lợi nhuận tham vọng tăng 490,5% trong năm 2024
Công nghệ Viễn thông Sài Gòn lên kế hoạch lợi nhuận tham vọng tăng 490,5% trong năm 2024

Công ty CP Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (Saigontel, mã SGT - sàn HOSE) công bố tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024. Đại hội diễn ra ngày 19/4/2024 tại TP.HCM.