Cụ thể, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp và khó lường; diễn biến lạm phát và kinh tế khó lường khiến triển vọng hạ lãi suất của FED khó dự báo hơn. Lạm phát thế giới có xu hướng giảm nhưng khác biệt tại nhiều quốc gia: tỷ lệ lạm phát hàng năm ở Mỹ bất ngờ giảm xuống 3,3% vào tháng 5/2024, mức thấp nhất trong 3 tháng gần đây; Tỷ lệ lạm phát hàng năm của Trung Quốc ở mức 0,3% vào tháng 5/2024, giữ ổn định tháng thứ hai liên tiếp trong khi thấp hơn dự báo của thị trường là 0,4% - là tháng thứ tư liên tiếp lạm phát tiêu dùng ở mức dương, báo hiệu sự phục hồi của nhu cầu trong nước; Tỷ lệ lạm phát hàng năm ở Nhật Bản đã tăng tốc lên 2,8% vào tháng 5/2024 từ mức 2,5% trong tháng 4, đạt mức cao nhất kể từ tháng 2; Tỷ lệ lạm phát hàng năm ở khu vực đồng tiền chung châu Âu đã tăng lên 2,6% vào tháng 5/2024 từ mức 2,4% trong hai tháng trước đó.

Ảnh minh họa (nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)

Căng thẳng địa chính trị, cạnh tranh nước lớn ngày càng gia tăng, sự phục hồi của các đối tác thương mại lớn còn chậm, lãi suất USD thế giới neo ở mức cao, rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất toàn cầu, giá cước vận tải tăng cao, tình trạng ùn ứ tại một số cảng lớn khu vực châu Á tác động trực tiếp tới hoạt động xuất nhập khẩu và nền kinh tế có độ mở lớn của Việt Nam.

Hoạt động xuất nhập khẩu vẫn tiếp tục phụ thuộc vào một số thị trường, mặt hàng và khu vực FDI.

Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang các thị trường lớn (EU, Mỹ) tiếp tục phải đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại, các rào cản kỹ thuật liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh.

Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực (giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ, điện thoại các loại và linh kiện) mặc dù phục hồi tích cực song vẫn chưa về lại mức đỉnh của cùng kỳ năm 2022;

Tình hình thời tiết diễn biến cực đoan (dự báo chuyển mạnh từ nắng nóng (El Nino) sang mưa bão (La Nina) ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, sinh hoạt…

Ở trong nước, nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định xã hội trong bối cảnh biến động của địa chính trị và kinh tế thế giới diễn ra phức tạp, nhiều khó khăn thách thức, sẽ tiếp tục tạo ra những thuận lợi trong thu hút đầu tư và thúc đẩy sản xuất kinh doanh thời gian tới.

Các tổ chức quốc tế đã đưa ra dự báo kinh tế Việt Nam 2024 có thể đạt mức tăng trưởng cao hơn trong năm 2023. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2024 của Việt Nam sẽ được duy trì ở mức 6%.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo Việt Nam đứng thứ 20 thế giới với mức tăng trưởng năm 2024 đạt 5,8%. WB dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2024 là 5,5% và tiếp tục nằm trong nhóm đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Theo Cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch Ratings, chính sách tài chính và tiền tệ trong nước của Việt Nam đã hỗ trợ nhiều cho nền kinh tế, theo đó, dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đạt 6,3% vào năm 2024 và 7,0% vào năm 2025.

Chính phủ cũng đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Nền kinh tế có những tín hiệu phục hồi tích cực là động lực cho tăng trưởng tiêu dùng trong nước. Bên cạnh đó, nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm trong nước dồi dào sẽ góp phần kiểm soát lạm phát.

Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại của nước ta cũng còn tiềm ẩn những vấn đề cần theo dõi sát để kịp thời xử lý bởi bối cảnh trong nước còn tiềm ẩn những khó khăn, thách thức như: Sản xuất công nghiệp phục hồi chưa toàn diện (trong 6 tháng đầu năm 2024, còn 7/63 địa phương có IIP giảm); Thị trường trong nước tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ; Chỉ số giá trong nước chịu áp lực tăng sau khi thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 1/7 và điều chỉnh giá điện theo cơ chế mới; Thị trường xuất khẩu tuy phục hồi nhưng chưa vững chắc; Giá xuất khẩu một số nhóm hàng nông sản như gạo, hạt tiêu, cà phê… tăng mạnh tuy giúp tăng giá trị xuất khẩu nhưng tiềm ẩn nguy cơ xáo trộn nguồn cung vì tính chuyên nghiệp của doanh nghiệp, nhà cung cấp chưa cao (xuất hiện tình trạng doanh nghiệp xuất khẩu gạo bỏ giá đấu thầu tại nước ngoài thấp hơn giá bán trong nước); Nhu cầu điện, xăng dầu tăng đột biến từ đầu năm 2024 đặt ra yêu cầu cao đối với công tác đảm bảo cung ứng điện, xăng dầu.

Minh Anh