THCL Bên cạnh những khoản thu đầu năm học mới 2015 - 2016, không ít phụ huynh HS choáng váng vì nhận được thông báo đóng BHYT với mức phí tăng vọt.

Theo lý giải của cơ quan chức năng, việc thu phí theo năm tài chính thay vì thu theo số tháng của năm học và quyết định điều chỉnh tăng lương cơ bản - là nguyên nhân làm tăng tiền phí bảo hiểm. Tuy nhiên, sự chậm trễ trong việc tuyên truyền, phổ biến của cơ quan BH đã khiến nhiều phụ huynh chưa thực sự “tâm phục, khẩu phục”.

Gánh nặng… tiền trường

Năm học mới bắt đầu đi kèm với khoản “tiền trường” khá cao luôn là mối lo của không ít phụ huynh, đặc biệt là những người có thu nhập thấp. Gánh nặng tiền trường năm nay có phần thêm nặng bởi tiền phí BHYT của học sinh, sinh viên (HS-SV) bất ngờ tăng cao.

Nhiều phụ huynh có con học cấp I, II, III trên địa bàn Hà Nội phản ảnh, gia đình đã phải đóng phí BHYT với giá cao. Một phụ huynh có con học lớp 3 cho biết, phí BH năm nay tăng gần như gấp đôi năm ngoái. Với những gia đình thu nhập ổn định thì khoản tiền gần 600.000 đồng tiền BHYT cho 1 cháu đang đi học cũng phải cân đối, chứ đừng nói là gia đình đông con và thu nhập còn eo hẹp. Với những gia đình có 2 đến 3 con thì khoản tiền trường đầu năm kèm theo tiền BH sẽ lên tới 7 - 8 triệu đồng, khoản tiền khá lớn so với thu nhập của các phụ huynh đang làm công, ăn lương.

Đại diện Bộ Y tế cho biết, năm học mới 2015 - 2016 là năm đầu tiên thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT (có hiệu lực từ đầu năm 2015) với một số điểm mới. Theo đó, mức đóng BHYT HS-SV sẽ tăng từ 3% mức lương cơ sở như trước, lên 4,5%. Từ năm học này, mỗi năm, một HS sẽ phải đóng tiền mua thẻ BHYT là 434.700 đồng (tăng gần 150.000 đồng). Mức đóng này sẽ giảm tương ứng khi được hỗ trợ của địa phương ngoài số NSNN đã hỗ trợ 30% theo quy định của pháp luật BHYT.

Điểm mới tiếp theo là thời hạn sử dụng ghi trên thẻ BHYT HS-SV sẽ có giá trị từ ngày 1/1 đến 31/12 của năm, chứ không áp dụng theo thời gian của năm học như trước. Do năm học 2015 - 2016 là năm đầu tiên thực hiện thay đổi hình thức mua thẻ BHYT theo năm tài chính nên các trường có thể yêu cầu HS phải đóng luôn phí tham gia BHYT 15 tháng với số tiền 1 thẻ là 543.700 đồng ngay từ đầu năm. Về quyền lợi, HS-SV khi đi khám chữa bệnh theo BHYT được hưởng 80% chi phí và cùng chi trả 20% (trừ các đối tượng thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo).

BHXH lý giải, quy định như trên sẽ có tính khả thi và thuận lợi hơn cho các bên tham gia. Cụ thể, phụ huynh có thể đến tháng 12 mới phải đóng phí BHYT cho con em mình; nhà trường cũng có thêm thời gian triển khai công việc đầu năm học mà không phải quá bận bịu vào việc thu đóng BHYT.

Trước ngày tựu trường, nhiều trường học đã thông báo yêu cầu HS phải đóng luôn 15 tháng tham gia BHYT với số tiền 1 thẻ là 543.700 đồng. Do không được giải thích, phân tích kỹ về quy định mới nên nhiều phụ huynh cảm thấy “choáng” vì số tiền BHYT phải đóng tăng gần gấp đôi so với những năm trước.

Tuy nhiên, đại diện Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho biết, do năm học 2015 - 2016 là năm đầu tiên điều chỉnh nên phải thu BHYT HS 15 tháng để từ năm học sau sẽ thu 12 tháng như trước. Tuy vậy, không bắt buộc các trường yêu cầu HS phải đóng cùng lúc 15 tháng mà có thể thực hiện một cách linh hoạt theo hướng dẫn của BHXH gửi các địa phương.

Trong khi theo lý giải của BHXHVN, năm học 2015 - 2016 là thời điểm đầu tiên thực hiện Luật BHXH sửa đổi năm 2014. Việc điều chỉnh mức đóng lên 4,5% và thu theo năm tài chính (từ 1/1 - 31/12 hàng năm) là thực hiện đúng quy định của Luật BHYT - đã được Quốc hội thông qua. Luật được Quốc hội quy định cụ thể mức trần là 6%, nhưng để phù hợp với kinh tế, xã hội hiện nay mới quy định mức 4,5%.

“Báo chí đã làm nóng”…

Theo ông Trần Đình Liệu, Trưởng ban Thu (BHXHVN): Mặc dù Thông tư 41/2014/TTLĐ-BTC-BYT không quy định thu gộp 15 tháng. Nhưng do cách hiểu chưa đúng nên khi tổ chức triển khai, đơn vị BHXH và giáo dục tại 8 tỉnh, thành phố (Bến Tre, Bình Định, Bình Phước, Hải Phòng, Quảng Trị, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, TP. Hồ Chí Minh) đã hướng dẫn thu BHYT gộp 15 tháng. Riêng TP. Hồ Chí Minh đã điều chỉnh dừng ngay việc thu 15 tháng và chuyển sang hướng dẫn thu 6 tháng hoặc 12 tháng.

Nói về trách nhiệm của BHXH khi để xảy ra sự xáo trộn không nhỏ thời gian qua, ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban thực hiện chính sách BHYT (BHXHVN) cho rằng, lỗi do ngành giáo dục tại các nơi tổ chức thu BHYT 15 tháng. Thông tư 41 đã quy định rõ trách nhiệm của ngành giáo dục: “Cơ sở giáo dục thu tiền đóng phần thuộc trách nhiệm phải đóng của HS-SV 6 tháng hoặc 1 năm 1 lần nộp vào quỹ BHYT”. Việc tổ chức thu 15 tháng là sai, khi chỉ tạo thuận lợi cho cơ quan BHYT, mà không tính đến quyền lợi của người dân.

Còn người đứng đầu BHXH Việt Nam, bà Nguyễn Thị Minh lại cho rằng, vấn đề này nóng do báo chí: “Chính báo chí đã làm nó nóng lên. “Chúng tôi cũng có một phần trách nhiệm, đáng lý phải làm sao để các trường hiểu sâu hơn, nhưng chưa có điều kiện. Nhưng giá như khi có thông tin trên, báo chí quay về chất vấn BHXHVN làm rõ thì không có câu chuyện như vừa qua”.

“Tôi nghĩ rằng, nếu cuộc họp báo tổ chức sớm hơn - sẽ không xảy ra tình trạng như vậy, các cơ quan báo chí có thể đồng hành, chia sẻ với BHXHVN. Tuy nhiên, chính sách này cần phải có thời gian để thấm đến mọi người dân. Và nó cũng phải trải qua một quá trình kiểm nghiệm thực tế. Song phải khẳng định rằng, BHYT HS-SV, BHYT nói chung là những nhu cầu an sinh thiết yếu của một con người. Sau chuyện cơm ăn, nước uống, đi lại, học hành, sức khỏe là vấn đề quan trọng nhất của một con người…”, bà Minh nói.

Chất lượng KCB có tăng?

Ngành GD&ĐT đã ban hành công văn tới sở GD&ĐT chỉ đạo các trường học phân kỳ thu 6 tháng, tránh dồn thu tập trung vào đầu năm học nhằm giảm bớt khó khăn cho phụ huynh. Tuy nhiên, do việc tuyên truyền, hướng dẫn chưa sâu rộng dẫn đến việc nhiều phụ huynh không hiểu và chưa đủ thông tin gây nên xáo trộn.

Trong năm học 2015 - 2016, các trường có thể áp dụng 3 cách thu BHYT của HS-SV: Đóng 3 tháng (từ nay đến hết năm 2015), sau đó đóng tiếp cho năm sau; có thể năm nay đóng 3 tháng, năm sau chia làm 2 đợt, mỗi đợt đóng 6 tháng; gia đình nào có điều kiện thì có thể đóng luôn 15 tháng.

Theo bà Nguyễn Thị Minh, mức BHYT thực tế không quá cao. Đơn cử ở Australia, phải đóng 2.000 USD/năm. Cho nên, ở Việt Nam hiện nay, tăng phí BHYT từ 3% lên 4,5%, chỉ cao hơn những năm trước hơn 100.000 đồng. Điều quan trọng là Nhà nước đã hỗ trợ cho những nhóm khó khăn, yếu thế như con em người nghèo (100%), quân nhân, công an (100%), người cận nghèo tối thiểu là 70%...

Bà Minh chia sẻ: “Chúng ta chấp nhận đóng cao một chút để hưởng chất lượng dịch vụ y tế tốt hơn. Tôi nghĩ, điều đó là cần thiết. Tại các bệnh viện đang quá tải, giường bệnh 3 - 4 người nằm chung; chất lượng khám chữa bệnh chưa cao… Nếu chúng ta không ủng hộ thì bao giờ y tế tốt lên được? Ngân sách dành cho y tế còn hạn hẹp nên chúng ta phải huy động nguồn vốn của cả cộng đồng để những người bị bệnh nặng có thể vào bệnh viện, được chẩn đoán và chữa bệnh tốt hơn”.

Ngày 18/9, BHXHVN đã ký Công văn hỏa tốc số 3592/BHXH-BT. Công văn nhấn mạnh: Đối với năm 2015, sẽ thu phí BHYT HS-SV của những tháng còn lại của năm 2015, thời hạn ghi trên thẻ BHYT tương ứng với số tiền nộp vào quỹ BHYT. Chỉ thực hiện thu phí BHYT 1 lần từ tháng 10/2015 đến 31/12/2016, nếu HS-SV có nguyện vọng và tự nguyện đóng. Công văn này của cơ quan BHXH ban hành được cho là không kịp thời bởi hiện nay, hầu như các trường đã thu xong BHYT.

Cao Huyền - Đoàn Huế (Thương hiệu & Công luận)