Đánh giá cao những đóng góp quan trọng của các nữ cán bộ quản lý, nhà khoa học ngành giáo dục và đào tạo, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh các nữ cán bộ quản lý, nhà khoa học là minh chứng khẳng định vị thế và vai trò quan trọng của phụ nữ ngành giáo dục trong công cuộc đổi mới của đất nước và hội nhập quốc tế.
Các chị là những tấm gương nhà giáo tiên phong trong thực hiện, học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện tốt lời dặn dò của Bác “dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua Dạy tốt-Học tốt,” phấn đấu trở thành những nhà quản lý giỏi, tinh thông nghiệp vụ.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh với các đại biểu (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Phó Chủ tịch nước chỉ rõ để hoàn thành được sứ mệnh lịch sử của mình trong quá trình hội nhập, đòi hỏi phải có nhiều nguồn lực, trong đó nguồn lực con người là quan trọng nhất, quyết định đến mọi nguồn lực phát triển khác. Đây chính là trách nhiệm của mọi cấp, mọi ngành, của mỗi gia đình và nhà trường.
Phó Chủ tịch nước cho rằng để tiếp tục thực hiện triển khai nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo tình thần Nghị quyết số 29, khóa 11, ngành Giáo dục cần kiên trì thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng kết hợp nhuần nhuyễn nguyên lý giáo dục: Học đi đôi với hành, nhà trường gắn với gia đình và xã hội.
Người giáo viên phải thường xuyên được đào tạo và bồi dưỡng nâng cao trình độ; đổi mới phương pháp giảng dạy; tiếp tục đổi mới quản lý giáo dục, đây là nhiệm vụ trọng tâm, là khâu đột phá để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.
“Thời đại ngày nay là của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, của kỹ thuật số, vì thế đòi hỏi ngành giáo dục chúng ta cũng phải thường xuyên đổi mới, nâng cao trình độ. Muốn có trò giỏi thì phải có thầy giỏi. Do đó, người giáo viên cùng như cán bộ ngành phải không ngừng nâng cao trình độ, thường xuyên học hỏi và từ đó truyền đạt những kiến thức mới, kỹ năng mới đến học sinh,” Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nói.
Phó Chủ tịch nước cũng đề nghị ngành giáo dục tích cực đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, thi đua “Dạy tốt-Học tốt.”
Kịp thời nêu gương các điển hình tiên tiến nhằm động viên kịp thời cô giáo và học sinh sinh viên có ý thức phấn đấu tốt và có kết quả giảng dạy, học tập tiến bộ. Đồng thời, có các hình thức thi đua sâu rộng trong toàn ngành đề thực sự làm động lực cho thầy cô giáo dạy giỏi, học sinh sinh viên học tốt.
Cùng với đó, cần chuẩn bị kỹ các điều kiện tốt nhất để triển khai có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong đó, tập trung vào công tác đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới.
Phụ nữ ngành giáo dục chiếm tỷ lệ gần 75% trong tổng số hơn 1,5 triệu cán bộ, nhà giáo, người lao động toàn ngành.
Quán triệt chủ trương của Đảng và Nhà nựớc về công tác phụ nữ, những năm qua Công đoàn Giáo dục Việt Nam và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai nhiều giải pháp chăm lo, phát triển đội ngũ nữ cán bộ người lao động đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Trong đó, đã cụ thể hóa Nghị quyết 11 của Bộ Chinh trị về công tác phụ nữ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tổ chức các phong trào thi đua, tiêu biểu là phong trào “Giỏi việc trường-đảm việc nhà” trong suốt gần 30 năm qua, tạo tiền đề tốt cho nữ cán bộ người lao động phấn đấu vươn lên, góp phần vào những thành tựu chung của ngành giáo dục.
Theo TTXVN