Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

Phục hồi ngành gỗ Việt: Đổi mới, sáng tạo từ phương án sản xuất, kinh doanh

Những tháng vừa qua, sản xuất, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chịu nhiều tác động từ đại dịch Covid-19. Trong giai đoạn mới hiện nay, để quay trở lại và phục hồi sản xuất, các doanh nghiệp ngành gỗ cần chuẩn bị kỹ các phương án thích ứng mới cũng như có những sáng tạo, đổi mới trong các khâu hợp tác, kinh doanh,...

 Để quay trở lại và phục hồi sản xuất, các doanh nghiệp ngành gỗ cần có những đổi mới, sáng tạo trong các khâu hợp tác, kinh doanh. Ảnh minh họa: QH.

Sản xuất, xuất khẩu gỗ chịu nhiều tác động từ đại dịch COVID-19

Theo Nhóm nghiên cứu của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), Hiệp hội gỗ và và lâm sản Bình Định (FPA Bình Định), Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (HAWA), Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA) và tổ chức Forest Trends, đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực tới cả đầu xuất và nhập gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam, đặc biệt từ đầu quý III vừa qua. Các tỉnh Đông Nam Bộ như Bình Dương, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh là trung tâm chế biến gỗ của cả nước cũng chính là nơi dịch bùng phát mạnh nhất.

Trong khâu xuất khẩu, mặc dù kim ngạch xuất khẩu 9 tháng năm 2021 tăng so với 9 tháng năm 2020, tuy nhiên mức tăng trưởng này chủ yếu là do kim ngạch từ nửa đầu của năm 2021 mang lại. Kể từ tháng Bảy năm nay, kim ngạch xuất khẩu bắt đầu giảm mạnh và hiện vẫn tiếp tục đà giảm cho đến nay. Đà giảm này thấy ở tất cả các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như: đồ gỗ, ghế ngồi và gỗ dán (trừ dăm gỗ và ván bóc – 2 mặt hàng xuất khẩu chủ yếu đi Trung Quốc đang tiếp tục tăng). Mức suy giảm trong xuất khẩu trong những tháng gần đây thấy ở hầu hết các thị trường trọng điểm như: Mỹ, Hàn Quốc, Anh và Canada, với mức giảm khoảng trên dưới 20% hàng tháng. Một số thị trường như Trung Quốc, Nhật, EU và Úc có kim ngạch tiếp tục tăng, tuy nhiên tốc độ tăng chậm, dưới 10%.

Trong 9 tháng năm 2021, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt 10,76 tỷ USD tăng 30,5% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên trong tháng 9 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 691,49 triệu USD, giảm 14,1% so với tháng 08/2021 và giảm 38,3% so với tháng 09/2020.

Các con số trên cho thấy, dịch bệnh tái phát trong những tháng gần đây tác động tiêu cực tới khâu xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. Dịch bệnh bùng phát ở các trung tâm chế biến trong cả nước và điều này ảnh hưởng tới phát triển của cả ngành.

Chia sẻ về những khó khăn của ngành gỗ trong các tháng vừa qua, ông Đỗ Xuân Lập – Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) cho biết, từ Quý II của năm 2021, Việt Nam hứng chịu làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4. Đại dịch tác động tiêu cực đến toàn bộ ngành gỗ Việt Nam, cả về chuỗi cung xuất khẩu và chuỗi cung nhập khẩu. Trung tâm của dịch COVID-19 nằm ở các tỉnh Đông Nam Bộ. Đây cũng chính là trung tâm chế biến gỗ của cả nước. Điều này gây ra tác động nặng nề đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Minh Nhật – Giám đốc Công ty TNHH ván ép cơ khí xây dựng Nhật Nam cho biết, hiện nay, công ty đã có gần 4 tháng hoạt động sản xuất theo “3 tại chỗ” và duy trì được 60% lực lượng lao động. Tuy nhiên, công ty vẫn đang thiếu công nhân trầm trọng. Cùng với đó, là việc phải đối mặt với nguồn cung gỗ nguyên liệu đầu vào khá khan hiếm vì đây đang là thời điểm mưa bão nên khó khai thác. Các nhà cung cấp gỗ nguyên liệu trong nước đạt chất lượng còn rất ít và bản thân họ cũng thiếu nhân công để khai thác và chế biến. Trong khi đó, nhu cầu nhập gỗ nguyên liệu đang tăng do các đơn vị sản xuất của ngành đang quay trở lại với sản xuất.

Ngoài ra, theo ông Lê Minh Thiện - Chủ tịch Hiệp hội gỗ và và lâm sản Bình Định, các doanh nghiệp gỗ trong hiệp hội chịu ảnh hưởng lớn nhất trong tháng 09 và tháng 10/2021, có hiện tượng bắt đầu đứt gãy chuỗi sản xuất. Khi hàng hóa sản xuất ra, tuy nhiên thiếu các nguyên phụ liệu cần thiết đi cùng nên không thể đóng gói sản phẩm. Do đó, năng suất vẫn đảm bảo nhưng không thể có lượng hàng hóa xuất ra. Cùng với đó là các khó khăn do thiếu vỏ container,…

Thực tế trong thời gian qua, các doanh nghiệp ngành gỗ phải đối mặt với những khó khăn liên quan đến chi phí xét nghiệm, môi trường lưu trú của người lao động, tiếp cận vaccine. Đáng chú ý là vấn đề số lượng người lao động biến động và khó “giữ chân” người lao động. Đồng thời, khâu lưu thông đầu ra sản phẩm vẫn còn một số khó khăn.

Sáng tạo, đổi mới trong các khâu sản xuất, hợp tác

Theo Nhóm nghiên cứu của VIFOREST, FPA Bình Định, HAWA, BIFA và tổ chức Forest Trends, để ngành gỗ Việt Nam có thể tăng trưởng trở lại như mức tăng trưởng của 6 tháng đầu 2021 trước khi dịch bùng phát sẽ cần thời gian. Điều quan trọng hiện nay là các doanh nghiệp cần xây dựng phương án cụ thể và khả thi để vừa chống dịch hiệu quả, vừa duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian tới.

Theo ông Đỗ Xuân Lập, đến thời điểm này, dịch Covid19 đã cơ bản dần được kiểm soát ở các tỉnh, thành phố. Nhiều địa phương đã “từng bước mở cửa” và cho phép mở lại các hoạt động sản xuất kinh doanh tại địa bàn trong trạng thái bình thường mới. Đặc biệt Chính phủ đã có chủ trương chuyển sang chiến lược “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Trong đó, có mục tiêu “đảm bảo sự thống nhất thực hiện theo quy định, hướng dẫn của các bộ ngành đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo của địa phương trong kiểm soát tình hình dịch bệnh, tạo điều kiện khôi phục sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, đưa đời sống sinh hoạt của Nhân dân dần trở lại tình trạng bình thường mới,…Đây thực sự là một tín hiệu vui, hữu ích cho toàn xã hội, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp ngành gỗ.

Để khôi phục trở lại hoạt động của ngành gỗ, ông Đỗ Xuân Lập nhấn mạnh đến hai vấn đề quan trọng đang được các doanh nghiệp gỗ quan tâm nhất hiện nay. Đó là vấn đề đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào và nguồn lao động.

Ông Lập cho rằng, về nguồn nguyên liệu đầu vào, về dài hạn, chúng ta cần chủ động hơn về nguồn cung trong nước. Đồng thời, Chính phủ có vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo nguyên liệu đầu vào. Các cơ chế thông thoáng trong lưu thông giúp nguồn nguyên liệu được lưu thông tốt hơn. Chính phủ cũng có thể đưa ra những cơ chế tài chính, nhằm có nguồn tín dụng ưu đãi cho các doanh nghiệp nhập khẩu gỗ nguyên liệu. Trong tương lai, Chính phủ cần có chính sách khuyến khích phát triển nguyên liệu nội địa an toàn và bền vững.

Về lao động, hiện các doanh nghiệp đang tích cực trong việc “giữ chân” và thu hút lao động. “Cộng đồng doanh nghiệp chúng tôi cũng đã có nhiều thay đổi, để làm thế nào gắn kết người lao động với doanh nghiệp được tốt hơn, đặc biệt thông qua các biện pháp, cơ chế, ưu đãi cho người lao động” – ông Lập cho biết thêm.

Hiện nay, các doanh nghiệp đã và đang tích cực, chủ động để thích ứng và đón các cơ hội lớn và chủ động tìm kiếm phương án để thích nghi với điều kiện mới, từ việc giữ chân người lao động, tìm kiếm ổn định nguồn cung nguyên liệu đến cả việc ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại để giảm thiểu phụ thuộc nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng sản phẩm.

“Tuy nhiên, chúng ta cũng đang đứng trước một số khó khăn lớn, đặc biệt về khía cạnh cạnh tranh như một doanh nghiệp FDI chia sẻ: sản phẩm ở Việt Nam sản xuất ra có thể có giá thành cao hơn so với sản xuất tại cơ sở tại các nước láng giềng ở châu Âu, rồi các công ty Trung Quốc. Điều này đòi hỏi chúng ta cần có những chiến lược mới về thị trường, chủng loại sản phẩm, công nghệ và lao động” – ông Lập cho hay.

Trải qua giai đoạn khó khăn chống dịch vừa qua, bản thân các doanh nghiệp ngành gỗ đã tự đúc rút cho bản thân nhiều kinh nghiệm để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất trong thời gian tới. Ông Nguyễn Minh Nhật – Giám đốc Công ty TNHH ván ép cơ khí xây dựng Nhật Nam cho biết, trong thời gian giãn cách, để đạt được các mục tiêu sản xuất và phòng chống dịch, công ty xác định môi trường nhà máy tách biệt với bên ngoài.

“Chúng tôi áp dụng 03 tại chỗ, trong đó với lực lượng văn phòng cho làm việc ở nhà. Với lĩnh vực vận tải, vận chuyển, chúng tôi đều thuê ở bên ngoài để tách biệt hoàn toàn với môi trường bên trong doanh nghiệp. Chúng tôi cũng xác định phải duy trì được chuỗi cung ứng, phải duy trì được dòng tiền. Chính vì vậy, khi dịch xuất hiện, chúng tôi mua trữ hết các loại vật tư nguyên vật liệu dể duy trì sản xuất trong vòng 3-5 tháng, đồng thời xác định các nhà cung cấp, hỗ trợ họ về mặt tài chính như ưu tiên thanh toán, đồng thời, đặt trước cho họ dài hạn các đơn hàng nguyên liệu để họ tập trung sản xuất các nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất ”, ông Nguyễn Minh Nhật cho biết.

Về giải pháp của doanh nghiệp để sản xuất trong giai đoạn mới hiện nay, ông Nguyễn Minh Nhật chia sẻ, khi chuyển sang sản xuất “3 xanh”, các lực lượng lao động tham gia “3 tại chỗ” khi vào công ty sẽ được hỗ trợ tiền mặt, đồng thời, công ty sẽ tuyển dụng gấp rút các công nhân sản xuất mới để tăng sản lượng của công ty trở lại bình thường.

“Trong thời điểm hiện tại, do năng lực sản xuất chưa trở lại được bình thường cho nên chúng tôi tập trung vào các doanh nghiệp truyền thống đã có mối quan hệ hợp tác trong nhiều năm qua. Về cơ cấu chủng loại sản phẩm, chúng tôi tập trung vào dòng sản phẩm cao nhưng tốn ít nguyên liệu. Về nguyên liệu đầu vào, chúng tôi đang mua trữ các loại vật tư để sản xuất trong thời gian dài, hỗ trợ khách hàng về tài chính và đặt hàng sớm nguyên liệu. ” – ông Nhật cho biết thêm.

Đáng chú ý, ông Nhật chia sẻ thêm một số biện pháp phòng dịch được áp dụng có hiệu quả tại công ty. Trong đó, hướng dẫn nhân viên súc họng hàng ngày từ 2-3 lần, đồng thời tuyên truyền tạo tinh thần lạc quan cho nhân viên; phân ra các khu vực hoạt động sản xuất để công nhân xếp theo từng nhóm, trong trường hợp nhiễm thì có số ít bị F0, F1, dễ dàng dập dịch hơn. Đồng thời, có chính sách để nhân viên nếu không may bị F0, sẽ được hỗ trợ về thuốc men, tiền, hỗ trợ về y tế,…

Bên cạnh đó, theo ông Võ Quang Hà – Tổng Giám đốc công ty cổ phần Tân Vĩnh Cửu (Tavico), về nguồn nguyên liệu, hiện nay, các nguồn cung cấp trong nước và nhập khẩu đều gặp khó khăn. Do vậy, ông Hà đề xuất, nếu muốn chủ động nguồn nguyên liệu nên tập trung và thỏa thuận để mua được rừng lớn có giá ổn định từ bây giờ. Đến khâu sau chỉ cần việc khai thác đưa về. Tuy nhiên, đây là việc không đơn giản, phải có lượng tài chính lớn. Do đó, để làm được điều này, các doanh nghiệp có thể cùng ngồi lại với nhau để xây dựng kế hoạch mua nguyên liệu chủ động, đồng thời, điều này rất cần sự hợp tác của các doanh nghiệp, hoặc có thể nghĩ đến quỹ tín dụng đặc biệt với một mức lãi suất hợp lý, để làm sao các doanh nghiệp có thể mua được khối lượng gỗ lớn và mức giá được ổn định.

Đáng chú ý, về nguồn lao động, ông Lê Xuân Quân, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai (Dowa) cho rằng, để giữ người lao động, cần có bước đi đột phá để giải quyết vấn đề nhà ở xã hội cho công nhân, những người có thu nhập thấp. Quỹ đất công còn rất nhiều, nhưng làm sao để đến được với người công nhân, trong đó, ưu tiên cho những người có nhà ở lần đầu tiên. Để người lao động an cư mới lạc nghiệp.

Ông Quân cũng nêu dẫn chứng, gần như ở các nước phát triển, khu công nghiệp gắn liền với khu dân cư được quy hoạch cùng với hạ tầng bệnh viện, trường học… Những khu như vậy sẽ giải quyết được nhiều vấn đề liên quan cho người lao động. Khi đảm bảo được vấn đề an sinh xã hội thì mới bền vững.

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, để ngành gỗ quay trở lại sản xuất trong điều kiện mới, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh ngành chế biến gỗ cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đa dạng hóa các hình thức bán hàng, đặc biệt là hình thức online. Chủ động xây dựng kịch bản, kế hoạch dài hạn, ngắn hạn phục hồi sản xuất để “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh nhấn mạnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cam kết sẽ tiếp tục đồng hành, lắng nghe những ý kiến, đề xuất, kiến nghị của các doanh nghiệp, hiệp hội chế biến gỗ và lâm sản để cùng vượt qua những khó khăn, thách thức, chung tay xây dựng và phát triển ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản bền vững, có uy tín và thương hiệu tại thị trường trong nước và quốc tế./.

 Theo dangcongsan.vn

 

Tin mới

Dự báo vùng núi Bắc Bộ chuẩn bị đón đợt mưa to diện rộng
Dự báo vùng núi Bắc Bộ chuẩn bị đón đợt mưa to diện rộng

Dự báo, từ đêm 7-8/5, khu vực vùng núi Bắc Bộ có khả năng xảy ra một đợt mưa vừa, mưa to diện rộng. Nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc và ngập úng tại các vùng trũng, thấp.

Phát hiện trên 500 kg tôm nguyên liệu chứa tạp chất
Phát hiện trên 500 kg tôm nguyên liệu chứa tạp chất

Đội QLTT số 3, Cục QLTT tỉnh Kiên Giang tiến hành khám đồ vật tập kết tại ấp Lung Lớn, xã Kiên Bình, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang, phát hiện trên 500 kg tôm nguyên liệu chưa xác định được chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp.

Thủ tướng: Tây Ninh có 'thiên thời, địa lợi, nhân hòa' để tăng tốc phát triển nhanh, bền vững
Thủ tướng: Tây Ninh có 'thiên thời, địa lợi, nhân hòa' để tăng tốc phát triển nhanh, bền vững

 Chiều ngày 5/5, tại tỉnh Tây Ninh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch).

Ngân hàng Nhà nước được ghi giảm vốn điều lệ của ngân hàng được chuyển giao bắt buộc
Ngân hàng Nhà nước được ghi giảm vốn điều lệ của ngân hàng được chuyển giao bắt buộc

Đây là một trong những nội dung của Dự thảo Thông tư quy định về kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước vừa đưa ra lấy ý kiến.

Đổi mới sáng tạo: Từ khóa của hội nhập và phát triển
Đổi mới sáng tạo: Từ khóa của hội nhập và phát triển

Tạp chí Việt Nam Hội nhập vừa tổ chức một hoạt động có ý nghĩa nhân Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 2024 tại TP Hồ Chí Minh. Nói như Chủ tịch Viện Chính sách, Pháp luật và Quản lý - Tổng biên tập Tạp chí Việt Nam Hội nhập Đoàn Mạnh Phương trong lời phát biểu khai mạc: Khoa học và Công nghệ đã đem tới cho chúng ta tư duy và hành động về đổi mới sáng tạo và đổi mới sáng tạo đã trở thành một từ khóa trên hành trình hội nhập và phát triển.

Pháp đánh giá cao vị thế, vai trò của Việt Nam
Pháp đánh giá cao vị thế, vai trò của Việt Nam

Trong tổng thể quan hệ Pháp - Việt Nam, hợp tác về quốc phòng luôn là lĩnh vực được lãnh đạo hai nước quan tâm thúc đẩy trên cơ sở phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của mỗi bên.