Đại Thắng là vùng đất có truyền thống yêu nước và cách mạng rất đổi kiên cường. Ngay từ khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, dưới ngọn cờ của các Văn thân sĩ phu yêu nước, nhân dân xã nhà đã tham gia các phong trào: Nghĩa Hội Quảng Nam, phong trào Đông Du, Duy Tân, kháng thuế Trung kỳ trong những năm đầu của thế kỷ XX. Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, Đại Thắng vừa là vùng tự do, vừa là vùng tạm chiếm, nên nơi đây kẻ thù không từ bỏ âm mưu, thủ đoạn nào để biến Đại Thắng thành vành đai trắng. Thế nhưng, vận dụng quan điểm chiến tranh nhân dân, chiến tranh cách mạng của Đảng, Chi bộ xã đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh để lãnh đạo nhân dân đấu tranh với địch, góp phần cùng cả nước đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta đến thắng lợi hoàn toàn.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, hình ảnh toàn dân đánh giặc đã thể hiện khá sinh động ở vùng đất này. Đó là những trận chống càn rất kiên cường của du kích; những cuộc đấu tranh chính trị chống xúc tác, dồn dân của các ông cha, bà mẹ, tinh thần xung phong lên đường nhập ngũ của bao lớp trẻ. Tất cả được kết tinh bằng ý chí và sức mạnh của toàn dân trong xã để giành độc lập tự do. Dù có phải hy sinh cũng chấp nhận lấy cái chết vinh quang làm lẽ sống! Các địa danh Cầu ông Nở, Thác Giảng Hòa, đồi Phú Phong, gò Cây cao, gò hiến, gò Đình, Giếng đôi, Cầu cống, Vườn hoang, cùng những người con ưu tú như: Phạm Thống, Đoàn Trị, Đoàn Quý Phi, Lâm Quang Thời, mẹ Binh, mẹ Sáu, mẹ Hòa...mãi mãi sáng ngời trong trang sử vẻ vang của quê hương.
Đặc biệt, tại nơi đây, không thể không nhắc đến khu di tích địa đạo Phú An - Phú Xuân, một trong những căn cứ tiền phương chiến lược của Đặc khu ủy Quảng Đà, được thi công từ năm 1965 đến năm 1966, giữa lúc giặc Mỹ ồ ạt đưa quân vào miền Nam nước ta, tiến hành cuộc chiến tranh cục bộ. Đây còn là nơi trú chân an toàn của các đồng chí: Võ Chí Công - nguyên Bí thư Khu ủy khu V, Đại tướng Chu Huy Mân - nguyên Phó Bí thư- Tư lệnh Quân khu V, Đại tướng Đoàn Khuê - nguyên Phó Chính ủy khu V, Trung tướng Nguyễn Chánh - Tư lệnh Mặt trận 44 Quảng Đà, Cố Đô đốc Hải quân Giáp Văn Cương - nguyên Thường vụ Đặc khu ủy - Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Mặt trận 44, Hồ Nghinh – Bí thư Đặc khu uỷ Quảng Đà, Phạm Đức Nam - nguyên Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cách mạng, Chủ tịch Hội đồng tiền phương tỉnh Quảng Đà cùng nhiều vị lãnh đạo, tướng lĩnh khác đã từng chiến đấu, công tác tại chiến trường Quảng Đà…Hiện nay địa đạo Phú An – Phú Xuân cũng là một địa điểm dừng chân quen thuộc thu hút đông đảo khách thập phương ghé tham quan, tìm hiểu về lịch sử hào hùng của dân tộc.
Cùng với nhiều cán bộ, chiến sĩ từng hoạt động tại chiến trường Đại Lộc, sau nhiều năm sinh sống công tác tại Hà Nội, ông Trần văn Sơn, Phó ban cơ yếu Chính phủ bày tỏ: “Khi quay trở lại đây tôi vô cùng cảm động. Và mong mỏi rằng, làm nhiều điều tốt hơn để các thế hệ mai sau họ biết, họ nhớ lại, không bao giờ quên. Chúng ta tạm gác lại quá khứ để phát triển, chứ không thể quên”.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Trần Công Phụng, Phó bí thư, Chủ tịch UBND xã Đại Thắng nêu rõ: “Với những cống hiến đặc biệt xuất sắc và những thành tích to lớn đó, nhân dân và LLVT xã Đại Thắng là đơn vị đầu tiên của Huyện Đại Lộc đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh Hùng LLVTND vào ngày 06/11/1978. Ngoài phần thưởng cao quý trên, địa phương còn được Đảng và Nhà nước tặng thưởng hàng ngàn huân chương, huy chương, bằng khen, giấy khen các loại và nhiều danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ. Xã có hơn 1.200 liệt sĩ, hơn 130 thương, bệnh binh, có 253 bà mẹ được Đảng, Nhà nước phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ VNAH, và truy tặng, phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho 9 đồng chí, công nhận 1.025 gia đình có công cách mạng và Công trình địa đạo Phú an - Phú Xuân đã được nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử cách mạng cấp Quốc gia, khu di tích lịch sử Cách mạng Tượng Đài chiến thắng Cầu Ông Nở được công nhận di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh”.
Kỷ niệm 60 năm giải phóng xã Lộc Quý (nay là Đại Thắng), huyện Đại Lộc, Quảng Nam (15/8/1964-15/8/2024)
Trần Trung Sáng