THCL Hiện nay, các DN nội địa chỉ mới cung ứng được khoảng 10% nhu cầu nội địa về sản phẩm công nghiệp hỗ trợ (CNHT).

Quy hoạch tổng thể phát triển CNHT đến năm 2020 của Bộ Công thương, trong 5 năm tới, sản xuất CNHT phải đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất tiêu dùng nội địa, xuất khẩu 25% giá trị sản xuất công nghiệp. Hơn nữa, Việt Nam sẽ có khoảng 1.000 DN CNHT đủ năng lực cung ứng cho các DN lắp ráp và các tập đoàn đa quốc gia hoạt động tại Việt Nam; về giá trị sản xuất công nghiệp, phải chiếm khoảng 11% giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành công nghiệp.

Tuy nhiên, theo Vụ Công nghiệp nặng thuộc Bộ Công Thương, đến nay các DN nội địa chỉ mới cung ứng được khoảng 10% nhu cầu nội địa về sản phẩm CNHT. Riêng đối với lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử đã đáp ứng 30 - 35% nhu cầu linh kiện điện tử gia dụng, 40% cho ô tô và xe máy. Trong khi đó, tỷ lệ linh kiện của DN nội cung ứng cho các lĩnh vực khác khá thấp: Điện tử tin học, viễn thông chỉ đạt 15%, điện tử chuyên dùng cho công nghệ cao chỉ đạt 5%.

Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng thuộc Bộ Công thương đánh giá, khả năng cạnh tranh của DN CNHT Việt Nam vẫn còn thấp, trong khi nguyên vật liệu phụ thuộc phần lớn vào nhà cung cấp nước ngoài.

Trên thực tế, do nguồn vốn hạn chế, phần lớn DN CNHT trong nước vẫn dừng ở quy mô nhỏ, chủ yếu chỉ làm gia công. Hầu như chưa có DN nào đủ sức tự chế tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh quốc tế. Vì vậy, hàng năm Việt Nam vẫn phải nhập siêu nhiều tỷ USD trang thiết bị, vật tư cho các ngành CNHT và cho ngành cơ khí, luyện kim. Theo thống kê, kim ngạch nhập khẩu các linh kiện, phụ tùng trong năm 2015 của Việt Nam đã đạt khoảng 54 tỷ USD (chỉ riêng linh kiện máy vi tính, sản phẩm điện tử khoảng 21 tỷ USD; linh kiện điện thoại đạt khoảng 10 tỷ USD).

Với thực trạng phát triển sản phẩm CNHT bất cập như hiện nay, quy hoạch tổng thể phát triển CNHT đến năm 2020 của Bộ Công Thương đang gặp quá nhiều khó khăn, nếu như không muốn nói khó khả thi.

H.Thu