Tăng cường quản lý, đấu tranh quyết liệt
Trước tình hình hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại, hàng giả diễn biến phức tạp, ngay từ đầu năm 2021, Tổng cục Hải quan với vai trò là cơ quan giúp việc cơ quan Thường trưc Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, đã chỉ đạo lực lượng kiểm soát hải quan bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Ban Chỉ đạo 138/CP, Bộ Tài chính, tăng cường quản lý, tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả nhiều giải pháp thiết thực và tăng cường công tác phối hợp tuần tra, kiểm soát thường xuyên tại các địa bàn trọng điểm.
Kết quả, từ 16/12/2020 đến 15/11/2021, lực lượng kiểm soát Hải quan toàn ngành đã chủ trì, phối hợp phát hiện, bắt giữ, xử lý: 13.413 vụ vi phạm pháp luật Hải quan (giảm 5,22 % so với cùng kỳ năm 2020); trị giá hàng hóa vi phạm ước tính: 2.554 tỷ 747 triệu đồng (giảm 39,63 % so với cùng kỳ 2020). Số tiền thu nộp ngân sách nhà nước: 270 tỷ 420 triệu đồng (giảm 43,12 % so với cùng kỳ 2020). Cơ quan Hải quan đã khởi tố 29 vụ (giảm 21,62 % so với cùng kỳ 2020). Chuyển cơ quan khác khởi tố 155 vụ (tăng 19,23 % so với cùng kỳ 2020), ma túy 211 vụ (tăng so cùng kỳ 2020 2,93%).
Trong năm 2021 (đến ngày 15/11), Trực ban Tổng cục đã chỉ đạo 362 trường hợp trong đó kết quả giám sát trực tuyến đã phát hiện 108 trường hợp vi phạm (chiếm tỷ lệ 30%), các đơn vị đã lập biên bản vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính hơn 690 triệu đồng và truy thu thuế gần 15.4 tỷ đồng.
Lực lượng kiểm soát hải quan toàn ngành chủ động đẩy mạnh công tác phối hợp với các lực lượng chức năng như Công an, Bộ đội Biên Phòng, Cảnh sát biển... và tiếp tục củng cố, phát triển hợp tác với các đối tác đã ký thỏa thuận hợp tác, bao gồm: Hiệp hội gốm sứ; Hiệp hội Giấy; Trung tâm xác nhận chứng từ thương mại - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); Hiệp hội Mía đường Việt Nam; Tổng cục Môi trường; Hãng rượu bia; Hiệp hội Thương mại Ý tại Việt Nam; Phối hợp trao đổi thông tin với VCCI về cung cấp số liệu xuất nhập khẩu của một số công ty có hoạt động xuất nhập khẩu để hỗ trợ VCCI trong việc rà soát, cấp duyệt C/O cho các doanh nghiệp.
Đồng thời chỉ đạo các đơn vị tiếp tục triển khai các chuyên đề thu thập thông tin về: các doanh nghiệp có vốn Trung Quốc xuất khẩu sản phẩm gỗ và mặt hàng tủ bếp từ Việt Nam sang Hoa Kỳ, mặt hàng tôm hùm nhập khẩu, mặt hàng đá xây dựng nhập khẩu, mặt hàng cà phê hòa tan, hoạt động quá cảnh, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp, mặt hàng thuốc lá điếu; mặt hàng gạo nhập khẩu từ Ấn Độ…
Chỉ đạo Cục Điều tra chống buôn lậu thực hiện công tác quản trị thường xuyên hệ thống thu thập thông tin nghiệp vụ Hải quan CI02; rà soát, kiểm tra và cấp tài khoản cho các đơn vị khi có yêu cầu. Thực hiện nâng cấp hệ thống CI02 - xây dựng bộ chỉ tiêu thông tin cần thu thập về doanh nghiệp...
Khó khăn và vướng mắc
Năm 2021, dịch Covid 19 bùng phát phức tạp, chính phủ và các tỉnh thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội nhiều khu vực để phòng chống dịch điều này gây khó khăn cho công tác điều tra, xác minh, kiểm tra và bắt giữ xử lý các đối tượng buôn lậu, vi phạm pháp luật của lực lượng kiểm soát hải quan.
Về thẩm quyền thực hiện các biện pháp điều tra và hoạt động điều tra: Theo Điều 33 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự và Điều 39 Bộ luật Tố tụng Hình sự, cơ quan Hải quan có thẩm quyền thực hiện các hoạt động điều tra như: Khám xét; khởi tố bị can; triệu tập và hỏi cung bị can, triệu tập và lấy lời khai người làm chứng, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Tuy nhiên, tại các điều luật cụ thể quy định từng biện pháp và hoạt động điều tra chỉ quy định Cơ quan điều tra, điều tra viên thuộc cơ quan điều tra chuyên trách thực hiện. Vì vậy, cơ quan Hải quan không thể thực hiện được nhiệm vụ, quyền hạn và thẩm quyền của mình trong điều tra các vụ án hình sự ít nghiêm trọng thuộc trường hợp phạm tội quả tang, chứng cứ và lai lịch người phạm tội rõ ràng.
Về thời hạn điều tra và chuyển vụ án cho cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền: Theo quy định tại Điều 33 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự và Điều 39, Điều 164 Bộ luật Tố tụng Hình sự, cơ quan Hải quan có quyền khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, tiến hành điều tra và chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát có thẩm quyền trong thời hạn 1 tháng, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án đối với các vụ án hình sự ít nghiêm trọng thuộc trường hợp phạm tội quả tang, chứng cứ và lai lịch người phạm tội rõ ràng; đối với các vụ án hình sự ít nghiêm trọng nhưng phức tạp, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng thì khởi tố vụ án hình sự, tiến hành điều tra ban đầu và chuyển hồ sơ vụ án cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày ra quyết định khởi tố. Quy định về thời hạn điều tra ban đầu này quá ngắn, không đảm bảo thời gian để tiến hành các hoạt động điều tra theo quy định.
Về quản lý địa bàn hoạt động hải quan: Với các phương thức, thủ đoạn che giấu ngày càng tinh vi của tội phạm ma túy trên tuyến hàng không, bưu điện hiện nay, lợi dụng các quy định thông thoáng của pháp luật, phương thức vận chuyển của các hãng chuyển phát nhanh, bưu điện là giao hàng tận nơi để lợi dụng vận chuyển ma túy qua biên giới... các lực lượng chức năng khó bắt giữ được đối tượng, bóc gỡ được đường dây buôn lậu ma túy, hàng cấm.
Nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động
Để nâng cao năng lực, hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kiểm soát Hải quan năm 2022 và các năm tiếp theo, trong năm 2022 ngành Hải quan sẽ tập trung thực hiện một số công tác trọng tâm sau:
Bám sát quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Ban chỉ đạo 138/CP và chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tài chính về công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại và hàng giả. Từ đó, xây dựng kế hoạch kiểm soát, ngăn chặn sát với tình hình thực tế địa bàn quản lý.
Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp lý để nâng cao hiệu quả, hiệu lực thực hiện công tác quản lý nhà nước về hải quan nói chung và công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới nói riêng.
Tăng cường công tác thu thập thông tin, nắm vững diễn biến tình hình tại các địa bàn trọng điểm; tăng cường công tác tham mưu, chỉ đạo; tổ chức lực lượng đấu tranh quyết liệt, có hiệu quả với hoạt động buôn lậu, sản xuất, vận chuyển, mua bán hàng cấm, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới, gian lận thương mại và hàng giả.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật cả bề rộng và chiều sâu về mối nguy hại của hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại vào hàng giả để mọi công dân không tham gia, không tiếp tay, không bao che, không làm ngơ đối với hoạt động này.
Đẩy mạnh công tác xây dựng lực lượng kiểm soát hải quan vững mạnh, đảm bảo trang thiết bị, vũ khí, phương tiện đáp ứng nhiệm vụ được giao; Tăng cường công tác bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ, năng lực cho lực lượng kiểm soát hải quan; nghiên cứu, sắp xếp và bố trí lực lượng kiểm soát Hải quan nhiệt huyết, có trách nhiệm đảm bảo gọn nhẹ, chính quy, tinh nhuệ và đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.
Minh Anh