Năm 2017, Chính phủ đã thực hiện quyết liệt thông điệp Chính phủ kiến tạo, hành động, liêm chính, phục vụ nhân dân. Vậy, xin Bộ trưởng cho biết rõ hơn về những đóng góp của Văn phòng Chính phủ (VPCP) trong năm 2017?
Có thể nói năm 2017 đã trôi qua để lại rất nhiều kết quả, thành tựu kinh tế-xã hội, công tác quốc phòng, an ninh, đối ngoại và công tác phòng, chống tham nhũng. Những thành tựu đó là sự cố gắng của cả hệ thống chính trị, của toàn dân và sự đóng góp rất lớn của cộng đồng người Việt.
VPCP là cơ quan tham mưu, tổng hợp, giúp việc cho Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm trong tham mưu, cung cấp thông tin, thực hiện công tác cải cách hành chính, ngay cả việc bảo đảm các điều kiện hậu cần kỹ thuật phục vụ cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Năm 2017, VPCP đã tham mưu giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xây dựng chương trình, công tác và có trách nhiệm đôn đốc, theo dõi chương trình ấy. Các chương trình công tác của Thủ tướng cực kỳ quan trọng, thể hiện sự điều hành, lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng
Năm qua, VPCP đã có nhiều điểm nổi bật. Thứ nhất là đã đóng góp số lượng lớn 138.000 văn bản từ yêu cầu, đề nghị của các Bộ, ngành, địa phương, của người dân (tăng 14% so với năm 2016), trong đó có 16.000 hồ sơ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tăng 11%. Đặc biệt phát hành 32.000 văn bản (tăng 19% so với năm 2016).
Điểm nổi bật thứ hai là Thủ tướng quyết định thành lập Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ, giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đôn đốc các nhiệm vụ giao cho các địa phương. Đây là một nét rất mới. Tinh thần của Thủ tướng là không để một nhiệm vụ nào bị bỏ sót, không hoàn thành; yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phải nghiêm túc thực hiện, bảo đảm chất lượng về thời gian và tiến độ các nhiệm vụ được giao và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực về kinh tế-xã hội, đời sống, quốc phòng an ninh, đối ngoại...
Năm 2018, với 27 cuộc kiểm tra của Tổ Công tác Thủ tướng, trong đó có 7 cuộc kiểm tra các Bộ, ngành, địa phương trong vấn đề thực hiện các nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, 20 cuộc kiểm tra dành cho vấn đề chuyên đề, ngay cả vấn đề xây dựng thể chế, đôn đốc vấn đề tăng trưởng của các tập đoàn, công ty, rồi đến các vấn đề liên quan đến kiểm tra chuyên ngành, yêu cầu cắt giảm hoặc loại bỏ các thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh, cắt giảm loại bỏ thủ tục về kiểm tra chuyên ngành hàng nhập khẩu...
Điểm nổi bật thứ ba là VPCP đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt những vấn đề liên quan đến cải cách thủ tục hành chính, rà soát, trình Chính phủ ban hành các Nghị quyết, rà soát và yêu cầu các Bộ, ngành thực hiện việc cắt giảm với trên 5.000 các thủ tục hành chính và trên 3.000 điều kiện kinh doanh.
VPCP tham mưu đến Thủ tướng các vấn đề về cải cách thủ tục hành chính để loại bỏ những lợi ích nhóm, ngay cả vấn đề “co kéo” quyền lợi về các Bộ, địa phương, tránh được những tiêu cực khi xây dựng thể chế, chính sách; cắt giảm những phiền hà cho doanh nghiệp, người dân, từ đó tạo môi trường đầu tư, tạo điều kiện phát triển kinh tế, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, với chức năng của VPCP, Thủ tướng giao cho Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP xây dựng một website, một kênh giao tiếp tương tác giữa người dân và VPCP. Theo đó năm 2017, VPCP cũng đã nhận được sự hưởng ứng cao của doanh nghiệp, người dân, với 5.252 ý kiến của người dân, 1.441 ý kiến của doanh nghiệp. Những ý kiến đó đều chuyển lên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, trên cơ sở đó VPCP tổng hợp, chuyển cho các Bộ, ngành, địa phương giải quyết. Những kiến nghị, đề nghị, thắc mắc, yêu cầu này đều được đăng công khai trên website của Chính phủ, VPCP.
Điểm mới nữa là Thủ tướng giao cho VPCP là trung gian, chủ trì xử lý các xung đột của các Bộ như trong một vấn đề đưa ra để tìm phương án tối ưu, tạo sự đồng thuận thống nhất và sự phối hợp chặt chẽ nhất của các cơ quan tham mưu khi trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
VPCP khi tham mưu cho Thủ tướng đã chuẩn bị những nội dung mang tính chuyên đề, giúp Thủ tướng đôn đốc các Bộ, địa phương cùng thực hiện các quyết nghị, nghị quyết của Chính phủ; có trách nhiệm tham mưu trực tiếp những vấn đề liên quan đến xử lý ổn định, giải quyết những bất cập về cơ chế, chính sách, đền bù, hỗ trợ cho người dân ở khu vực bão lũ, khu vực chịu thiệt hại do biến đổi môi trường miền Trung,...; đề xuất với Thủ tướng triển khai các hội nghị chuyên đề lớn về ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển du lịch toàn quốc...
Có thể thấy rằng, không chỉ Thủ tướng, các phó thủ tướng, bộ trưởng và trưởng ngành đều thể hiện rõ nét tinh thần kiến tạo, hành động mạnh mẽ, bắt tay để cùng giải quyết những bức xúc, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp, được người dân và doanh nghiệp tin tưởng và dõi theo. Vậy Bộ trưởng, Chủ nhiệm có thể nói rõ hơn về những cải cách mạnh mẽ đó?
Những cải cách, chuyển động này là chuyển động của cả hệ thống chính trị, của cả hệ thống các cơ quan hành chính Nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Với vai trò là người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra thông điệp đầu nhiệm kỳ và thông điệp ấy yêu cầu các Bộ, ngành địa phương, thành viên Chính phủ và các Chủ tịch tỉnh, thành phố... phải thực hiện.
Chẳng hạn như một Chính phủ kiến tạo là một Chính phủ hết sức chủ động, sáng tạo và hoàn thiện thể chế, cơ chế, điều hành theo quy định pháp luật, thượng tôn pháp luật, lấy sự phục vụ của người dân là sự hài lòng của Chính phủ. Khi người dân hài lòng, doanh nghiệp hài lòng tức là họ đánh giá Chính phủ tốt hơn. Do đó, tất cả những gì xã hội đòi hỏi, thị trường đòi hỏi là Chính phủ phải chủ động, không chờ doanh nghiệp, người dân đòi hỏi; phải chủ động tạo ra hành pháp lý chuẩn mực nhất để triển khai đồng bộ.
Chính phủ chỉ đạo, điều hành các bộ, ngành, địa phương phải tuân thủ, từ đó tạo ra chuyển động căn bản, ví dụ như phải rà soát chức năng, nhiệm vụ của Bộ, địa phương mình, rồi phải tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cắt giảm các thủ tục hành chính theo tinh thần của Thủ tướng; hay như yêu cầu sự xuất hiện, đối thoại của các bộ trưởng chuyên ngành khi giải quyết các vấn đề vướng mắc, nổi cộm của người dân và doanh nghiệp.
Sau gần 2 năm nhiệm kỳ của Chính phủ, Quốc hội khóa XIV, rất mừng đây là chuyển động rất thực chất và bền vững. Trong khi Thủ tướng không đặt vấn đề tăng sản lượng để khai thác dầu giúp tăng trưởng GDP, không dựa hoàn toàn vào vốn đầu tư công, tăng trưởng tín dụng và những ưu đãi để thu hút, mà tăng trưởng dựa vào việc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh...
Vậy Bộ trưởng có cảm nhận như thế nào về các bộ, ngành, địa phương đang thực hiện 10 chữ “Kỷ cương-Liêm chính-Hành động-Sáng tạo-Hiệu quả”?
Thông điệp của Thủ tướng Chính phủ đưa ra thực hiện 10 chữ năm 2018 là kế thừa sự chỉ đạo quyết liệt từ kỳ trước. Đó là quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động; thay vì quản lý sơ cứng mà phải chuyển sang phục vụ người dân và thượng tôn pháp luật. 10 chữ này rất ý nghĩa với chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ, quyết tâm của Chính phủ, bất kể việc gì nếu có kỷ cương, tăng cường giám sát, kỷ luật, kiểm tra, gắn với trách nhiệm người đứng đầu thì chúng ta sẽ thực hiện được rất tốt.
Thủ tướng yêu cầu là có sự chuyển động toàn diện của cơ quan Nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Hiện nay các bộ, ngành, địa phương chuyển động rất tốt, mang tính hệ thống. Tuy nhiên cũng có chỗ này chỗ khác, “trên nóng dưới lạnh”, ngại đổi mới, sáng tạo vì ngại va chạm... Tôi cho rằng để tránh tình trạng này, đầu tiên cần quan tâm công tác cán bộ, khuyến khích phát triển, nhân rộng mô hình sáng tạo, đồng thời khuyến khích khởi nghiệp, sự năng động của thế hệ trẻ.
Trong thời điểm bây giờ, nhất là khi thực hiện 10 chữ “Kỷ cương-Liêm chính-Hành động-Sáng tạo-Hiệu quả”, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm đến đổi mới, sáng tạo để tạo ra những chuyển động mạnh mẽ hơn. Nếu như ở một cơ quan, đơn vị nào đó, ngay từ những tổ, ban, nhóm người không chuyển động sẽ ảnh hưởng đến cả cơ quan; nếu trong một hệ thống, mắt xích dây chuyền mà chỉ một mắt xích nào đó không chạy được là ảnh hưởng đến cả hệ thống, do đó chúng ta cần đánh giá để loại bỏ mắt xích, tạo môi trường chuyển động.
Bước sang năm 2018, là cơ quan trực tiếp giúp việc, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ, cá nhân Bộ trưởng, Chủ nhiệm cảm thấy cần thực hiện những mục tiêu, quyết tâm nào để giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ làm tốt vai trò của mình là người đứng đầu Chính phủ?
VPCP với vai trò là cơ quan tham mưu, giúp việc cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, có trách nhiệm làm tốt những nhiệm vụ mà Chính phủ, Thủ tưởng Chính phủ giao và không để bỏ sót nhiệm vụ nào, không để nhiệm vụ nào không được thực hiện. Ví dụ, trước thời điểm ngày 18.9.2016, nhiệm vụ quá hạn còn 25,25%, nhưng đến cuối năm 2016, nhiệm vụ quá hạn còn 2,8% và đến 31.12.2017, nhiệm vụ quá hạn còn 1,38%.
Nhiệm vụ của VPCP cũng là giúp Thủ tướng Chính phủ đôn đốc các nhiệm vụ giao cho các Bộ, ngành, địa phương để thực hiện một cách toàn diện, chất lượng và hiệu quả. VPCP giúp Thủ tướng thực hiện tốt 10 chữ “Kỷ cương-Liêm chính-Hành động-Sáng tạo-Hiệu quả” để làm sao chúng ta có một cải cách toàn diện.
Tôi cho rằng muốn làm được điều đó thì đầu tiên VPCP cần phải gương mẫu trước, mỗi cán bộ VPCP phải thực sự tiêu biểu, nâng cao phẩm chất năng lực, trí tuệ, đạo đức, lối sống...; thứ hai phải là địa chỉ tin cậy cho người dân, doanh nghiệp; là địa chỉ tin cậy của báo chí. Cùng với đó kỷ luật, kỷ cương, sáng tạo, đổi mới luôn luôn phải từ VPCP và nó chuyển động từ ý thức, nhận thức của cán bộ VPCP; tạo sự phối hợp tốt với các bộ, ngành, địa phương.
Với trách nhiệm là Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, người đứng đầu cơ quan VPCP, tham mưu, giúp việc cho Thủ tướng những nhiệm vụ, chức năng được giao, chúng tôi sẽ sát cánh cùng cán bộ VPCP để tạo sự đoàn kết, đồng lòng, nhất trí cao nhằm tạo sức mạnh tổng thể, quyết tâm thực hiện cải cách. Và VPCP sẽ xây dựng VPCP chuyên nghiệp, hiện đại, đi đầu trong ứng dụng CNTT, đi đầu trong cải cách.
BTS (Theo VGP)