Theo TS Lê Trường Tùng - Chủ tịch HĐQT Đại học FPT, nhiều đại biểu bày tỏ cần thay đổi về phần mềm tuyển sinh. Phần mềm hiện tại đã bộc lộ những sự thiếu chặt chẽ, khó kiểm soát nên có thể xảy ra tiêu cực về thi cử như ở Hà Giang và Sơn La. Vì thế, các chuyên gia đề xuất kéo dài thời gian làm nhiệm vụ của giám thị coi thi.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị các chuyên gia phát biểu thẳn thắn, cởi mở. Ảnh: VGP/Đình Nam
Cụ thể, sau khi thi xong, giám thị của cả bên địa phương và trường đại học sẽ thực hiện quét bài thi thành file ảnh và chuyển về Bộ GDĐT. Sau đó, tất cả bài thi được niêm phong và đặt tại sở GDĐT. Bộ GDĐT sẽ là đơn vị đứng ra tổ chức chấm thi về phương diện quản lí.
Bên cạnh đó, bài thi sẽ được làm phách, kể cả phiếu trả lời bài thi trắc nghiệm. Đặc biệt là có thể xây dựng làm phách điện tử. Theo đó, máy tính sẽ chia hai phần đó là thông tin thí sinh và nội dung bài thi. Hai phần này sẽ có những mã hóa riêng sao cho thống nhất để ghép lại được sau khi chấm xong.
Bài thi khi được chuyển cho trung tâm chấm sẽ chỉ có nội dung chứ không biết của thí sinh nào.
Bày tỏ băn khoăn trong buổi họp, TS Lê Trường Tùng chia sẻ: “Điều tôi còn băn khoăn nhất chính là tỉ lệ điểm học bạ đang chiếm 50% trong điểm để xét công nhận tốt nghiệp”.
Theo thống kê của Chủ tịch HĐQT Đại học FPT, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp năm 2018 nếu chỉ dựa vào kết quả THPT, không được cộng điểm học bạ thì toàn quốc chỉ đạt 46,38%. Một số tỉnh miền núi rất thấp như Sơn La: 12,71%; Hà Giang 14,14%. Tỉ lệ này của năm 2017 cũng cho thấy các tỉnh này đạt tỉ lệ rất thấp.
Trong khi, với quy chế hiện hành bao gồm cả điểm học bạ và điểm thi thì tỉ lệ tốt nghiệp THPT cả nước là 97,57%. Điều này cho thấy “phao cứu sinh” là điểm của học bạ chiếm rất lớn.
Ông Tùng kì vọng, thời gian tới việc xét tỉ lệ tốt nghiệp sẽ dựa vào giảm dần tỉ lệ điểm học bạ.
Tại cuộc gặp gỡ, TS Lê Thống Nhất, kỳ thi THPT quốc gia năm nay đã bộc lộ yếu kém ở năng lực ra đề thi. Cụ thể như đề toán quá khó, giống đề thi đại học hơn là một đề thi tốt nghiệp nhằm đánh giá kiến thức của số đông học sinh.
Trong khi đó, TS Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng ra đề thi phải chuẩn, không thể để tình trạng năm trước đề dễ, năm sau đề quá khó.
Cùng với đó, nhiều đại biểu cũng thống nhất, Bộ GDĐT tiếp tục nâng cao chất lượng ra đề thi, mở rộng ngân hàng câu hỏi, phát động phong trào các giáo viên đóng góp cho ngân hàng đề… Yêu cầu của đề thi cần ổn định, đạt ngưỡng chuẩn, đánh giá được đúng kiến thức, năng lực của số đông học sinh để xét tốt nghiệp.
Ông Lê Trường Tùng nhấn mạnh thêm, hiện tại, tất cả ý kiến góp ý trong buổi làm việc mới dừng lại ở bàn luận, chưa có quyết định chính thức.
Bảo Ngọc