Trong khi Liên minh Châu Âu - EU cố gắng cô lập Nga và giảm nhập khẩu năng lượng từ nước này, ứng cử viên gia nhập EU là Serbia đang thắt chặt mối quan hệ với Moscow thông qua thỏa thuận cung cấp khí đốt mới.
Sau cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào cuối tuần trước, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic đã tiết lộ về thỏa thuận khí đốt "rất có lợi", với "các điều khoản tốt nhất cho đến nay ở Châu Âu", theo AFP.
"Chúng tôi sẽ có một mùa đông an toàn khi nói đến nguồn cung cấp khí đốt", nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân túy cho biết. Ông nói thêm rằng vào mùa đông, Serbia sẽ chỉ phải trả "1/10" mức giá mà các nước Châu Âu khác đưa ra.
Để đề cao hơn nữa mối quan hệ hữu nghị giữa Belgrade với Moscow, truyền thông Serbia đưa tin Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov dự kiến sớm thăm thủ đô của nước này.
Trong bối cảnh đó, người phát ngôn của EU Peter Stano cho biết khối mong rằng Serbia "không tăng cường hơn nữa quan hệ với Nga".
“Các nước ứng cử viên, bao gồm cả Serbia, được mong đợi là sẽ điều chỉnh dần chính sách của họ đối với bên thứ ba, với chính sách và lập trường mà Liên minh Châu Âu đã thông qua, bao gồm cả những biện pháp hạn chế”, ông Stano cho biết.
Serbia đã chính thức tuyên bố gia nhập EU là ưu tiên, nhưng nước này luôn né tránh các chính sách chống lại lợi ích Moscow của Châu Âu. Trong khi đó, các phương tiện truyền thông ủng hộ chính phủ thường xuyên lặp lại những thông điệp từ Điện Kremlin.
Giới chức Serbia đã cáo buộc các nước phương Tây gây sức ép để Belgrade áp đặt các biện pháp trừng phạt chống lại Nga. Một số người thậm chí còn gợi ý rằng Serbia không nên theo EU trong vấn đề này.
“Họ (Serbia) giống như đã dành cả thập kỷ qua để chuẩn bị liên minh với Moscow chứ không phải để gia nhập EU”, Srdjan Cvijic, thành viên Nhóm cố vấn chính sách Balkans ở Châu Âu (BiEPAG), nói với AFP.
Theo một cuộc thăm dò dư luận gần đây, 40% người Serbia nói rằng họ sẽ "hạnh phúc" nếu đất nước của họ từ bỏ việc cố gắng gia nhập EU và thay vào đó thành lập một liên minh với Nga.
Goran Vasic, Phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Novi Sad (Serbia) cho biết, luôn có một điều khoản “mang tính anh - em" trong giá khí đốt. Nó "không có trong hợp đồng nhưng có thể hiểu là giao dịch phụ hoặc sự nhượng bộ chính trị".
Tuy nhiên, Belgrade đã bác bỏ quan điểm cho rằng khí đốt giá rẻ là "phần thưởng" của Điện Kremlin vì nước này đã không quan tâm đến lời kêu gọi trừng phạt.
"Tất cả người cáo buộc chúng tôi không áp đặt các lệnh trừng phạt chống lại Nga vì một thỏa thuận khí đốt nên tự xấu hổ về bản thân", Thủ tướng Serbia Ana Brnabic nói với truyền thông địa phương.
"Chúng tôi không áp đặt các biện pháp trừng phạt chống lại Nga vì chúng tôi nghĩ đó là điều nên làm, dựa trên những nguyên tắc của mình".
Ngoại trưởng Lavrov nói với truyền thông Serbia rằng Moscow "chắc chắn rằng họ (Serbia) sẽ tiếp tục lựa chọn thông minh trong tình huống này".
Chuyến đi tiềm năng sắp tới của nhà ngoại giao Nga tới Belgrade sẽ là chuyến thăm hiếm hoi tới Châu Âu kể từ nước này phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt". Moscow chưa xác nhận kế hoạch này.
Tổng thống Serbia đã nhấn mạnh tầm quan trọng trên khía cạnh ngoại giao trong việc Nga phủ quyết công nhận tỉnh ly khai Kosovo độc lập, bên cạnh các mối quan hệ lịch sử, chính trị và văn hóa giữa Belgrade cùng Moscow.
Không chỉ vấn đề về khí đốt, mặc dù Serbia đã ủng hộ một số nghị quyết của Liên Hợp Quốc và lên án “chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga, nước này từ chối tham gia các biện pháp trừng phạt chống lại đồng minh cũ của mình, mặc dù có mục tiêu gia nhập EU.
Trên thực tế, Serbia có rất ít lựa chọn. Thỏa thuận khí đốt trước đây với Nga của Serbia - vốn cũng thấp hơn giá thị trường - sắp hết hạn, nhưng nước này chưa tìm ra giải pháp thay thế khả thi nào trong tương lai gần.
Trong vài thập kỷ gần đây, Serbia đã dần cho phép Moscow gần như độc quyền trong lĩnh vực năng lượng của nước mình, bằng cách xây dựng các đường ống dành riêng cho khí đốt của Nga. Nước này cũng bán phần lớn cổ phần của công ty dầu khí (NIS) cho tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga.
Thỏa thuận năm 2008, được ký kết chỉ vài tháng sau khi tỉnh ly khai Kosovo của Serbia tuyên bố độc lập, được nhiều người coi là “giao dịch chính trị”. Nó cho phép Moscow kết nối với đường ống dẫn khí đốt lớn của Châu Âu qua Serbia để đổi lấy việc Điện Kremlin phủ quyết việc công nhận Kosovo tại Liên Hợp Quốc.
“Rõ ràng trong suốt thời gian qua đã có một nhóm vận động hành lang được tổ chức tốt để bảo vệ sự độc quyền và họ sẽ vẫn tiếp tục làm như vậy”, ông Vasic nói.
Theo Zing.vn