Buông lỏng cấp C/O?

Trong giai đoạn từ 2014 - 2018, BCĐ 389/QG đã xử lý 1.057.000 vụ liên quan đến buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại, vi phạm sở hữu trí tuệ; thu nộp ngân sách hơn 91.000 tỷ đồng.

Tại TP. HCM, trong nửa đầu năm, các lực lượng chức năng đã kiểm tra 21.180 vụ vi phạm. Trong đó, có 1.900 vụ vi phạm về hàng cấm, hàng nhập lậu, 18.920 vụ gian lận thương mại và 348 vụ hàng giả.

Siết chặt buôn lậu, hàng giả mạo xuất xứ - Hình 1

Ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết: 6 tháng đầu năm, đã ngăn chặn, bắt giữ, xử lý nhiều vụ vi phạm và đang giữ trên 10.000 container tại các cảng, cửa khẩu. Tuy nhiên, khi tiến hành ngăn chặn các vụ vi phạm, đối tượng dùng thủ đoạn tạm nhập tái xuất hoặc nhập qua cảng biển các nước lân cận, sau đó tập kết ở đường biên rồi xé lẻ để đi vào nội địa.

Ngoài ra, theo nhận định của Tổng cục Hải quan, có hiện tượng buông lỏng cấp C/O, chính quyền xác nhận khống nguồn gốc sản phẩm cho việc cấp C/O, tạo điều kiện cho một số DN gian lận xuất xứ hàng hóa. Sự việc này dẫn đến nguy cơ hàng hóa XK của Việt Nam bị các nước điều tra, áp thuế chống bán phá giá, thuế tự vệ, thuế trợ cấp ở mức rất cao, gây thiệt hại cho các nhà sản xuất Việt Nam, mất uy tín trên thị trường quốc tế hoặc bị hạn chế XK vào các thị trường này nếu bị nước NK phát hiện.

Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) đã dẫn chứng vụ Công ty TNHH MTV Thương mại tổng hợp Bảo Tiến An, NK từ Trung Quốc 3.300 bộ khóa mang nhãn hiệu Khóa Việt - Tiệp, 1.560 van bếp gas đã dán tem kiểm nghiệm của Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Minh Việt Nam.

Công ty TNHH MTV XNK Thành Quý và Công ty TNHH Thương mại Aeolus Henan đã NK từ Trung Quốc 2.880 bút bi ghi nhãn hiệu Thiên Long, 438 bộ tay nắm khóa cửa Huy Hoàng, 287 dòng hàng không khai báo hải quan nghi vấn hàng giả nhãn mác...

Quyết liệt đấu tranh

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, đang nổi lên tình trạng buôn bán hàng hóa ghi sai xuất xứ, hàng giả, hàng nhái, giả mạo xuất xứ, nhãn mác “made in Vietnam”. Các hành vi gian lận thương mại này gây thất thu ngân sách, ảnh hưởng đến uy tín DN Việt Nam và gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Chính vì vậy, ngày 4/7/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 824/QĐ-TTg ban hành Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ”.

Nhằm phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng hàng hóa NK có xuất xứ từ nước ngoài trung chuyển qua Việt Nam gian lận, giả mạo xuất xứ Việt Nam để XK hoặc tiêu thụ tại thị trường nội địa, gây thiệt hại cho người tiêu dùng, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Hải quan xây dựng văn bản chỉ đạo chung cho cục hải quan các tỉnh, thành phố và các đơn vị có liên quan trong Tổng cục nhằm tăng cường chống gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp, ghi nhãn hàng hóa.

Theo đó, quy định cụ thể trách nhiệm, sự phối hợp của các đơn vị nghiệp vụ thuộc Tổng cục Hải quan trong việc thu thập, phân tích thông tin, xác định mặt hàng, DN có rủi ro cao nghi vấn gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp để áp dụng các biện pháp kiểm soát phù hợp; trách nhiệm của cục hải quan các tỉnh, thành phố trong việc kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa khi làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa XNK; hướng dẫn xem xét chuyển luồng kiểm tra thực tế hàng hóa để kiểm soát chặt chẽ xuất xứ hàng hóa.

Bộ Công thương đẩy mạnh rà soát việc chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến lĩnh vực XNK, thương mại biên giới, quản lý thương mại, thị trường trong nước để kịp thời phát hiện, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, sản xuất hàng hóa giả mạo nhãn mác, xuất xứ Việt Nam.

Bộ Công thương kiểm tra chặt chẽ việc cấp C/O theo các hiệp định thương mại. Kịp thời cung cấp các hiện tượng bất thường, các dấu hiệu nghi vấn để phối hợp với các lực lượng chức năng xác minh, kiểm tra, xử lý kịp thời.

Trang Nguyễn