THCL Một “siêu ủy ban” quản hàng triệu tỷ đồng vốn nhà nước đang được nghiên cứu thành lập. Trong đó, danh sách 30 tập đoàn, tổng công ty nhà nước có thể phải chuyển về dưới quyền quản lý của siêu ủy ban này cũng dần được hé lộ…
Ảnh minh họa
Quản lý 130 tỷ USD
Bộ KH&ĐT đang chủ trì xây dựng NĐ về thực hiện quyền và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước. Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - đơn vị được bộ này giao nhiệm vụ xây dựng NĐ đang lấy ý kiến về bản Dự thảo NĐ quan trọng này.
Theo đó, dự thảo NĐ là khung pháp lý để thành lập một cơ quan chuyên trách có tên gọi Ủy ban quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại DN. Dự thảo đang được xây dựng, dự tính đưa khoảng 30 “ông lớn” nhà nước, dưới sự quản lý của siêu ủy ban. Toàn bộ 9 tập đoàn nhà nước và 21 tổng công ty nhà nước sẽ được điều chuyển về cho siêu ủy ban này quản lý. Trong đó, có Tập đoàn Dầu khí VN, Tập đoàn Điện lực VN, Tập đoàn CN Than - Khoáng sản, Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông VN, Tập đoàn Xăng dầu VN…
Ước tính, khối tài sản của 30 ông lớn này nắm giữ lên đến 130 tỷ USD. Một điểm đáng lưu ý khác đó là theo Dự thảo NĐ, các DNNN thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an vẫn do các bộ này quản lý. NHNN cũng có thể tiếp tục được giao trực tiếp thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước tại NHTM và tổ chức tín dụng có vốn nhà nước.
Siêu ủy ban này được thiết kế là cơ quan thuộc Chính phủ, do Chính phủ thành lập. Một trong những vai trò của siêu ủy ban này là giúp Chính phủ quản lý, giám sát có hiệu quả vốn và tài sản nhà nước tại các DN; thực hiện các chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước về tái cơ cấu, thoái vốn, sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN… Chức năng quan trọng của siêu ủy ban này là đầu tư và quản lý toàn bộ danh mục tài sản, vốn đầu tư của nhà nước tại các DN nhằm hợp lý hóa danh mục đầu tư, tối đa hóa giá trị tài sản, vốn đầu tư nhà nước tại các DN…
Có quản nổi?
TS. Trần Du Lịch, nguyên ĐBQH Khóa XIII cho rằng: Việc cần một Ủy ban như vậy, tôi đã đề xuất cách đây 10 năm để không còn DNNN nào nằm trong các bộ chủ quản. Điều này là để các bộ chỉ thực hiện chức năng quản lý nhà nước, không thực hiện chức năng kinh doanh. Đó là điều kiện để tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng.
TS. Trần Du Lịch bày tỏ: “Cơ quan này khi thành lập phải mang tính chuyên môn cao, không phải như cơ quan hành chính công quyền. Cơ quan này có 2 chức năng chính. Trước hết, phải quản được đội ngũ con người cử vào các DN để quản lý. Thứ hai, quản lý nguồn lực rất lớn của Nhà nước ở các DN, giúp Chính phủ báo cáo trước Quốc hội theo quy định và phải công khai, minh bạch”.
Theo vị chuyên gia này, việc thành lập ủy ban quản vốn nhà nước có thể chấm dứt tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” hiện nay.
Chuyên gia kinh tế, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng: Đây là nỗ lực để cải cách, khắc phục tình trạng kém hiệu quả và có nhiều bê bối của các tập đoàn, DNNN như chúng ta đã biết.
“Điều khó khăn là số DN và tập đoàn mà ủy ban này phải quản lý là quá lớn, quá phức tạp. Cho nên, khả năng quản lý vượt khỏi giới hạn mà lý thuyết quản lý và điều khiển học cho rằng đó là giới hạn hiệu quả. Tức là nếu anh quản lý một cách hiệu quả thì số đầu mối của anh tốt nhất khoảng 5 - 7, nếu nhiều lắm thì không quá 20. Nếu quá 20 thì thầy giáo không biết số học sinh, có nghĩa quản lý cả hoạt động đầu tư mua bán phức tạp thế này thì việc đó là điều quá độ”, TS. Lê Đăng Doanh chia sẻ.
Ông Doanh nhận định: “Để tiến tới việc quản lý hiệu quả hơn, tốt nhất phải CPH nhanh và giảm ngay số DNNN, giảm bớt vị thế độc quyền để các DN đó phải kinh doanh theo thị trường. Lúc bấy giờ, quản lý của Nhà nước chỉ tập trung vào vấn đề tuân thủ pháp luật và các vấn đề khác mà thôi.
Việc thành lập Ủy ban quản vốn nhà nước là việc lớn nên cần đưa ra để tất cả tập đoàn, tổng công ty sẽ chịu sự quản lý được phát biểu ý kiến một cách dân chủ. Việc này cũng phải được đưa ra để các hiệp hội, hội khoa học kinh tế, hội luật gia, đóng góp ý kiến để tránh việc đây là một bước cải cách, nhưng cải cách chưa có tính chất triệt để”.
Quyền - Chinh