“Giáo dục chất lượng không nên là đặc ân dành cho một số ít người. Chỉ cần thực sự khao khát và nỗ lực, mọi người đều có quyền được hưởng điều đó”.

Đó là câu nói đầy ý nghĩa nhân văn của tổng thống Barach Obama  trong kế hoạch miễn học phí hai năm cho sinh viên các trường cao đẳng cộng đồng, nhằm giảm gánh nặng chi phí cho sinh viên nghèo. Đang được xã hội Mỹ quan tâm và đánh giá cao.

Với nước Mỹ, người dân có thu nhập cao, nền giáo dục hoàn toàn  theo kinh tế thị trường  việc chính phủ còn quan tâm đến sinh viên nghèo như vậy thì cũng đáng để  chúng ta phải suy xét và ngẫm nghĩ.

Với chính sách giáo dục đào tạo đại học, cao đẳng và dạy nghề của nước ta hiện nay, việc sinh viên nghèo có thể tham gia vào học tập là việc vô cùng khó nếu không được  sự hỗ trợ từ phía nhà nước.

Để thi được vào trường ĐH, CĐ các em đã phải nỗ lực rất lớn vì đối với các gia đình nghèo, gia đình nông thôn ngoài thời gian để học hành và ôn thi các em còn phải dành  phần lớn thời gian để lao động  giúp đỡ gia đình. Các em thi đỗ vào trường ĐH, CĐ phải là những học sinh có học lực tốt, chăm học. Những đối tượng này xứng đáng để xã hội quan tâm và khích lệ.

Sau khi thi được vào trường, để có thể theo học các em cần một khoảng tiền chi phí bao gồm tiền học phí, tiền thuê nhà trọ, tiền quần áo, sách vở, ăn uống, đi lại...

Số tiền cần thiết tối thiểu cho mỗi sinh viên để chi tiêu tiết kiệm nhất cần có cũng khoảng từ 1.500.000 – 2.000.000 đ/tháng tức là khoảng 18.000.000 - 24.000.000đ/năm để có thể học hành .

Đây là số tiền có thể  không lớn đối với các gia đình ở thành phố, nhưng lại là gánh nặng khó có thể đáp ứng đối với các gia đình nghèo, gia đình nông dân. Với thu nhập  của mỗi gia đình ở nông thôn, trung bình từ  1- 2 tấn thóc cũng chỉ có giá trị khoảng 10.000.000 đ/ năm.  Để chi phí cho cả một gia đình thì việc dành ra được khoảng tiền như trên cho con đi học gần như là không thể , dẫn đến các em dù có học lực tốt, mong muốn được đi học  cũng  không thể đi học là một thiệt thòi lớn cho các em, một sự lãng phí  nguồn nhân lực vô cùng lớn cho đất nước, tạo ra chênh lệch không đáng có giữa nông thôn và thành thị, thiếu nguồn nhân lực có trình độ quay về phục vụ quê hương, để phát triển hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn theo yêu cầu phát triển của đất nước.

Đứng trước thực trạng như vậy,  sau khi được vào trường , muốn có tiền để theo học các em  buộc phải đi làm thêm để kiếm tiền, nhưng với thực tế như hiện nay, kiếm được việc làm thêm  lương thiện như gia sư, lao động tại các cơ sở sản xuất, nhà hàng... cũng không phải là dễ và nếu có được các em cũng sẽ thiếu thời gian, sức khỏe dành cho học tập làm cho chất lượng học tập bị giảm sút, hổng về kiến thức, chất lượng không đạt dẫn đến khi ra trường không kiếm được việc làm thất nghiệp tràn lan là điều dễ hiểu.

Nguy hiểm  hơn, một bộ phận sinh viên không kiếm được việc làm dễ bị lôi kéo vào con đường vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật như:  gái bao, gái mại dâm, trộm cắp, lừa đảo, sống bầy đàn, lưu manh hóa làm hư hỏng các em, gánh nặng cho gia đình, nhà trường và xã hội.

Nhu cầu được học là nhu cầu chính đáng của mỗi con người, được xã hội trân trọng, giúp đỡ và  không ai có thể tước đoạt được.

Để thực yêu cầu chính đáng đó, thời chiến tranh và bao cấp, đất nước ta còn nghèo, phúc lợi xã hội còn thiếu, nhưng Đảng và nhà nước đã cố gắng tập trung kinh phí cho đào tạo giáo dục. Sinh viên đi học không phải đóng tiền học phí, được ăn, ở miễn phí ngoài ra còn được cấp một khoản học bổng nhỏ để chi tiêu, nên ngoài việc tập trung mọi thời gian và sức lực phấn đấu  học tập, sinh viên không phải lo lắng bất cứ điều gì.

Môi trường sống và học tập trong các trường trong lành, sinh viên đoàn kết, yêu thương, đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau để học tập. Do đó chúng ta đã tạo được một thế hệ sinh viên  có trình độ, có đạo đức sau khi ra trường sẵn sàng đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì  cống hiến hết mình cho đất nước, cho Nhân Dân.

Hiện nay, Chúng ta đang xây dựng chương trình đổi mới trong giáo dục đào tạo nhằm mục đích đưa giáo dục gắn với thực tiễn, đào tạo con người vừa có trình độ, kiến thức chuyên môn vừa có đạo đức để phục vụ nhu cầu đổi mới và phát triển của đất nước, đưa đất nước ta trở thành nước có nền công nghiệp và nông nghiệp phát triển, đủ khả năng bảo vệ tổ quốc.

Chúng ta cần tìm ra giải pháp để có thể thu hút được học sinh nghèo tham gia học tập, tránh được lãng phí nguồn nhân lực cho đất nước, không để các em có đủ trình độ và mong muốn được đi học  thiệt thòi vì gia đình nghèo mà không được đi học, làm lành mạnh hóa môi trường giáo dục để các em yên tâm học tập, tu dưỡng đạo đức.

Với sự  trăn trở trên, tôi xin có một đề xuất nhỏ với các nhà xây dựng chính sách đổi mới giáo dục như sau:

Chúng ta cần có chính sách  đầu tư xây dựng đủ ký túc xá cho sinh viên ở miễn phí để các em không còn phải lo lắng tìm thuê nhà trọ như hiện nay.

Đối với học phí chúng ta cần xem xét bãi bỏ để các em học sinh nghèo  có học lực tốt được tham gia học tập trong các trường  đại học và chuyên nghiệp.

Xem xét cấp cho các em một số tiền nhỏ để chi phí phục vụ cho sinh hoạt và học tập.

Số tiền này lấy từ nguồn đầu tư của nhà nước, tiền đào tạo nhân lực của các đơn vị tuyển dụng chi trả cho nhà trường.

Đây có thể là số tiền không nhỏ nhưng rất cần và rất đáng được đầu tư vì theo kinh nghiệm của các nước phát triển đầu tư cho giáo dục là khoản đầu tư chắc chắn và có lợi nhất.

Những năm trước đây, khi đất nước chúng ta còn nghèo, còn khó khăn, Đảng , Nhà nước ta còn đầu tư, chăm lo cho giáo dục được  như vậy, đến nay đất nước chúng ta đã vượt qua được khó khăn, nguồn phúc lợi xã hội đã lớn, không lẽ chúng ta lại không thể đầu tư cho giáo dục được như thời gian khó. Đây là điều chúng ta cần nghiên cứu một cách khoa học và nghiêm túc để xây dựng chương trình cải cách giáo dục có hiệu quả và chất lượng.

Nếu chúng ta làm được, chúng ta sẽ có được nguồn nhân lực từ mọi miền của đất nước có trình độ cao,vừa có đức, có tài phục vụ cho công cuộc đổi mới và phát triển đất nước, tránh được lãng phí vô cùng lớn cho xã hội, tạo được sự công bằng, san lấp được khoảng cách vô lý giữa thành thị và nông thôn.

Các trường sẽ thực sự là môi trường trong sạch để học tập, không có những tiêu cực xã hội hòa trộn trong sinh viên , trong nhà trường. Môi trường giáo dục thực sự là nơi “ học sinh nghèo vượt khó” chứ không còn là nơi “học sinh nghèo... khó vượt” như hiện nay ./.

Thái Bình