Theo đó, số lượng công ty ngừng hoạt động trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6/2023 đã tăng 8,4% so với quý trước, đánh dấu mức tăng quý thứ sáu liên tiếp. Các tuyên bố phá sản đạt mức cao nhất kể từ khi Eurostat bắt đầu theo dõi dữ liệu đó vào năm 2015.
Dữ liệu cũng cho thấy các hồ sơ phá sản đang gia tăng ở hầu khắp các lĩnh vực của nền kinh tế. Tuy nhiên, mức tăng nhiều nhất được ghi nhận ở dịch vụ lưu trú và ăn uống (tăng 23,9%), vận chuyển và kho bãi (15,2%), giáo dục, y tế và hoạt động xã hội (10,1%).
Trong số 27 quốc gia thành viên, số đơn xin phá sản tăng nhiều nhất ở Hungary (tăng 40,8%), Latvia (24,8%) và Estonia (24,6%). Sự sụt giảm đáng kể nhất về số lượng các công ty phải đối mặt với phá sản đã được đăng ký tại Síp (giảm 48,5%), Croatia (23,6%) và Đan Mạch (15,9%).
Trong khi đó, số lượng đăng ký doanh nghiệp mới trên toàn khối đã giảm 0,6%.
Các chuyên gia cho rằng sự gia tăng các vụ phá sản là do sự thiếu ổn định và tăng trưởng kinh tế chậm lại ở EU, lục địa già vốn đang phải vật lộn với lãi suất cao hơn do lạm phát gia tăng. Song, một số người cũng chỉ ra rằng các gói viện trợ thời kỳ đại dịch Covid-19 hết hạn đã giúp hoạt động của các công ty đang gặp khó khăn duy trì một cách giả tạo.
Bùi Quyền