Thượng tướng, Giáo sư Hoàng Minh Thảo - một nhà khoa học, một vị tướng tài ba của Quân đội ta. Đã hơn 6 năm ra đi… nhưng hình ảnh về một vị tướng vừa trực tiếp chỉ huy tác chiến, vừa tổng kết khoa học - những vấn đề chiến thuật và chiến lược quân sự… để viết thành những cuốn sách có giá trị lớn phục vụ trực tiếp cho chiến đấu, góp phần vào thắng lợi trên nhiều chiến trường vẫn còn nguyên giá trị.
Thượng tướng, Giáo sư Hoàng Minh Thảo
Đặc biệt, những kinh nghiệm trong chiến tranh chống đế quốc Mỹ nói chung và trong Chiến dịch Tây Nguyên nói riêng, đến nay vẫn còn nguyên giá trị thực tiễn trong sự nghiệp củng cố quốc phòng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…
Ngay từ những năm đầu tiên của chiến tranh cách mạng (1945 - 1948), ông đã được giao làm Khu trưởng Chiến khu Ba. Riêng việc đó đã là một kỷ niệm khó phai. Mới 24 tuổi đầu, kiến thức quân sự còn rất hạn chế, chỉ mới được dự qua một lớp bồi dưỡng quân sự ngắn hạn mà giữ trách nhiệm chỉ huy một chiến trường có tầm quan trọng chiến lược rất lớn, ông vô cùng lo lắng… Làm thế nào hoàn thành nhiệm vụ?
Lúc bấy giờ, Chiến khu Ba là một trong những chiến trường hết sức sôi động và không kém phần ác liệt ở vùng duyên hải đồng bằng Bắc Bộ. Trong đó, có vị trí chiến lược quan trọng là Hải Phòng - một quân cảng sống còn đối với Quân đội viễn chinh Pháp.
Tại đây, đã nổi lên những trận chiến đấu ác liệt, trong đó có những trận đánh nổi tiếng ở trong nội thành Hải Phòng, những trận đánh ở trên các ngọn đồi Kiến An, do ông trực tiếp chỉ huy. Ta đã tiêu diệt nhiều sinh lực địch ngay tại đô thị, ngăn chặn những cuộc hành quân chiếm đóng của địch, hòng thiết lập một vành đai vững chắc bảo vệ an toàn Thành phố Hải Phòng.
Phải nhìn vào hoàn cảnh lúc bấy giờ mới thấy hết nỗi lo âu của những người chỉ huy quân sự khi đó. So sánh lực lượng ta - địch hồi đó, đã có người nói rằng, chẳng khác gì “châu chấu đá voi”. Thế mà chúng ta đã đánh cho “voi thực dân lòi ruột ra”…
Trong Chiến dịch Tây Nguyên, chúng ta đã chọn Buôn Ma Thuột là trận quyết chiến đầu tiên. Lúc đó, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên do ông (Hoàng Minh Thảo) làm Tư lệnh cùng với Bộ Chính trị và Bộ Tổng Tư lệnh đã hoàn toàn nhất trí chọn Buôn Ma Thuột là trận đánh mở màn.
Thượng tướng nói: Cái hay, cái khó và cũng là cái khác với những chiến dịch trước ở đây là ở chỗ, sau khi tiêu diệt quân địch, chúng ta phải làm sao chốt giữ, không để địch phản công chiếm lại. Bộ Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên đã phải bỏ nhiều công sức để nghiên cứu và tìm hướng giải quyết vấn đề then chốt này.
Trên cơ sở phân tích rõ địa hình và thế - lực cụ thể, Bộ Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên thấy then chốt chính là ở chỗ chiếm và giữ sân bay. Với địa hình miền núi, địch chỉ có thể tới bằng đường không, nếu mất sân bay thì địch không thể chiếm lại Buôn Ma Thuột.
Và trận đánh đã thành công. Quân ta không những làm chủ, tiêu diệt hoàn toàn quân đồn trú tại Buôn Ma Thuột, mà còn giữ vững và làm chủ sân bay, khiến địch không thể chiếm lại được. Chính thành công đó đã khiến quân địch hoảng hốt phải tháo chạy khỏi Tây Nguyên. Điều đó có nghĩa là toàn bộ quân địch ở miền Nam rơi vào thế bị chia cắt về chiến lược và dẫn tới thảm họa sụp đổ hoàn toàn…
Để góp phần làm phong phú thêm kho tàng quân sự cách mạng Việt Nam, các công trình khoa học quân sự của Thượng tướng, Giáo sư Hoàng Minh Thảo đã được Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia và nhiều nhà xuất bản khác in ấn, phát hành - trở thành những tài liệu quý giá không chỉ trong nghiên cứu khoa học và nghệ thuật quân sự, mà còn là tài liệu giáo khoa phục vụ công tác đào tạo, huấn luyện các sỹ quan quân đội.
Năm 2005, Cụm công trình về nghệ thuật quân sự Việt Nam (gồm 8 cuốn sách có giá trị) của Thượng tướng, Giáo sư Hoàng Minh Thảo đã được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ.
Nói về nghệ thuật quân sự, Giáo sư nhấn mạnh: “Trước hết, đó chính là yếu tố để giúp chúng ta - một quốc gia nhỏ bé có thể đánh thắng những nước lớn mạnh hơn mình gấp bội! Và sự sáng tạo chính là bí quyết của sự thành công trong suốt cả cuộc đời binh nghiệp của tôi”…
Giáo sư bày tỏ: “Trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, cả dân tộc Việt Nam đang đứng trước một cơ hội rất lớn, nhưng thách thức cũng không phải là nhỏ. Với xu thế toàn cầu hóa, biên giới giữa các quốc gia là biên giới mềm, biên giới của hàng hóa và văn hóa. Vậy thì, chính những doanh nghiệp, các nhà doanh nhân chứ không ai khác là những người sẽ phải đứng mũi chịu sào, là những người quyết định cho sự phát triển hay thụt lùi của nước nhà khi tham gia vào xu thế toàn cầu hóa. Họ cần phải được trang bị những kiến thức cơ bản đó là bản lĩnh, tinh thần tự lực, tự cường; là đoàn kết sáng tạo; là huy động sức mạnh của toàn dân tộc, cạnh tranh trên mọi lĩnh vực, kiên định với mục tiêu dù phải đối mặt với mọi khó khăn. Một khi có tư tưởng đúng, kiến thức đúng, những hành động đúng - sẽ tác động đến mọi người, mọi giới. Đặc biệt, các doanh nhân trẻ sẽ có được sự ủng hộ và che chở của cộng đồng, sự thấu hiểu và giúp đỡ hiệu quả của Nhà nước. Và chỉ đến khi đó, khát vọng Đại Việt mới được thực hiện, thành công mới là thực sự và bền vững”.
Xuân Phong