70 năm đã qua đi, nhưng ký ức về một thời hoa lửa vẫn vẹn nguyên trong tâm trí mỗi cựu thanh niên xung phong, trong đó có ông Thái Hữu Hoành ở Sơn La.
Gần 90 năm tuổi đời, 60 năm tuổi Đảng, nhưng ông Thái Hữu Hoành, thường trú ở tổ 11, phường Quyết Thắng, TP. Sơn La, tỉnh Sơn La vẫn nhớ như in ngày mình tham gia lực lượng thanh niên xung phong phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. "Tôi vinh dự được Đoàn Thanh niên cứu quốc, Chi hội Nông hội rồi Uỷ ban kháng chiến xã bình xét cho đi thanh niên xung phong tham gia kháng chiến. Ngày 5/1/1954 được giấy Uỷ ban cho phép đi nhập ngũ. Ngày hôm sau mùng 6/1 thì được cấp trên phổ biến nhiệm vụ và được nhận quần áo, quân trang của TNXP hồi đó để chuẩn bị tối là lên đường, ông Hữu Hoành nhớ lại."
Sau 13 ngày đêm hành quân ròng rã từ quê nhà ở huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, đến huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La, ông cùng các anh em trong đơn vị được lệnh dừng chân và thực hiện nhiệm vụ đảm bảo giao thông tại vị trí cầu Tà Vài - cây cầu sắt dài 60m, bắc qua suối Tà Vài, trên đường 41 độc đạo tại km 278+200. Nơi đây địa hình hiểm trở, một bên là núi cao, một bên là suối sâu. Từ khu IV, khu III – Hòa Bình, Mộc Châu đi lên chiến dịch Điện Biên, ô tô, bộ đội, dân công đều phải đi qua đây. Vì vậy, địch đã có âm mưu ngăn chặn quân ta tại điểm này.
Ông Thái Hữu Hoành kể: "Sau khi trinh sát được mục tiêu rồi là địch đến bỏ bom, đánh sập tất cả, cầu không thể đi. Nhiệm vụ của chúng tôi khi đấy là chặt cây làm bè, làm mảng để ô tô và dân công có thể vượt qua suối sang bên kia. Khi địch đánh phá, đến tối thanh niên xung phong chúng tôi san gạt, sửa chữa để sáng hôm sau xe, người đi qua, thế nhưng đến khoảng 8-9h sáng địch lại đến quần nát, bỏ bom Na pan, bắn rốc két, bắn tên lửa… làm cháy hết khu vực đó. Cứ như thế, địch thì đánh phá, thanh niên xung phong của ta thì lại chặt cây, đóng thành bè mảng để ô tô và dân công đi qua."
Ngoài nhiệm vụ chính ở Tà Vài, khi có lệnh chi viện cho Ngã ba Cò Nòi - "túi bom" lúc đó, vì đây là giao điểm của đường 41 (nay là QL6) từ Hà Nội lên và từ đường 13 (nay là QL 37) từ Yên Bái cùng các tỉnh Đông Bắc sang. Nhằm cắt đứt chi viện của ta cho chiến trường Điện Biên Phủ ngay tại vị trí hiểm yếu này, thực dân Pháp đã đánh phá ác liệt. Ước tính, cứ 13 phút chúng lại ném bom bắn phá một lần; có ngày, chúng thả tới 300 quả bom các loại và có đợt chúng đánh phá 2-3 tuần liên tục, ném bom rải thảm kết hợp nhiều loại bom trong 1 trận nhằm hủy diệt lực lượng và làm tê liệt giao thông của ta.
Thế nhưng, bất chấp nguy hiểm, các lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) vẫn thường xuyên trụ vững tại đây để làm đường, sửa đường. Địch phá, ta lại sửa, ta đi, không để một giờ nào mạch máu giao thông tắc nghẽn.
Cựu TNXN Thái Hữu Hoành nhớ lại: "Từ chỗ chúng tôi lên Ngã ba Cò Nòi là 22 cây số. Lên mới thấy là địch đánh suốt ngày không biết bao nhiêu tốp, hết tốp này đến tốp khác, đánh liên tục, tơi tả hết; nó đánh sập trên đồi xuống, phía dưới thì cháy trơ trụi hết. TNXP chúng tôi tối đến lại dọn đường cây cối, làm thế nào có đường cho ô tô và dân công đi qua. Lúc đó chúng tôi với sức trẻ, như tôi mới 17 tuổi, nên làm không biết mệt mỏi, tất cả vì kháng chiến".
70 năm trôi qua, cầu Tà Vài bằng sắt năm xưa nay đã được thay thế bằng chiếc cầu xi măng rộng 5m, dài gần 100 mét rộng thênh thang trên QL6 đã được uốn thẳng, mở rộng; Ngã ba Cò Nòi với Khu Di tích tưởng niệm liệt sỹ Thanh niên xung phong được đầu tư, xây dựng và được xếp hạng di tích cấp quốc gia đã trở thành địa chỉ đỏ giáo dục lý tưởng, truyền thống cách mạng cho các thế hệ.
Chị Hoàng Thị Hội ở huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La bày tỏ: "Nhà tôi ở Mộc Châu, mỗi lần lên tỉnh đều đi qua cầu Tà Vài và qua ngã ba Cò Nòi. Tôi đã được nghe nhiều về việc các cựu TNXP năm xưa đã đọ sức quyết liệt với máy bay Pháp để làm đường ra mặt trận, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng tôi rất khâm phục. Nay được sống trong hòa bình, tự do, chúng tôi biết ơn nhiều lắm."
Ông Vũ Xuân Hải, Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong tỉnh Sơn La cho biết: Hội Cựu TNXP Sơn La hiện có hơn 1.600 hội viên; trong đó có hơn 40 hội viên là các cựu thanh niên xung phong trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Nay dù tuổi cao, sức yếu, nhưng mỗi người vẫn đang phát huy tinh thần cách mạng, gương mẫu trên mọi lĩnh vực, tiếp tục là chỗ dựa tin cậy của Đoàn và của nhân dân trong giai đoạn mới.
"Chúng tôi có chương trình với Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, những ngày 27/7 hoặc những ngày truyền thống chúng tôi đều tổ chức mời các cựu TNXP tham gia chiến dịch chống Pháp đến và mời đoàn viên thanh niên đến cùng nghe các bác, các ông nói chuyện về những khó khăn, gian khổ trong giai đoạn chống giặc cứu nước, cùng những sự hy sinh mất mát của quân và dân ta cũng như lực lượng TNXP thời đấy để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ", ông Hải tâm sự.
Ông Vũ Xuân Hải cũng cho biết, cùng với chú trọng phát huy vai trò nhân chứng lịch sử trong giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua "Cựu TNXP nêu gương sáng" bằng việc tiếp tục vận động cán bộ, hội viên cựu TNXP tích cực tham gia vào các hoạt động do Trung ương, địa phương phát động, nhất là hoạt động vì nghĩa tình đồng đội, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo… Từ đó, tiếp tục góp sức vào công cuộc xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phát triển giàu mạnh.
Công việc cơ bản của Thanh niên xung phong là công tác cầu đường. Điện Biên Phủ là một địa điểm cách xa hậu phương và ở vào vùng địa hình rừng núi bao la hiểm trở, thời tiết khắc nhiệt, mưa lũ thất thường, dân cư thưa thớt, kinh tế nghèo nàn, lạc hậu nên rất bất lợi cho công tác hậu cần. Chiến dịch Điện Biên Phủ lại là một chiến dịch lớn dài ngày. Vì vậy mà Trung ương thấy rõ tầm quan trọng của công tác cung cấp. Mấu chốt của vấn đề cung cấp là vận tải.
Nhiệm vụ đặt lên hàng đầu là sửa đường, mở đường để hành quân, vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược vào mặt trận. Ngoài tuyến đường 11 và 13 đã có, chúng ta phải mở nhiều tuyến đường cho xe trâu, xe đạp thồ, đường gánh bộ cho dân công và phá thác để vận chuyển đường thủy. Các con đường này yêu cầu phải ngắn nhất, bí mật nhất.
Đoàn Thanh niên xung phong được cấp trên giao sửa chữa tuyến đường 41 và củng cố tuyến đường số 13. Ngoài ra, cùng lực lượng dân công, bộ đội mở các tuyến đường mới. Họ cùng với công binh bám trụ ở những nơi quân Pháp đánh phá ác liệt nhất, địa hình hiểm trở, khó làm nhất và đòi hỏi kỹ thuật cao nhất.
Theo VOV.vn