Không tuân theo nguyên tắc thị trường nên quá trình cổ phần hoá ì ạch, doanh nghiệp chưa lời ăn lỗ chịu, và nghiêm trọng hơn - nguồn lực của xã hội bị phân bổ sai lệch.

Trong ngày thảo luận đầu tiên của Diễn đàn Kinh tế Mùa Thu với chủ đề “Tái cơ cấu: Kỳ vọng chuyển biến mạnh mẽ và cơ bản”, các diễn giả hàng đầu đã gọi mặt, chỉ tên nguyên nhân khiến quá trình tái cơ cấu đã diễn ra 3 năm mà hiệu quả thu được không rõ ràng. 3 mũi nhọn của tái cơ cấu gồm tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và tái cơ cấu hệ thống tài chính ngân hàng, nhưng cả 3 hướng đều ì ạch.

Các diễn giả chính trong chủ đề thảo luận tái cơ cấu là cựu Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển, hai viện trưởng đầu ngành kinh tế - ông Trần Đình Thiên và Nguyễn Đình Cung. TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam lưu ý rằng, cần phải nhìn nhận ở gốc độ là quá trình này đã đi đúng hướng chưa. ‘Nếu đúng hướng rồi mà kết quả hạn chế thì lỗi là do chưa chịu làm”, ông Thiên nêu quan điểm.

Theo cách tiếp cận này, ông Thiên nhận định, công cuộc tái cơ cấu chưa có kết quả vì có xu hướng đánh giá thấp nguy cơ, trong đó nguyên nhân chính là không tuân thủ nguyên tắc thị trường. “Tái cơ cấu ì ạch vì chúng ta không đánh giá đúng nguyên nhân của nó. Mà nguyên nhân chính là không tuân thủ nguyên tắc thị trường”, chuyên gia này thẳng thắn.

Ông Trần Đình Thiên Ảnh: Chí Hiếu

Quan điểm này nhận được sự đồng tình của nguyên Bộ trưởng Trương Đình Tuyển. Ông nói: “Tiến trình tái cơ cấu mà không tạo được chuẩn đo thì sẽ không quản lý được nó”, ông Tuyền nhấn mạnh.

Dẫn chứng cho việc không tuân thủ nguyên tắc thị trường, Viện trưởng Thiên cho rằng Nhà nước đã dành đặc quyền lớn cho một khu vực (doanh nghiệp Nhà nước), cộng với ham muốn kiểm soát giá cả đã làm thị trường bị méo mó. Cách tiếp cận phi thị trường như vậy dẫn đên cơ cấu đầu tư sai, cơ cấu ngành sai làm chi cơ cấu kinh tế bị lệch càng nghiêm trọng. “Tái cơ cấu vấn đề cốt lõi là phải có kinh tế thị trường đúng nghĩa, nhưng chúng ta lại có xu hướng kiềm chế các quá trình thị trường hóa”, ông Thiên lý giải.

“Tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước không nên chỉ đặt trọng tâm là cổ phần hóa mà cần đặt nó trong môi trường cạnh tranh. Quy luật của cơ chế thị trường là cạnh tranh và lợi nhuận”, ông Tuyển nêu quan điểm.

Là một trong những tác giả của đề án tái cơ cấu nền kinh tế, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung cho rằng mấu chốt nằm ở hành động. Ông Cung khẳng định vấn đề áp đặt đầy đủ nguyên tắc thị trường, buộc cạnh tranh công bằng đối với doanh nghiệp đã được nói nhiều, thậm chí rất nhiều. “Nhưng chúng ta chưa làm gì để áp đặt đầy đủ nguyên tắc này đối với doanh nghiệp Nhà nước. Ví dụ như việc ‘ngân sách mềm’ còn phổ biến, thể hiện rằng doanh nghiệp Nhà nước chưa lời ăn lỗ chịu, Chính phủ vẫn đi vay rồi cho các anh cả này vay lại, tức là chưa buộc họ tiếp cận vốn theo nguyên tắc thị trường. Đến khi doanh nghiệp không thanh toán được nợ thì lại cho khoanh nợ, giảm lãi hay chuyển cho doanh nghiệp Nhà nước khác.

Chưa dừng lại ở đó, sự phi trường còn thể hiện ở chỗ khi hàng hóa không bán được thì lãnh đạo bộ, hay địa phương sẵn sàng can thiệp để tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp Nhà nước, còn khi thua lỗ thì tăng giá chứ không nghĩ giảm chi phí hoặc tăng năng suất. “Hệ quả của nó là làm méo mó thị trường giá, gây thua thiệt cho các doanh nghiệp khác, nhất là khối tư nhân trong nước”, ông cảnh báo.

Tiến sĩ Trần Đình Thiên bổ sung thực tế Nhà nước vừa muốn thoái vốn nhanh nhưng lại không muốn bán theo giá thị trường. Mãi đến năm ngoái quan điểm này mới được thay đổi. “Bán giá gì cũng được, miễn là theo thị trường”, ông Thiên bình luận.

Về điểm này, ông Nguyễn Đình Cung cho rằng chất lượng thoái vốn chưa đạt được, bởi con số gần 30% đã thoái được thực chất chỉ là chuyển giao nội bộ trong khu vực doanh nghiệp Nhà nước với nhau và lại càng không được bán theo giá thị trường.

Theo ông Cung, hệ quả mà nền kinh tế đang gánh chịu là kết quả của việc phân bố nguồn lực sai lệch ngày càng rõ nét. Vì vậy, tái cấu nền kinh tế thực chất là phân bố lại nguồn lực để nâng cao hiệu quả phân bổ. “Thị trường méo mó ở Việt Nam rất phổ biến, nhất là các nhân tố sản xuất, cho nên hãy để tự do kinh doanh và tự do thị trường làm nhân tố quyết định trong phân bố nguồn lực, để thị trường vận hành đúng nguyên tắc của nó”, chuyên gia này chốt lại.

(Theo Vnexpress)