1. Tai nạn lao động là gì?

Căn cứ khoản 8 Điều 3 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015, tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.

Nói một cách dễ hiểu, tai nạn lao động là những sự cố xảy ra trong quá trình làm việc hoặc liên quan đến công việc, gây ra tổn hại về sức khỏe, thương tật hoặc tử vong cho người lao động.

Ví dụ tai nạn lao động: ngã từ giàn giáo, bỏng hóa chất, kẹp tay vào máy móc, điện giật,.. (các tai nạn này xảy ra do thực hiện công việc).

Công cụ tính số tiền nhận bảo hiểm xã hội một lần

tai nan lao động

Tai nạn lao động là gì, phân loại tai nạn lao động, bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện (Ảnh minh họa – Nguồn Internet)

2. Phân loại tai nạn lao động như thế nào?

Căn cứ Điều 9 Nghị định 39/2016/NĐ-CP, tai nạn lao động được phân thành 03 loại: Tai nạn lao động chết người, tai nạn lao động nặng và tai nạn lao động nhẹ. Cụ thể như sau:

(i) Tai nạn lao động chết người: Là tai nạn lao động mà người lao động bị chết thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Chết tại nơi xảy ra tai nạn.

- Chết trên đường đi cấp cứu hoặc trong thời gian cấp cứu.

- Chết trong thời gian Điều trị hoặc chết do tái phát của vết thương do tai nạn lao động gây ra theo kết luận tại biên bản giám định pháp y.

- Người lao động được tuyên bố chết theo kết luận của Tòa án đối với trường hợp mất tích.

(ii) Tai nạn lao động nặng: Là tai nạn lao động làm người lao động bị ít nhất một trong những chấn thương được quy định tại Phụ lục II -  Danh mục các chấn thương để xác định loại tai nạn lao động nặng ban hành kèm theo Nghị định 39/2016/NĐ-CP.

(iii) Tai nạn lao động nhẹ: Là tai nạn lao động không thuộc trường hợp quy định tại khoản (i) và khoản (ii) Mục này.

3. Có phải không tham gia BHXH bắt buộc cũng được hưởng chế độ tai nạn lao động?

Ngày 01/11/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định 143/2024/NĐ-CP quy định về bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/01/2025.

Bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện áp dụng với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động từ đủ 15 tuổi trở lên, không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, có tham gia bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện (khoản 1 Điều 2 Nghị định 143/2024/NĐ-CP).

Theo Điều 4 Nghị định 143/2024/NĐ-CPbảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện bao gồm 02 chế độ:

(i) Giám định mức suy giảm khả năng lao động.

(ii) Trợ cấp tai nạn lao động.

Theo đó, từ năm 2025, người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động tham gia bảo hiểm xã hội tai nạn lao động tự nguyện sẽ được hưởng các chế độ tai nạn lao động nêu trên.

>> Xem chi tiết tại bài viết: Mới Nghị định 143 năm 2024: 02 chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện

4. Điều kiện hưởng bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện theo Nghị định 143 năm 2024

Căn cứ Điều 5 Nghị định 143/2024/NĐ-CPđiều kiện hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện bao gồm:

(i) Đang tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện.

(ii) Bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do tai nạn lao động xảy ra trong thời gian tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện.

(iii) Không thuộc các trường hợp tai nạn lao động xảy ra do một trong các nguyên nhân sau:

- Mâu thuẫn của chính nạn nhân với người gây ra tai nạn mà không liên quan đến công việc, nhiệm vụ lao động.

- Người lao động cố ý tự hủy hoại sức khỏe của bản thân.

- Sử dụng chất ma tuý, chất gây nghiện trái quy định của pháp luật.

H. Thủy (Nguồn: https://thuvienphapluat.vn/)