THCL Nền tảng chiến lược quan hệ đối ngoại của nhà nước Mỹ đối với nước Nga vẫn chưa thay đổi, vẫn coi nước Nga thời hậu Xô viết là kẻ thù...
Nga đứng ngoài hội nghị liên minh chống khủng bố IS
Theo tin từ Russia Today cho biết, một cuộc họp cấp cao của 68 quốc gia do liên minh chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) do Mỹ đứng đầu sẽ được Washington tổ chức trong hai ngày 22 và 23/3.
Theo dự kiến thì Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson sẽ gặp gỡ các đại biểu đến từ các thành viên khác của liên minh 68 nước chống IS tại hội nghị quan trọng này.
Cuộc họp ở Washington là cuộc gặp gỡ có quy mô lớn nhất kể từ tháng 12/2014, sau khi liên minh chống IS do Mỹ đứng đầu được thành lập. Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ, hội nghị lần này có ý nghĩa đẩy mạnh các nỗ lực quốc tế nhằm để đánh bại IS ở các khu vực chúng còn chiếm đóng tại Iraq và Syria, cùng với đó là tối đa hóa áp lực lên mạng lưới của chúng.
"Các đồng chủ trì của liên minh sẽ gặp nhau để thống nhất trên tất cả các khía cạnh, từ quân sự, tài chính, kết nối thông tin, đến tuyển mộ người nước ngoài của IS. Tôi có thể nhận định rằng quân đội và chính phủ các quốc gia sẽ phối hợp tốt trong tất cả các khía cạnh của cuộc chiến chống IS”, người phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Turner cho biết.
Ngay cả trong mặt trận chống khủng bố IS, Mỹ - Nga vẫn bằng mặt mà không bằng lòng
Tuy nhiên, hai quốc gia được cho là đã có rất nhiều đóng góp tích cực trong cuộc chiến chống IS thời gian qua tại Trung Đông, đặc biệt tại Syria – một trong hai sào huyệt của IS - là Nga và Iran thì lại không có mặt trong hội nghị quan trọng này.
Washington cho biết Nga không tham gia hội nghị vì họ không phải là thành viên của liên minh 68 quốc gia do Mỹ làm chủ xị.
Chính quyền Trump chưa có niềm tin ở Kremlin?
Cần nhắc lại rằng, nội dung cuộc điện đàm đầu tiên giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Putin hầu như chỉ tập trung và xoay quanh cuộc chiến chống khủng bố, điều đó khiến cho dư luận hết sức bất ngờ và cũng chính vì vậy mà giới phân tích cho rằng Washington – Moscow sẽ nhanh chóng hợp tác với nhau trong mặt trận này và ngày tàn của IS có thể được báo trước.
Cùng với đó, Moscow cũng đã mời Washington tham gia hoà đàm Astana nhằm tìm ra giải pháp khả dĩ có thể mang lại hoà bình cho Syria, trong đó có vấn đề tấn công lực lượng khủng bố IS. Nghĩa là trong nước đi quan trọng nhất để kiến tạo một ván cờ mới, thậm chí một bàn cờ mới tại Trung Đông, Moscow đã chìa tay ra với Washington.
Vậy mà nay Washington lại để Moscow ngồi ngoài một hội nghị quan trọng của một liên minh hùng hậu chống khủng bố quốc tế.
Việc Tehran vắng mặt trong hội nghị này có thể lý giải được vì quan hệ Mỹ - Iran chưa thể đạt đến giai đoạn có thể hợp tác, dù trong bất cứ trường hợp nào, song với Moscow thì vấn đề hoàn toàn khác và chỉ có thể lý giải là thiếu niềm tin.
Tại sao chính quyền Trump lại chưa có niềm tin với Kremlin?
Trước hết, có thể thấy nền tảng chiến lược trong quan hệ đối ngoại của nhà nước Mỹ đối với nước Nga vẫn chưa hề thay đổi, việc đặt nước Nga thời hậu Xô viết ở phía đối nghịch vẫn luôn được duy trì. Cho dù cách hành xử đó được xem là sai lầm của Mỹ và đồng minh trong hơn 1/4 thế kỷ qua, như nhận định của ông John Sawers, cựu lãnh đạo Cơ quan Tình báo Hoàng gia Anh (MI6) hay ông Paul Pillar, cựu sĩ quan cao cấp của Cơ quan Trung ương Tình báo Mỹ (CIA), theo CNN.
Kremlin đã nhận diện được điều ấy và - như Bloomberg bình luận - Tổng thống Putin không ngây thơ để tin rằng sẽ có một chính quyền Mỹ thân thiện với Nga dưới thời chính quyền Tổng thống Trump. Vì vậy mục đích các nước đi của Putin là cân bằng vị thế của nước Nga trước đối thủ - điều đó khiến đối phương xem Moscow muốn thách thức hơn là muốn hợp tác.
Như vậy, cả Nhà Trắng và Kremlin đều xem “phía bên kia” không thể “cùng chiến hào, chung chiến tuyến”. Bởi thế việc Moscow mời Washington tham gia hoà đàm Astana có thể bị xem là Nga muốn hạ thấp vị thế của Mỹ hơn là muốn “bàn bạc nghiêm chỉnh”, vì vậy Washington lại quả Moscow bằng việc không mời Nga tham gia hội nghị liên minh 68 nước chống IS.
Washington tự tin chiến thắng IS mà không cần hợp tác với Moscow?
Cuộc họp của liên minh chống khủng bố 68 nước ở Washington lần này được tổ chức sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu Lầu Năm Góc, Hội đồng Tham mưu và các cơ quan hoạch định chiến lược an ninh và quân sự khác của Mỹ phối hợp soạn thảo một kế hoạch đánh bại IS. Và dường như trong kế hoạch đó không có nội dung Mỹ kết hợp với Nga tấn công IS.
Bởi theo giải thích của Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis thì lúc này chưa phải thời điểm hợp tác với Nga và có thể vì vậy mà Washington để Nga ngồi ngoài hội nghị liên minh 68 nước chống IS.
Trước sự kiện này, Bộ Ngoại giao Nga cho rằng liên minh chống khủng bố 68 nước là tổ chức Nga không tham gia, do vậy việc Moscow không có mặt tại hội nghị là bình thường.
Tuy nhiên, Thượng nghị sĩ Aleksey Pushkov, thành viên Ủy ban An ninh và Quốc phòng của Thượng viện Nga thì thể hiện một quan điểm khác : "68 thành viên một liên minh của phương Tây thảo luận về cuộc chiến chống IS mà không có Nga, thì dù họ có thể gặp gỡ và trao đổi với nhau, song họ không thể giành chiến thắng trong cuộc chiến ấy nếu thiếu Nga”, theo RT.
Sau việc chủ động bổ sung quân tại Iraq và Syria, mà được cho là chuẩn bị tấn công Raqqa – thành trị của IS tại Syria, nay đến việc để Moscow vắng mặt trong một hội nghị quan trọng của liên minh quốc tế chống khủng bố IS, dường như Washington không đánh giá cao, thậm chí không ghi nhận thành quả các cuộc tấn công IS của Nga tại Syria.
Điều đó có thể được lý giải bởi Moscow can thiệp vào Syria được cho là nhằm giúp đỡ chính quyền của Tổng thống Assad trước nguy cơ sụp đổ hơn là vì tấn công lực lượng IS, mặt khác quân đội Nga không thể tìm ra những kẻ khủng bố trà trộn trong thành phần đối lập ôn hoà nên Moscow đã chọn “đánh nhầm còn hơn bỏ sót” đối với phe đối lập tại Syria.
Dường như ngày tàn của IS chưa được những người muốn tiêu diệt chúng định đoạt
Mỹ chưa muốn tiêu diệt IS?
Mặc dù theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ, hội nghị liên minh 68 nước được tổ chức tại Washington lần này có ý nghĩa đẩy mạnh các nỗ lực quốc tế nhằm để đánh bại IS ở các khu vực chúng còn chiếm đóng tại Iraq và Syria, cùng với đó là tối đa hóa áp lực lên mạng lưới của chúng, song dường như Washington vẫn chưa quyết tâm tiêu diệt IS.
Ngày 11/12/2016, The Telegraph của Anh từng bình luận rằng, việc tiêu diệt lực lượng IS không phải nằm ngoài khả năng của các nước phương Tây, song dường như tổ chức khủng bố này không đối diện với nguy cơ bị xoá sổ. “Phương Tây có thể giết chết những kẻ khủng bố nhưng liệu IS có bị chôn xuống huyệt sâu hay không thì chưa thể khẳng định, cần phải chờ”.
Từ quan điểm của tờ báo Anh, có thể nhận diện IS chưa thể bị tận diệt và sự tồn tại của chúng là nằm trong tính toán của lực lượng chống khủng bố quốc tế - IS đã trở thành con bài chính trị nguy hiểm.
Việc IS có thể tháo chạy từ Mosul ở Iraq về Syria củng cố lực lượng và tái chiếm Palmyra được nhiều người cho rằng đó là “sự tháo chạy được tạo điều kiện”.
Việc phương Tây không kết hợp với Nga – theo lời kêu gọi của Tổng thống Putin trong Thông điệp Liên bang năm 2016 - thành lập một mặt trận chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế, sử dụng lá cờ của Liên Hợp Quốc để tấn công tiêu diệt IS, điều đó khiến giới phân tích hoài nghi phía sau đó là một sự tính toá thiệt hơn trong việc tiêu diệt IS và chủ nghĩa khủng bố quốc tế.
Nay Washington lại để Moscow đứng ngoài một hội nghị được xem là mang tính bản lề cho cuộc chiến chống khủng bố, trong khi họ thừa biết cuộc chiến khốc liệt này không thể có kết quả cuối cùng nếu thiếu Moscow – với vai trò là đạo diễn ván cờ Syria và – và Putin với vai trò chủ chốt tại Trung Đông, như nhận định của vị Thượng nghị sĩ nổi tiếng chống Nga, John McCain, điều đó khiến hoài nghi của dư luận là có cơ sở.
Ngọc Việt - Baodatviet