Nhiệm kỳ 2015-2020, quán triệt quan điểm xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, Đảng bộ huyện Tam Dương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tiến hành công tác xây dựng Đảng toàn diện, đồng bộ trên tất cả các mặt: Chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, tạo sự chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên.

Việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã tạo sự chuyển biến trong giáo dục, rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức trách nhiệm phục vụ nhân dân của Đảng viên trong toàn Đảng bộ nhằm xây dựng tổ chức, cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh.

Công tác đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở Đảng, đảng viên có đổi mới, có tính chiến đấu và xây dựng hơn. Tỷ lệ tổ chức cơ sở Đảng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đạt trên 42%, không có tổ chức cơ sở đảng yếu kém; số đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt 86%.

Huyện Tam Dương đạt được nhiều thành tựu phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.Huyện Tam Dương đạt được nhiều thành tựu phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Trong 5 năm toàn huyện đã kết nạp 764 đảng viên, trong đó tỷ lệ nữ chiếm 55,1%; chất lượng đảng viên được nâng lên rõ rệt, số đảng viên có trình độ đại học trở lên chiếm 46,6% đảng viên mới được kết nạp.

Trên cơ sở Nghị quyết số 18,19-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII), Đề án số 01-ĐA/TU ngày 30/11/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Huyện ủy đã tập trung quán triệt, xây dựng kế hoạch, đề án để triển khai thực hiện một cách đồng bộ, đúng lộ trình.

Huyện đã hoàn thành việc sáp nhập, sắp xếp bộ máy và đã giảm được 01 đầu mối phòng chuyên môn thuộc UBND huyện và 05 đầu mối đơn vị sự nghiệp thuộc huyện; Đã thực hiện giải thể các chi bộ cơ quan, chi bộ quân sự trực thuộc Đảng ủy xã, thị trấn; sáp nhập giảm 15 thôn, tổ dân phố, giảm 05 trường học; thực hiện tinh giản 219 biên chế, 100% số đơn vị cấp xã và thôn hoàn thành việc sắp xếp và tinh giản số lượng người không chuyên trách theo quy định. Sau khi sáp nhập, các cơ quan, đơn vị không bị xáo trộn, hoạt động hiệu quả hơn, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và người hoạt động không chuyên trách được nâng lên rõ rệt.

Bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác xây dựng Đảng, “bức tranh” kinh tế của huyện cũng có những khởi sắc. Kinh tế có bước phát triển khá, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất được duy trì. Cơ cấu kinh tế theo ngành và lĩnh vực tiếp tục chuyển dịch đúng hướng. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn bình quân đạt 287 tỷ đồng, vượt mục tiêu Đại hội đề ra (200 tỷ đồng/năm), gấp hơn 1,4 lần so với giai đoạn 2010-2015. Tổng thu ngân sách Nhà nước giai đoạn 2015-2020 ước bình quân đạt 1.012 tỷ đồng/năm. Tổng chi ngân sách địa phương trong 5 năm ước bình quân đạt 845 tỷ đồng/năm.

Công tác lập quy hoạch và quản lý quy hoạch được quan tâm chỉ đạo, chú trọng xây dựng quy hoạch đi trước một bước vừa tạo môi trường thu hút đầu tư, vừa làm cơ sở nâng cao hiệu quả công tác quản lý đầu tư và xây dựng. UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch nhiều công trình, dự án quan trọng để phát triển hạ tầng công nghiệp, đô thị, khu dân cư, dịch vụ… đáp ứng nhu cầu phát triển. Hiện, huyện có 01 thị trấn, 02 xã được công nhận là đô thị loại V; hoàn thiện quy hoạch Cụm công nghiệp Hợp Thịnh, Cụm công nghiệp Hoàng Lâu để thúc đẩy phát triển công nghiệp trên địa bàn huyện.

Hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị, giáo dục được tập trung đầu tư. Tổng vốn đầu tư phát triển xã hội của huyện đạt 6.856,2 tỷ đồng, tăng 64,7% so với giai đoạn 2011-2015. Nhiều công trình trọng điểm của huyện theo chương trình khung đô thị Vĩnh Phúc đã từng bước được hoàn thiện, đưa vào sử dụng. Một số công trình đang tiếp tục triển khai đầu tư góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã  hội.

Xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm thực hiện và thực chất hơn. Việc huy động và sử dụng các nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn, xây dựng cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất ngày càng hợp lý và hiệu quả hơn, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và nâng cao đời sống người dân.

Giai đoạn 2015-2020, huyện đã hoàn thành xây dựng 5 xã còn lại đạt xã nông thôn mới với tổng số vốn đầu tư đạt 458,5 tỷ đồng. Đến nay, toàn huyện đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới ở cả 12/12 xã và hoàn thành 9/9 tiêu chí của huyện nông thôn mới.

Nhờ việc thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, đẩy mạnh các hoạt động từ thiện nhân đạo, làm tốt công tác giải quyết việc làm, giảm nghèo, thực hiện chính sách tôn giáo, chăm sóc người có công, đảm bảo an sinh xã hội đã khiến số hộ nghèo trong huyện giảm từ 5,54% xuống còn 0,96%, vượt mục tiêu Đại hội đề ra.

Sự nghiệp giáo dục và đào tạo từng bước được đổi mới, cơ sở vật chất trang thiết bị dạy và học trường, lớp học được quan tâm đầu tư theo hướng chuẩn hóa. Đến nay, toàn huyện có 100% trường học đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 05 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ II, tăng 6 trường chuẩn quốc gia và 4 trường chuẩn quốc gia mức độ II so với đầu nhiệm kỳ. Tỷ lệ kiên cố hóa phòng học của huyện đạt 96,3%, tăng 121 phòng so với đầu nhiệm kỳ. Chất lượng đội ngũ giáo viên được nâng lên, tỷ lệ giáo viên trên chuẩn về đào tạo đạt tỷ lệ cao. Ngành Giáo dục có nhiều nỗ lực duy trì sự phát triển ổn định về chất lượng học sinh giỏi, chất lượng giáo dục đại trà ở vị trí khá trong tỉnh. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở vào các trường Trung học phổ thông và trường nghề đạt tỷ lệ bình quân trên 96,46%/năm.

Quốc phòng được củng cố, an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội đảm bảo, tạo môi trường ổn định thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Đảng bộ thành phố đã tập trung xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân, gắn với thế trận an ninh nhân dân. Chính quyền các cấp đảm bảo thường xuyên được củng cố, năng lực quản lý, điều hành tiếp tục được nâng lên. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội có nhiều đổi mới, tiến bộ theo hướng sát dân, sát cơ sở.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, trong nhiệm kỳ qua còn bộc lộ một số hạn chế, yếu kém cần rút kinh nghiệm. Qua tổng kết và từ thực tiễn công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong nhiệm kỳ qua, Đảng bộ huyện Tam Dương đã rút ra một số bài học kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng cho nhiệm kỳ sau, đó là:

Một là, đặc biệt coi trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, xem trọng việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tăng cường, kỷ luật, kỷ cương trong Đảng. Quyết liệt, kiên trì trong đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, nhất là trong phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng Đảng; xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát của cấp ủy có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp tình hình thực tế của huyện để tạo chuyển biến có tính đột phá. Vai trò lãnh đạo của Đảng, trách nhiệm của các cấp ủy, người đứng đầu là nhân tố quyết định thành công.

Hai là, bảo đảm sự đoàn kết, thống nhất trong cấp ủy, thường vụ, thường trực cấp ủy trên cơ sở thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ; tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách và trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và thủ trưởng cơ quan, đơn vị thực sự là tấm gương để cán bộ, đảng viên và Nhân dân noi theo. Xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực, phẩm chất, đạo đức để lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Ba là, trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, phải xác định rõ các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm trong từng bối cảnh, điều kiện và thời điểm cụ thể để đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo thực hiện thích hợp; đồng thời vận dụng linh hoạt, sáng tạo các chủ trương, cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương, huy động và khai thác có hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhất là xây dựng hạ tầng gắn với các lĩnh vực đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Bốn là, phải coi trọng mục tiêu phát triển nhanh và phát triển bền vững, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ nhưng luôn chú trọng phát triển nông nghiệp, nông thôn; gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa; cải thiện, nâng cao đời sống Nhân dân và gìn giữ, bảo vệ, cải thiện môi trường; giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội nổi cộm phát sinh trong quá trình phát triển kinh tế.

Năm là, bảo đảm ổn định xã hội là yếu tố quan trọng tạo điều kiện cho phát triển kinh tế. Để đạt mục tiêu đó phải thực hiện tốt các giải pháp đồng bộ ngay từ cơ sở, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; chăm lo đời sống, thực hiện quy chế dân chủ và trách nhiệm phục vụ nhân dân. Đổi mới hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội theo hướng sát cơ sở, tham gia giải quyết các vấn đề bức xúc của địa phương, chăm lo, bảo vệ quyền lợi thiết thực, cụ thể chính đáng của đoàn viên, hội viên. Phát huy sức mạnh của toàn dân quyền làm chủ thực sự của Nhân dân; tạo điều kiện để người dân tham gia giám sát đối với việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; tăng cường sự đồng thuận xã hội.

Với những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ qua và những bài học kinh nghiệm rút ra sau nhiệm kỳ đại hội 2015-2020, trong nhiệm kỳ mới, Đảng bộ và nhân dân huyện Tam Dương sẽ quyết tâm thi đua phấn đấu, phát huy dân chủ, đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để Tam Dương phát triển toàn diện, bền vững, phấn đấu đến năm 2030 là huyện công nghiệp.

                                                                                         Nguyễn Thanh Quang (Bí thư Huyện ủy Tam Dương)