Mục tiêu tăng tưởng 6,5% cho năm 2023 khó đạt được. Dự báo năm 2024 sẽ khả quan, vậy các chuyên gia kinh tế phân tích gì về nguyên nhân?
PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định: “Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên tăng xuất khẩu, thậm chí tăng nhập khẩu, sẽ có ý nghĩa với tăng trưởng. Tăng cường đầu tư công cũng là giải pháp cần nhấn mạnh bởi đà giải ngân đang tốt, dư địa còn lớn. Trong khi đó, thị trường nội địa đang suy yếu nên việc kích thích thị trường này có thể tạo lực đẩy cho tăng trưởng chung. Quan trọng hơn, thị trường nội địa cũng ảnh hưởng trực tiếp tới khu vực doanh nghiệp trong nước nên kích thích thương mại trong nước sẽ hỗ trợ doanh nghiệp nội, khi đó cùng với tăng cường đầu tư công sẽ tạo nền tảng vững chắc hơn cho kinh tế Việt Nam”.
GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, năm 2024, dù còn những khó khăn, thách thức, vẫn có nhiều cơ sở để kỳ vọng tăng trưởng GDP đạt 6 - 6,5%, song cần tháo gỡ một số rào cản để đạt được mục tiêu này.
“Trước hết, về mặt thể chế, phải tiếp tục quyết liệt hoàn thiện, tháo gỡ những ‘nút thắt’ để khơi thông nguồn lực trong nước cũng như nắm bắt nhanh những cơ hội đầu tư mới từ nước ngoài. Cần thêm các chính sách mới, như tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và tiêu dùng, tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) cũng như các chính sách hỗ trợ khác theo chu kỳ tài khóa ngược để tiêu dùng tăng, doanh nghiệp có điều kiện phục hồi sản xuất kinh doanh. Việt Nam cần nắm bắt nhanh cơ hội tại các thị trường mới để mở rộng mạng lưới tiêu thụ. Cùng với đó là tái cấu trúc doanh nghiệp”, GS.TS Hoàng Văn Cường đề xuất.
Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế từ nay đến hết năm 2023 và tầm nhìn năm 2024 -2025, nhiều chuyên gia cho rằng: Việt Nam cần tập trung tháo gỡ điểm nghẽn về vốn, cơ chế chính sách để khơi thông nguồn vốn cho doanh nghiệp. Tập trung xây dựng hành lang pháp lý về chuyển đổi xanh với những cơ chế rõ ràng để doanh nghiệp hoạt động và từng bước chuyển đổi; tăng cường xuất khẩu, khai thác thị trường mới và nâng cao chất lượng sản phẩm; tiếp tục kích cầu tiêu dùng nội địa; đẩy mạnh phục hồi và phát triển du lịch, đặc biệt là ở những thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng vì đây là ngành công nghiệp chủ lực để lan tỏa đến các ngành khác.
Ngoài ra, phải đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để góp phần kích thích nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ hơn; tiếp tục thúc đẩy thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), đón làn sóng chuyển dịch đầu tư nhằm đóng góp vào nền kinh tế, giải quyết việc làm, tạo cảm hứng phát triển.
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân phân tích: Vấn đề quan trọng đối với doanh nghiệp lúc này là phải phục hồi sức khỏe mới có thể hấp thụ vốn hiệu quả. Nhóm chính sách trước mắt chúng tôi kiến nghị là giảm áp lực dòng tiền và giúp doanh nghiệp tối ưu dòng tiền của chính họ.
Các phần chi phí khác như chi phí lãi vay, chi phí thuế - phí, chi phí bảo hiểm xã hội, kinh phí công đoàn 2% quỹ lương... nằm trong không gian chính sách của Nhà nước. Do đó, Chính phủ có thể thực hiện các chính sách giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn hiệu quả; giãn, giảm chi phí, tạo dòng tiền ngắn hạn ít nhất trong nửa cuối năm 2023 (hoặc nửa đầu năm 2024, tùy độ trễ của chính sách).
Để thực hiện hiệu quả các biện pháp này, cần có cách tiếp cận vừa tổng thể về hỗ trợ doanh nghiệp vừa phải phân tích bài toán theo từng ngành, lĩnh vực cụ thể. Lãi suất thực vay phải giảm thực sự để hỗ trợ doanh nghiệp vì lãi suất cho vay hiện tại dù đã giảm, nhưng vẫn còn ở mức cao so với các nước; đồng thời, các ngân hàng thương mại cần nhìn vào khả năng trả nợ tương lai của doanh nghiệp để tăng cơ hội tiếp cận tín dụng chứ không chỉ nhìn vào tài sản thế chấp.
Theo bà Phạm Thị Ngọc Thủy thì, chính phủ nên áp dụng các chính sách tài khóa nghịch chu kỳ để thúc đẩy tổng cầu, bao gồm các khía cạnh: Đẩy mạnh đầu tư công, tập trung vào các cơ sở hạ tầng lớn, vừa để hỗ trợ các doanh nghiệp, vừa nâng cao năng lực của quốc gia. Chú trọng phát triển nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu rất lớn của người lao động và hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng, bất động sản, vật liệu xây dựng...; xem xét các giải pháp giãn/giảm áp lực thuế và chi phí khác, tạo dòng tiền ngắn hạn cho doanh nghiệp. Các chương trình xúc tiến thương mại, đầu tư, mở rộng thị trường mới cũng cần đặc biệt quan tâm ở giai đoạn này.
Nhưng cần lưu ý, hiện các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam ngày càng thiết lập các quy định, tiêu chuẩn khắt khe hơn đối với hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt liên quan đến xu hướng xanh hóa, giảm phát thải. Bởi vậy cần đặc biệt quan tâm các giải pháp thúc đẩy và hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh. Cần phát huy thực chất vai trò của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các địa phương.
Hải Dương (t/h)