Chính sách tiền tệ thắt chặt đã gây thiệt hại nặng nề hơn dự kiến. Nhu cầu từ bên ngoài cũng yếu hơn. Các chỉ số kinh doanh và dữ liệu khảo sát mới nhất trong tháng 10 vừa qua cho thấy hoạt động kinh tế sẽ trầm lắng trong quý IV năm nay.

Ảnh VOV.vn
Xu hướng tăng trưởng yếu của kinh tế Châu Âu sẽ tiếp tục trong năm 2024. Ảnh VOV.vn

Theo Dự báo kinh tế mùa thu của Ủy ban Châu Âu, GDP của EU được dự đoán sẽ tăng 1,3% vào năm 2024, thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra vào mùa hè vừa qua. Nền kinh tế khu vực đồng Euro dự kiến sẽ tăng trưởng 1,2% trong năm tới. Vào năm 2025, Ủy ban dự kiến mức tăng trưởng của EU là 1,7%, mức tăng trưởng của khu vực đồng Euro là 1,6%.

Uỷ viên Ủy ban Châu Âu, ông Paolo Gentiloni, cho biết: “Xu hướng tăng trưởng yếu sẽ tiếp tục trong năm 2024. Tuy nhiên, phục hồi tăng trưởng nhẹ vẫn được kỳ vọng sẽ diễn ra khi lạm phát sẽ giảm nhẹ và thị trường việc làm giữ vững mạnh mẽ”.

Ủy ban Châu Âu cũng nhận định, lạm phát vẫn có xu hướng giảm vào năm sau. Lạm phát chung ở khu vực đồng Euro được dự đoán sẽ giảm từ 5,6% vào năm 2023 xuống 3,2% vào năm 2024 và 2,2% vào năm 2025. Trên toàn khối EU, tỷ lệ lạm phát vào năm 2023 sẽ là 6,5% và dự kiến sẽ giảm xuống 3,5% vào năm 2024, 2,4% vào năm 2025. Tác động chính khiến lạm phát giảm là giá năng lượng giảm.

Hiện tại, xu hướng giảm giá này đã lan rộng sang tất cả sản phẩm tiêu dùng chính. Chính sách thắt chặt tiền tệ sẽ tiếp tục được thực hiện nhằm kiềm chế lạm phát, dù mức độ thắt chặt sẽ ở mức vừa phải hơn.

ảnh internet.
Xu hướng tăng trưởng yếu của kinh tế Châu Âu sẽ tiếp tục trong năm 2024. Ảnh internet.

Bà Maria Demertzis, nhà nghiên cứu viên cao cấp tại tổ chức tư vấn độc lập Bruegel cho biết: “Khi đến siêu thị, người tiêu dùng thấy giá cả vẫn còn ở mức rất cao. Mọi người sẽ kết luận rằng lạm phát vẫn ở mức cao. Nhưng thật ra, nếu nhìn vào những con số, lạm phát đang giảm. Vì giá năng lượng bắt đầu giảm vào năm ngoái. Giá thực phẩm cũng đang giảm, dù tốc độ giảm vẫn còn chậm”.

Dự báo kinh tế mùa thu của Ủy ban Châu Âu cũng chỉ ra những rào cản kinh tế trong năm 2024. Đức vẫn được xem là động lực phát triển của EU. Các ngành công nghiệp nặng sử dụng nhiều năng lượng của Đức phụ thuộc vào nhu cầu tăng trưởng bên ngoài, khiến nước này không có sự chuẩn bị tốt cho những thay đổi về giá năng lượng đắt đỏ và căng thẳng thương mại. Nếu Đức không đạt mức tăng trưởng tốt trong năm sau, nền kinh tế EU cũng sẽ chịu tác động không nhỏ.

Sự sụt giảm dân số trong độ tuổi lao động ở Châu Âu khiến các công ty khó tuyển nhân sự trong tương lai. Thực tế này có khả năng thúc đẩy xu hướng tăng tiền lương và làm giảm năng suất.

EU vẫn đang tìm sự đồng thuận về một số vấn đề lớn như vai trò của người di cư trong việc giảm bớt tình trạng thiếu lao động, liệu có nên thành lập một liên minh ngân hàng và liệu có nên sử dụng chi tiêu tập trung để giải quyết các vấn đề trên toàn khối 27 quốc gia. Ủy ban Châu Âu cũng dự báo, sự phục hồi chậm của Trung Quốc có thể tác động mạnh hơn đến thị trường Châu Âu so với dự kiến.

Theo VOV/Reuters/Euronews