Theo đó, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị hải quan địa phương tăng cường thu thập thông tin, rà soát hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa nằm trong Danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (Danh mục CITES) trên địa bàn quản lý; đánh giá, phân tích thông tin để xác định các dấu hiệu rủi ro và các doanh nghiệp rủi ro cao về gian lận, chuyển tải bất hợp pháp.

Phối hợp chia sẻ thông tin với các đơn vị nghiệp vụ có liên quan để triển khai các biện pháp kiểm tra trong thông quan, kiểm tra sau thông quan và kiểm soát chống buôn lậu.

Liên quan đến kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc Danh mục CITES ngay trong những ngày đầu năm 2022, Cục Hải quan Đà Nẵng đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng khám xét lô hàng từ Nigeria về Cảng Tiên Sa Đà Nẵng, phát hiện số lượng lớn hàng hóa nghi là ngà voi và vảy tê tê.

Qua khám xét lực lượng chức năng đã phát hiện hơn 456 kg nghi là ngà voi và 6,2 tấn nghi là vảy tê tê thuộc Danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã quy định trong các phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES).

Tang vật hàng hóa nghi ngà voi và vảy tê tê thuộc Danh mục CITES do Hải quan Đà Nẵng chủ trì bắt giữ đầu năm 2022. Ảnh: Q.Sơn
Tang vật hàng hóa nghi ngà voi và vảy tê tê thuộc Danh mục CITES do Hải quan Đà Nẵng chủ trì bắt giữ đầu năm 2022. Ảnh: Q.Sơn.

Về điều kiện xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan cho biết, bên cạnh việc thực hiện các quy định về kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa thuộc đối tượng quản lý về kiểm dịch thực vật, kiểm dịch động vật, kiểm tra an toàn thực phẩm, căn cứ quy định của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (gọi tắt là Công ước CITES), Nghị định số 06/2019/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 84/2021/NĐ-CP ngày 22/9/2021 (có hiệu lực từ ngày 30/11/2021)) thì Giấy phép CITES được áp dụng trong trường hợp: “Xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển mẫu vật các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc các Phụ lục CITES"; “ Xuất khẩu mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm”.

Về kiểm tra Giấy phép CITES, công chức hải quan thực hiện kiểm tra Giấy phép CITES đảm bảo Giấy phép CITES phải được ghi đầy đủ thông tin (số giấy phép, ngày cấp phép, chủng loại (tên loài), số lượng, mục đích, trường hợp xuất khẩu hàng hóa đã nhập khẩu thì ghi rõ hàng xuất khẩu là hàng nhập khẩu của tờ khai hải quan nào trước đây); dán tem CITES hoặc mã hoá; ký và đóng dấu của Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam. Đồng thời, thông tin ghi trên giấy phép CITES thống nhất với thông tin ghi tờ khai hải quan.

Ngoài ra, cơ quan Hải quan chuyển luồng kiểm tra thực tế đối với các lô hàng thuộc danh mục CITES xuất khẩu có nguồn gốc từ hàng hóa nhập khẩu, đảm bảo hàng hóa xuất khẩu là hàng hóa đã được nhập khẩu trước đây.

Trường hợp qua kiểm tra thực tế nếu nghi ngờ lô hàng tái xuất không đúng Giấy phép CITES, không đúng lô hàng đã nhập khẩu thì tiến hành điều tra xác minh tại cơ quan, đơn vị có liên quan (Kiểm lâm, cơ quan quản lý CITES...).

Trường hợp phát hiện doanh nghiệp có hành vi vi phạm thì tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật.

Trường hợp vụ việc có dấu hiệu gian lận phức tạp thì phối hợp với các lực lượng chức năng khác như Công an, Biên phòng, Quản lý thị trường để điều tra, xác minh, làm rõ các dấu hiệu gian lận, chuyển tải bất hợp pháp.

  H.M