Góp ý cho Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi, nhiều chuyên gia cho rằng, việc đóng – hưởng BHXH thời gian qua còn nhiều bất cập, thiếu sót. Bên cạnh đó, việc tăng tuổi nghỉ hưu với mục đích chống vỡ quỹ BHXH cần phải được nghiên cứu kỹ theo điều kiện cụ thể của Việt Nam.
Còn bất hợp lý
Đánh giá về Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), ông Đặng Như Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội cho rằng, mỗi chế độ bảo hiểm có phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, tính chất, mục đích, yêu cầu, nguyên tắc, nội dung điều chỉnh hoàn toàn khác nhau nhưng lại được điều chỉnh chung trong một luật giống như Bộ luật là không hợp lý.
“Tính chất chia sẻ, cân đối quỹ bảo hiểm dài hạn (hưu trí, tử tuất, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp) khác với cân đối quỹ bảo hiểm ngắn hạn (ốm đau, thai sản, thất nghiệp), vì vậy không thể đặt các nguyên tắc chung về cân đối quỹ trong một luật”. Chưa kể, theo quy định hiện hành, chi phí, chế độ cho người lao động ốm đau, thai sản được điều chỉnh bởi luật BHYT và cả luật BHXH, vừa lãng phí, không hợp lý, quản lý khó khăn, không chặt chẽ, dễ bị lạm dụng lại không công bằng đối với người lao động.
Ông Đặng Như Lợi cũng đặt vấn đề, tại sao Hội đồng quản lý BHXH lại không có sự tham gia của đại diện người thụ hưởng? Trách nhiệm và xử lý trách nhiệm của Hội đồng quản lý BHXH ra sao? Vì sao luật BHXH sửa đổi lại phải tăng nhiều chức năng, quyền hạn của ngành Lao động thương binh và xã hội (LĐTB&XH)? Đối với BHXH dài hạn, việc chủ yếu tăng nghĩa vụ, giảm quyền lợi của người tham gia liệu có khả thi và được sự đồng tình, ủng hộ của người lao động không?
Theo ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thời gian qua cơ quan BHXH chưa giải quyết được quyền lợi của người lao động tại các doanh nghiệp nợ, chậm đóng và chiếm đoạt tiền đóng BHXH, BHYT của người lao động dẫn đến hậu quả là hàng trăm nghìn người lao động đang bị “mất trắng” quyền lợi hợp pháp về BHXH.
Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về BHXH, BHYT còn hạn chế, chỉ dừng lại ở xử lý vi phạm hành chính mà chưa có quy định về xử lý hình sự đối với các trường hợp chây ỳ, chiếm dụng tiền BHXH, BHYT của người lao động, làm cho tình trạng vi phạm pháp luật BHXH trở nên phức tạp, dây dưa, kéo dài.
Cần chia thành nhiều giai đoạn
Theo BHXH Việt Nam, những năm tới số người nghỉ hưu hưởng từ quỹ BHXH càng nhiều và tương lai gần, quỹ sẽ mất cân đối. Để đảm bảo quỹ BHXH hưu trí, tử tuất được cân đối bền vững, Bộ LĐTB&XH đã có một số đề xuất như quy định lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu lên mức nam, nữ đủ 62 tuổi, bắt đầu từ năm 2016 và 2020 tùy từng đối tượng (phương án 1); Sửa đổi điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu đối với người bị suy giảm khả năng lao động theo hướng nâng lên 5 tuổi so với quy định hiện hành; Tăng tỷ lệ giảm trừ do nghỉ hưu trước tuổi từ 1% lên 2% tương ứng với mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi...
Theo TS. Phạm Đỗ Nhật Tân, nguyên Vụ trưởng Vụ BHXH, điều này là cần thiết nhằm tạo sự bình đẳng giới, tránh lãng phí nguồn nhân lực đồng thời cải thiện tốt hơn quỹ hưu trí trong dài hạn. Song, theo điều chỉnh của Dự thảo Luật, tuổi nghỉ hưu của nữ sẽ là 62, tức là tăng 7 tuổi (theo phương án của Bộ LĐTB&XH ) hoặc tăng 10 tuổi (lên 65 tuổi, như đề xuất của cơ quan Dịch vụ tài chính và định phí bảo hiểm của Tổ chức Lao động Quốc tế - ILO FACTS), so với quy định hiện hành. TS. Phạm Đỗ Nhật Tân cho rằng, mặc dù quá trình điều chỉnh theo phương thức này diễn ra trong 21 năm (hoặc 14 năm như đề xuất của ILO), nhưng đây là sự thay đổi quá lớn khi lần đầu thực hiện việc tăng tuổi nghỉ hưu đối với lao động nữ ở nước ta.
Việc cải cách cần phải xem xét thêm tính khả thi khi thực hiện và quan tâm tới độ trễ cần thiết khi triển khai các nội dung này. Theo đó, việc điều chỉnh tăng tuổi, có thể nên chia 2 giai đoạn, giai đoạn đầu điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của nữ lên 58 tuổi và nam vẫn 60 tuổi, sau đó có sự đánh giá một cách đầy đủ để xác định tiếp thời gian và mức tuổi điều chỉnh đạt được như phương án 2 (nam là 62 và nữ là 60 tuổi) .
Ông Mai Đức Chính thì cho rằng, theo ý kiến của ILO để đảm bảo sự bền vững tài chính lâu dài thì việc nâng tuổi nghỉ hưu lên 65 và mức chi cho lương hưu giảm là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, chính sách BHXH nói chung và chế độ hưu trí nói riêng có một vị trí quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội, là vấn đề có liên quan trực tiếp đến quyền lợi của hàng triệu người lao động ở Việt Nam. Việc thực hiện ngay lập tức tất cả các khuyến nghị của ILO về BHXH là điều không thể đối với Việt Nam và việc thay đổi cùng lúc nhiều nội dung của chế độ hưu trí như dự thảo Luật BHXH sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người lao động nên cần phải được nghiên cứu, cân nhắc thấu đáo và có bước đi thích hợp.
Theo đó, ông Chính đề xuất, về tuổi nghỉ hưu, đề nghị trước mắt vẫn thực hiện theo hướng dẫn Điều 187 Bộ luật lao động 2012.
Theo BHXH Việt Nam, số dư quỹ tính đến cuối năm 2012 là gần 250.000 tỷ đồng, (kể cả dự tính ngân sách chuyển sang cho quỹ BHXH tiền đóng BHXH của đối tượng tham gia BHXH trước 1/10/1995). Theo kết quả tính toán, dự báo đến năm 2023 số thu bằng số chi và đến năm 2037, nếu không điều chỉnh chính sách hoặc không phát triển mạnh đối tượng, tăng thu hoặc giảm chi thì số thu BHXH trong năm và số tồn tích bắt đầu không đảm bảo khả năng chi trả.
Hiền Nguyễn