Theo thống kê của Viện Dược liệu hằng năm, tổng số dược liệu được sử dụng trong ngành y tế ở nước ta ước tính lên tới 100.0000 tấn, với tổng giá trị thị trường trên 400 triệu USD. Trong khi đó, theo WHO, có đến 80% dân số toàn cầu sử dụng thảo dược để chăm sóc sức khỏe ban đầu. Việc sử dụng thuốc, các sản phẩm từ dược liệu cũng là một xu hướng của thế giới hiện nay.

Việt Nam có hơn 5.117 loài và thứ dưới loài được sử dụng làm thuốc chữa bệnh và bồi bổ sức khỏe. Trong đó, hầu hết loài cây dược liệu quý, hiếm, có giá trị kinh tế cao đều phân bố trong các hệ sinh thái.

Hiện nay, thị trường tiêu thụ dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu ở trong nước cũng rất lớn. Tuy nhiên, khả năng cung cấp nguyên liệu làm dược liệu chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất cũng như nhu cầu sử dụng ở trong nước, một phần vẫn phải nhập khẩu từ nước ngoài.

Tỉnh Lào Cai có rất nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển sản xuất cây dược liệu, là một trong tám vùng trọng điểm về sản xuất cây dược liệu trên cả nước. Để khai thác tiềm năng thế mạnh này, cấp ủy, chính quyền các cấp đã và đang đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động người dân mở rộng diện tích trồng cây dược liệu gắn với chế biến sản phẩm theo quy mô công nghiệp. Từ đó góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nông dân cũng như doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Người dân vào rừng lấy cây dược liệu về trồng
Người dân vào rừng lấy cây dược liệu về trồng

Gia đình chị Lý Tả Mẩy xã Ngũ Chỉ Sơn thị xã Sa Pa đã tận dụng dưới tán rừng tự nhiên đã trồng được hơn 1 ha các cây dược liệu quý. Nhờ hợp thổ nhưỡng, khí hậu nên cây dược liệu phát triển tốt, chị Mẩy cũng được các cơ quan chức năng hướng dẫn, chăm sóc thu hoạch nên vườn dược liệu nhà chị có hàm lượng dưỡng chất cao cũng nhờ đó mang lại thu nhập cho gia đình chị gần 50 triệu/năm cho gia đình.

Trước kia gia đình tôi chỉ yếu là trồng và sản xuất nương lúa, nhưng sau khi có dự án của nhà nước gia đình tôi chuyển sang trồng và chăm sóc cây dược liệu của mình. Sau khi thu hoạch dược liệu của mình thì doanh nghiệp vào thu mua thì đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với việc mình làm nương rẫy, chị Mẩy chia sẻ.

Phát huy tiềm năng sẵn có, đến nay, tổng diện tích cây dược liệu chính trên địa bàn tỉnh đạt trên 3.550 ha (gồm nhóm cây như sa nhân tím, hồi, chè dây, tam thất, giảo cổ lam, atiso, đương quy, cát cánh, xuyên khung, chùa dù,…).

Tỉnh Lào Cai cũng đang từng bước hình thành vùng sản xuất dược liệu tập trung gắn với ứng dụng các biện pháp kỹ thuật. Hiện có 210 ha với 13 loại cây dược liệu trồng được Bộ Y tế đánh giá công nhận đạt các nguyên tắc, tiêu chuẩn thực hành tốt nuôi trồng, thu hái dược liệu và các nguyên tắc, tiêu chuẩn khai thác dược liệu tự nhiên GACP. Đây cũng là lợi thế để địa phương tập chung phát triển chuỗi giá trị nhằm tạo ra các sản phẩm đa dạng. Đồng thời thu hút các doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản suất chế biển các sản phẩm từ dược liệu.

Người dân chăm sóc vườn dược liệu
Người dân chăm sóc vườn dược liệu.

Bà Chảo Cói Mẩy xã Ngũ Chỉ Sơn thị xã Sa Pa cho biết; bây giờ thuốc rất là hiếm mình phải đi vào rừng xa nhất để lấy được cây thuốc nhỏ về trồng, phải giữ được cây thuốc đấy vất vả lắm. bây giờ mình phải giữ lại những loại cây thuốc đó để lưu giữ lại cho thế hệ mai sau.

Tỉnh Lào Cai luôn ưu tiên chính sách hỗ trợ vùng trồng cây dược liệu, ngành, nghề truyền thống, quảng bá, giới thiệu sản phẩm dược liệu có lợi thế gắn với thực hiện chương trình OCOP của tỉnh

Bên cạnh khai thác và phát triển, gắn các sản phẩm hàng hóa từ dược liệu thì  các sản phẩm dịch vụ về văn hóa và du lịch cũng được  quan tâm và phát triển du lịch gắn với các sản phẩm OCOP, tạo ra các sản phẩm chế biến sâu như thuốc dược liệu, thuốc y học cổ truyền, …phù hợp với nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng và hướng tới xuất khẩu.

Việc gắn kết sản phẩm dược liệu với du lịch và sản phẩm OCOP đã góp phần quan trọng trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, khai thác tiềm năng, lợi thế của từng địa phương. Hướng tới kinh tế dược liệu là hướng đi bền vững, góp phần khai thác hiệu quả và bảo tồn cây dược liệu bản địa có gia trị kinh tế cao, tạo sinh kế cho người dân vùng cao.

Đỗ Biên