Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

Tết Độc lập - Nhớ về cụ Hoàng Thị Minh Hồ – người ủng hộ Cách mạng 5.147 lượng vàng

Cụ Hoàng Thị Minh Hồ, người bạn đời nhà tư sản Trịnh Văn Bô - người đã ủng hộ Cách mạng 5.147 lượng vàng trong "Tuần lễ vàng" (năm 1945), ra đi đã gần 3 năm. Di sản lớn nhất cụ để lại cho mọi người đó là tinh thần dân tộc ngời sáng, sự cống hiến hết mình cho đất nước, lòng tin yêu cách mạng và Bác Hồ cao cả mà hiếm ai có được…

Vợ chồng cụ Trịnh Văn Bô, Hoàng Thị Minh Hồ (Ảnh tư liệu)Vợ chồng cụ Trịnh Văn Bô, Hoàng Thị Minh Hồ (Ảnh tư liệu)

Cảm tình với cách mạng

Một ngày thu năm đó, tôi đến thăm cụ Hoàng Thị Minh Hồ tại số 34 phố Hoàng Diệu (Ba Đình, Hà Nội).

Găp tôi, anh Trịnh Kiến Quốc - người con trai thứ của cụ đang chổng mặt lên cao, mải quét đám mạng nhện giằng rịt trên tường, cười hiền: “Nhà báo thông cảm cho sự luộm thuộm nhem nhuốc này nhé. Thật xấu hổ mỗi khi có khách đến thăm”.

Bà cụ (cụ Hoàng Thị Minh Hồ) mái đầu bạc trắng, phúc hậu. Cụ đang mải cắm cúi gảy bàn tính, ghi ghi chép chép - thói quen từ xưa khi còn buôn bán.

Anh Quốc bảo: “Nhờ đó giúp cho đầu óc cụ khỏe mạnh. Mẹ tôi ở tuổi này (ngoài 90 tuổi) vẫn minh mẫn”.

Cô chủ nhỏ dẫn tôi đi ngó qua cơ ngơi.

Thú thật, chưa bao giờ tôi có thể tưởng tượng nổi, rằng gia cảnh của một đại thương gia từng nổi danh - trở thành huyền thoại một thời lại tuềnh toàng đến thế. Toàn bộ khu nhà cũ kỹ, hoen ố, từ ngoài vào trong, tường, trần nham nhở, tróc lên từng mảng lớn (duy có gian phòng của cụ, được “ưu tiên” quét ve màu hồng). Trong nhà, các phòng đều trống rỗng, không có nấy một thứ gì đáng giá. Đồ vật cũng quá ư nghèo nàn.

Những đồ đạc cổ xưa, gắn liền với năm tháng dài cùng chủ nhân. Trên nóc chiếc tủ gỗ mang nhiều vết nứt của thời gian, đặt trang trọng 2 tấm Huân chương Độc lập hạng Nhất của cụ Trịnh Văn Bô và cụ Hoàng Thị Minh Hồ, Huy chương Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân, những tấm ảnh vô giá hồi năm 1945 cùng Bằng Doanh nhân tiêu biểu. Cụ vẫn ngủ trên chiếc giường cưới - đã 80 năm tuổi. Đối diện là chiếc giường gỗ mít thời kháng chiến tản cư ở Phú Thọ mang về. Chiếc bàn tròn, có nó từ khi về lại Thủ đô…

- Gia đình vẫn dùng toàn những đồ cũ?

- Bà nội cháu bảo những đồ này dùng vẫn tốt. Với lại, chúng để lại nhiều kỷ niệm…

Ngồi đối diện với cụ Hoàng Thị Minh Hồ, dẫu không biết “xem mặt mà bắt hình dong” nhưng tôi cũng nhận rõ, trên khuôn mặt bà cụ phúc hậu như đức quan thế âm kia còn đọng lại những nét “chấm phá” của thời gian, bụi trần. Đôi mắt rơm rớm, cụ đang xúc động.

Cụ nhớ về những tháng ngày đầy gian khó mà vinh quang không hổ thẹn năm xưa:

“Quá khứ của tôi, lắm nỗi truân chuyên, nhiều phen nhọc nhằn. Những năm 1930, trong lúc “nước sôi lửa bỏng”, tôi vẫn lao thân theo nghề buôn bán “nối nghiệp 4 đời”.

Được thừa kế một phần gia tài của cha mẹ, lại sẵn đầu óc khôn ngoan, tháo vát nên mặc dù trong hoàn cảnh ngặt nghèo, tôi vẫn tìm cách len lỏi, móc nối với nhiều chủ buôn lớn ở Hà Nội và một số nơi khác. Ban đầu, theo nghề hàng tấm, sau nhờ tích cóp được đồng vốn thì quay sang buôn tơ lụa, rồi thầu vải sập, bán buôn cho khách thập phương.

Có câu “cóc có gan cóc, kiến có gan kiến”. Nhờ vào những cái đòn bảy, cùng với khả năng nắm bắt, tính toán “rẻ thì mua chơi, đắt nghỉ ngơi đồng tiền” - sau thời gian lăn lộn trên thương trường, tôi trở thành một thương gia giàu có cỡ nhất nhì trong vùng. Không mấy ai mà không biết đến”.

- Được biết, ngày đó cụ đã không tiếc tiền của, ủng hộ cách mạng hơn 5.000 lạng vàng?

- Nói thế nào cho phải nhẽ đây? Ngày ấy và cho tới mãi sau này, nhiều người vẫn có suy nghĩ: "Tôi là nhà tư sản, giàu có thế thì trước sau cũng phải hiến tài sản thôi”. Cũng chả trách người đời nghĩ như thế, người ta chưa hiểu đó thôi. Cha tôi là nhà nho yêu nước, tham gia Đông Kinh nghĩa thục với cụ Cử Lương Văn Can - cụ đã gieo vào trong tôi lòng yêu nước từ thuở còn ấu thơ.

- Vậy cụ tham gia thương trường tự khi nào?

Giây lát, cụ lên tiếng:

“Lấy chồng, tôi theo nghề buôn từ năm 1932. Hơn chục năm bươn bả ngoài thương trường, vợ chồng đã gây dựng được một cơ ngơi lớn: Cửa hiệu giao dịch, buôn bán với nhiều nước như Pháp, Anh, Ấn Độ, Trung Quốc, Xiêm La, Ai Lao, Căm Bốt… tại số 48 phố Hàng Ngang; xưởng dệt ở Xã Đàn (nay là Nhà In Ngân hàng); biệt thự 34 Hoàng Diệu, căn nhà 24 Nguyễn Gia Thiều; căn nhà 72 Hoàng Hoa Thám...

Vốn liếng dồi dào, nhưng quan trọng hơn chính là thương hiệu. Đối với người kinh doanh thì thương hiệu là vô cùng quan trọng. Giờ đây, hội nhập toàn cầu, Nhà nước mình, báo chí mình mới nói đến “thương hiệu”, chứ chúng tôi thì đã coi trọng nó từ xa xưa”...

Sau phút trầm ngâm, cụ kể tiếp:

“Tôi thường làm từ thiện cứu giúp đồng bào. Từ năm 1944, vợ chồng tôi đã may mắn được Việt Minh bắt mối. Chúng tôi ủng hộ khẩu hiệu “Độc lập dân tộc” của Việt Minh. Thời bấy giờ, trong cảnh nước sôi lửa bỏng “Quốc gia lâm nguy, thất phu hữu trách” - hễ ai là người Việt Nam yêu nước thì đều mong muốn độc lập và đều hướng về Việt Minh, ủng hộ Việt Minh, ủng hộ Chính phủ Cụ Hồ.

 Tôi nghĩ, có độc lập thì mọi người sẽ có cuộc sống tốt đẹp và những thương gia theo Việt Minh như chúng tôi càng có điều kiện phát triển. Vì vậy, vợ chồng tôi đã dốc lòng, dốc sức đem tài sản ủng hộ Việt Minh mà không tiếc, không có một yêu cầu nào, điều kiện nào.

Tôi chỉ mong Việt Minh thành công. Mặt khác, qua thực tế làm giàu, chúng tôi rất tự tin vào năng lực của mình. Tôi lại nghĩ, cách mạng thành công, chúng tôi sẽ tiếp tục kinh doanh”.

Tác giả trong một lần trò chuyện với cụ Hoàng Thị Minh HồTác giả trong một lần trò chuyện với cụ Hoàng Thị Minh Hồ

Ủng hộ 5.147 lạng vàng…

Lau vội những giọt nước mắt vương trên má, cụ Hoàng Thị Minh Hồ chậm rãi - lời kể lúc tỏ lúc lắng như ru tôi về với những năm tháng xa lắc:

“Ngày đó, dân ta cực khổ. Tôi nhớ là khi tôi nuôi anh con đầu, cả tháng trời cũng chỉ dám tiêu hết có một đồng hai. Mà anh có biết bao nhiêu tiền một tạ gạo không? Chỉ có ba đồng/tạ. Nhiều tháng liền, cả gia đình chỉ ăn tiêu dè sẻn bằng ấy. Chính nhờ được cha mẹ dạy dỗ nên tôi hiểu rõ nỗi đau của người dân mất nước. Hồi ấy, Việt Minh nghèo lắm và tôi đã thường xuyên ủng hộ tiền.

Khi chúng ta giành được chính quyền, thì trong ngân khố chẳng có bao nhiêu. Thế nên mọi người đều tình nguyện quyên góp, vận động “Tuần lễ Vàng”, “Quỹ Độc lập”... Chính phủ và Bác Hồ phải đương đầu với vô vàn khó khăn, thử thách. Tôi đã tin Việt Minh, tin Chính phủ. Và tôi đã hết lòng ủng hộ Chính phủ”.

- Cụ có còn nhớ lần đầu tiên “mở gói” vàng ủng hộ Chính phủ là vào thời gian nào không? Tôi cắt ngang câu chuyện.

Cụ Bô chậm giãi:

“Tham gia Việt Minh năm 1944 thì đến tháng 4/1945, tôi đã ủng hộ liền một lúc 1 vạn đồng tiền Đông Dương. Từ tháng 4 đến tháng 8/1945, tôi đã ủng hộ tổng cộng 8 vạn 5 ngàn đồng Đông Dương.

Sau ngày tổng khởi nghĩa, gia đình tôi đã nuôi giấu Hồ Chủ tịch và các đồng chí Thường vụ Trung ương ngay tại nhà mình ở 48 phố Hàng Ngang. Tôi nói nuôi giấu là vì phải giữ bí mật, không để cho hàng phố biết. Lúc bấy giờ, địch vây bủa khắp nơi. Nhưng gia đình tôi đã không hề hoang mang, lo sợ. Đã biết tự bảo vệ và vẫn lo ăn, lo nơi ở kín đáo, an toàn cho lãnh tụ và cán bộ.

Hồ Chủ tịch đã ở số 48 Hàng Ngang 1 tháng 3 ngày (từ 24/8 - 27/9/1945). Chính tại đây, Người đã viết bản Tuyên ngôn độc lập bất hủ - khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Từ việc ăn uống, bảo vệ vòng ngoài, sắm sửa quần áo, thuốc thang cho đến những vật dụng cần thiết cho Chính phủ, tôi đều xuất tiền nhà lo chu tất.

Quỹ Độc lập, Tuần lễ Vàng... tôi cũng ủng hộ mấy trăm lạng vàng. Ngoài ra, bằng uy tín của mình, tôi đã vận động trong giới thương gia ủng hộ được hơn 1 triệu đồng Đông Dương (tương đương 2.500 lạng vàng).

Không phải chỉ nhằm vào những đợt phát động mà trong suốt thời gian dài, tôi là người duy nhất đứng ra lo tiền cho những công việc hệ trọng, từ mua sắm súng ống, đạn dược, thuốc men, quần áo cho đến việc tiếp các đoàn cán bộ từ các nơi về; chiêu đãi tiệc, ngoại giao... tôi đều đứng ra lo”…

- Vậy, tổng cộng cụ đã ủng hộ Chính phủ bao nhiêu lạng vàng?

Không chút nghĩ ngợi, cụ Bô nói:

- 5.147 lạng vàng! Tôi không nói ngoa. Thật rõ là “Trời không đóng cửa ai”! Nói sai thì trời phạt…

Ngay trong năm 1946, cụ Hoàng Thị Minh Hồ đã tham gia Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và trở thành một trong những người sáng lập Hội. Mãi tới năm 1976, cụ mới nghỉ. Từ năm 1971 - 1977, cụ là Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; cụ làm việc nhưng không hưởng lương.

Những người có tấm lòng vàng với cách mạng như cụ Hoàng Thị Minh Hồ - không phải là nhiều. Những câu chuyện cụ kể có hồn, chân thật và cụ thể đến từng chi tiết, nghe không thấy lẫn chỗ nào. Ngay cả chuyện mấy căn nhà, khi Chính phủ cần, cụ cũng cho Chính phủ mượn sử dụng.

Cụ bảo: “Chính phủ Cụ Hồ đã đem ánh sáng niềm tin và độc lập tự do cho hết thảy đồng bào ta. Mình là con dân nước Việt, phải biết lo nỗi lo chung, có trách nhiệm cùng nhau gánh vác, bảo vệ và xây dựng nước nhà”…

Tôi hỏi vui:

- Chẳng hay, cụ có còn để lại chút của hồi môn cho con cho cháu?

Cụ Hoàng Thị Minh Hồ buồn rầu:

- Tôi gần như trắng tay từ rất lâu rồi... Trong kháng chiến, chồng tôi ở Chiến khu Việt Bắc. Tôi tản cư mang theo mẹ già, con nhỏ chạy hết tỉnh này đến tỉnh khác để rồi cuối cùng đậu lại ở huyện Hạ Hòa (Phú Thọ). Tôi buôn chè, giấy, ngô, vải ta để nuôi mẹ chồng, nuôi con.

Hòa bình lập lại, tôi trở về Thủ đô. Thu gom lại được chút vốn liếng thì Chính phủ lại động viên đứng ra vận động các nhà tư sản khôi phục kinh tế; rồi đến cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh...

- Cụ không còn giữ lại được một cơ sở kinh doanh nào?

- Xí nghiệp Nam Thắng của tôi, nay người ta cổ phần hóa thành của người khác rồi. Mấy ngôi nhà thì Nhà nước mượn sử dụng. Tôi chẳng còn gì cả. Con cái đi học, đi bộ đội, đi làm cho Nhà nước. Các con tôi đều đã già. Con cả đã ngoài 70, con út cũng đã ngoài ngũ tuần, đều là cán bộ nhà nước cả. Đồ đạc thì như anh thấy đó. Đã hơn 7 năm tôi về sống tại ngôi nhà kỷ niệm này mà cũng còn chưa được hoàn toàn là của mình...

Cụ Hoàng Thị Minh Hồ lục ngăn tủ lấy ra tập văn bản, trong đó có Nghị quyết số 58/1998/NQ-UBTVQH (Khóa X) về “Giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập từ trước ngày 1/7/1991” và bảo:

“Theo như văn bản này thì gia đình tôi phải lấy lại được mấy căn nhà ngày trước cho mượn rồi, vì văn bản có hiệu lực từ trước tháng 1/1999. Đơn thư tôi cũng đã làm hàng chồng lớn gửi đi, chứ có phải bây giờ mới nghĩ tới đâu. Trước đây, vì cách mạng, tôi đã chẳng tiếc công sức, tiền bạc ủng hộ. Nhưng nay, con cháu phải sống chen chúc trong cùng một căn nhà, thân già này thấy buồn tủi”.

Thời gian không ngừng trôi. Thấm thoắt đã 75 mùa thu trôi qua, kể từ mùa Thu Độc lập đầu tiên...

Cũng có thể không còn nhiều người biết đến, hoặc chỉ nghe mơ hồ rằng, ở ngôi nhà số 34 phố Hoàng Diệu, có cụ Hoàng Thị Minh Hồ - người đã ủng hộ Chính phủ Cụ Hồ hơn 5.000 lạng vàng...

Ghi chép của Xuân Phong

Bài liên quan

Tin mới

Nghị định về chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ
Nghị định về chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ

Chính phủ ban hành Nghị định số 44/2024/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Lạng Sơn: Phân công, điều động, bổ nhiệm một số cán bộ chủ chốt
Lạng Sơn: Phân công, điều động, bổ nhiệm một số cán bộ chủ chốt

Chiều 26/4, Tỉnh ủy Lạng Sơn tổ chức hội nghị công bố các quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác cán bộ. Dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lạng Sơn, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn.

Tập đoàn An Phát Holdings ghi nhận lợi nhuận sau thuế trong quý I/2024 đạt 133 tỷ, cao nhất từ khi niêm yết
Tập đoàn An Phát Holdings ghi nhận lợi nhuận sau thuế trong quý I/2024 đạt 133 tỷ, cao nhất từ khi niêm yết

Quý I/2024, Tập đoàn An Phát Holdings ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 133 tỷ đồng. Đây cũng là quý có lợi nhuận sau thuế cao nhất kể từ khi niêm yết vào năm 2020.

Bắc Giang: Gặp mặt, tri ân các chiến sĩ Điện Biên
Bắc Giang: Gặp mặt, tri ân các chiến sĩ Điện Biên

Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5 (1954 - 2024), ngày 26/4, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Giang tổ chức gặp mặt, tri ân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong (TNXP), dân công hỏa tuyến (DCHT) trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.

ABBANK (ABB) đạt 178 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong quý I/2024
ABBANK (ABB) đạt 178 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong quý I/2024

Kết thúc quý I/2024, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK - mã chứng khoán ABB) ghi nhận tăng mạnh số lượng giao dịch qua kênh ngân hàng số, tổng huy động và dư nợ tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2023.

Tập đoàn Bảo Việt (BVH): Lợi nhuận hợp nhất quý I/2024 tăng trưởng 13%
Tập đoàn Bảo Việt (BVH): Lợi nhuận hợp nhất quý I/2024 tăng trưởng 13%

Tập đoàn Bảo Việt công bố kết quả kinh doanh quý I năm 2024 (trước soát xét), theo đó Công ty Mẹ và các đơn vị thành viên ghi nhận mức tăng trưởng khả quan với lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 617 tỷ đồng, tăng trưởng 13%; Tổng doanh thu hợp nhất đạt 14.066 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm 2023.