Phát biểu tại Hội nghị Công bố Quy hoạch, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, Nguyễn Khắc Thận khẳng định, nội dung Quy hoạch bảo đảm chất lượng, có tầm nhìn chiến lược, đã cụ thể hóa khát vọng phát triển. Đó là phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực và yếu tố con người để đưa Thái Bình phát triển nhanh, toàn diện và bền vững với mục tiêu đến năm 2030 sẽ trở thành địa phương thuộc nhóm phát triển khá và là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng Đồng bằng sông Hồng; đến năm 2050, Thái Bình là tỉnh phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng, có nền kinh tế phát triển thịnh vượng, xã hội tiến bộ và môi trường sinh thái được bảo đảm.
Để biến mục tiêu thành hiện thực, hệ thống giao thông phải đi trước một bước. Trong Quy hoạch tỉnh, Thái Bình đặc biệt chú trọng đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại, không chỉ tăng kết nối giữa các huyện, thành phố, thị xã, mà còn hình thành liên kết vùng, tạo nên sức bật lớn cho tỉnh, tạo động lực thu hút đầu tư.
Nhiều phương án phát triển mạng lưới giao thông đã được cụ thể hoá. Về đường bộ, trên địa bàn tỉnh trong tương lai sẽ hình thành 3 tuyến cao tốc, gồm cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng (CT.08); đường Vành đai 5 - Hà Nội (CT.39) và tuyến CT.16 phục vụ kết nối Khu kinh tế Thái Bình với TP. Thái Bình và Vùng kinh tế phía Tây Bắc Thủ đô. Các tuyến quốc lộ 10, 37, 37B, 39 và 39B thực hiện theo Quy hoạch Mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Nâng cấp, cải tạo 15 tuyến đường tỉnh hiện có. Đồng thời, đầu tư xây dựng mới 14 tuyến, trong đó có 5 tuyến đường tỉnh xác định là trục động lực phát triển kết nối TP. Thái Bình, khu vực cảng biển Thái Bình với các cửa ngõ quan trọng của tỉnh, gồm ĐT.467 (Thái Bình - cầu Nghìn), ĐT.468 (Diêm Điền - Hưng Hà), ĐT.454 (Thái Bình - Đồng Tu), ĐT.469 (Thái Bình - Cồn Vành), ĐT.464 (Thái Bình - Đông Long) và 9 tuyến quy hoạch mới phục vụ kết nối nội tỉnh.
Nghiên cứu đầu tư xây dựng một số cảng quan trọng trên sông Hồng, sông Trà Lý, sông Luộc và sông Hóa, cùng tuyến đường bộ kết nối. Đề xuất bổ sung công năng một số cảng chuyên dùng hiện có thành cảng tổng hợp theo quy định.
Đặc biệt, theo quy hoạch được duyệt, tỉnh Thái Bình sẽ có 101 km đường sắt, khổ đường dự kiến rộng 1.435 mm. Tuyến đường sắt qua địa bàn tỉnh Thái Bình thuộc tuyến Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Bên cạnh đó, sân bay chuyên dụng nằm ở ven biển Thái Bình phục vụ du lịch, quốc phòng - an ninh, cứu hộ, cứu nạn trên biển. Trong đó, cụm cảng hàng không chuyên dụng Thái Bình bao gồm các điểm đáp trực thăng, các bãi đáp thủy phi cơ. Vị trí quy hoạch xây dựng dự kiến tại khu vực xã Nam Thịnh (huyện Tiền Hải).
Những dự án trên mở ra năng lực vận chuyển lớn đáp ứng công nghiệp hoá, hiện đại hoá của tỉnh Thái Bình, xây dựng, phát triển Khu kinh tế Thái Bình thành trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của tỉnh.
Ba mặt giáp sông, một mặt giáp biển, Thái Bình từng được coi như một “ốc đảo”, khó khăn trong thông thương và đi lại, thì giờ đây, với những phương án phát triển đột phá trên lĩnh vực hạ tầng giao thông trong Quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng phê duyệt, bài toán làm gì để “khơi thông” và gỡ “nút thắt” về giao thông, tạo động lực thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội đã có lời giải cụ thể, rõ ràng.
Thái Bình sẽ “cất cánh” từ những dấu ấn phát triển đột phá về hạ tầng giao thông, đường bộ, đường thủy, đường sắt và đường hàng không hiện đại.
Hà Trần (t/h)