Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn TP. Hà Nội) phát biểu tại phiên thảo luận sáng 5/11. (Ảnh: quochoi.vn)
Sáng 5/11/2018, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn TP. Hà Nội) cho rằng, đến thời điểm này không nên dành nhiều thời gian bàn luận nên hay không nên thông qua Hiệp định CPTPP mà quan trọng là cần làm rõ xem chúng ta hành động như thế nào để có thể tận dụng được những lợi thế khi tham gia Hiệp định CPTPP và hạn chế đến mức thấp nhất những tác động bất lợi đối với hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước.
Theo phân tích của đại biểu Hoàng Văn Cường, mặt hàng được đánh giá là có lợi thế lớn nhất là dệt may, giày da, đồ gỗ, Việt Nam xếp hạng thứ ba; nhóm được coi là trung bình như đồ gia dụng xếp thứ năm; hàng thực phẩm xếp thứ sáu; rau quả, cà phê, hồ tiêu, thủy sản, thịt các loại xếp rất thấp. Mặt hàng kém cạnh tranh đứng gần như “đội sổ” là mỹ phẩm; văn phòng phẩm; điện, điện tử, vi tính.
Như vậy, do có lợi thế thấp nên chúng ta có ưu đãi hơn khi thực hiện đàm phán lộ trình tham gia vào Hiệp định CPTPP, việc thực hiện lộ trình cắt giảm các dòng thuế chậm hơn so với các nước, có thời gian chuyển đổi kéo dài hơn.
Phần lớn các nước có cam kết cắt giảm tỷ lệ cho hàng hóa Việt Nam rất cao, ví dụ Canada 94%, Chile 95%, Nhật Bản 86%, thấp nhất như Mexico là 77%. Ngay sau khi hiệp định có hiệu lực, Việt Nam chỉ phải cắt giảm 66% sau khi tham gia. Các dòng thuế này có lộ trình 3 năm sau mới tăng lên 86%, đồng thời có một số mặt hàng nước ta có thời gian chuyển đổi kéo dài từ 7-10 năm như thịt các loại.
“Vấn đề đặt ra là, với lợi thế như vậy, liệu hàng hóa có thể tham gia vào được hay không để được hưởng lợi?. Muốn tham gia được, rõ ràng hàng hóa cũng phải đảm bảo có sức cạnh tranh, đồng thời phải đủ điều kiện để được tham gia. Trong thỏa thuận của Hiệp định CPTPP có một điều kiện để các hàng hóa được tham gia đó là quy tắc xuất xứ hàng hóa tính hàm lượng giá trị khu vực và được gọi là RVC (Regional Value Content), tính bằng giá trị hàng hóa trừ đi phần nguyên liệu mà không có xuất xứ trong khối trên tổng giá trị hàng hóa.
Đây có lẽ là điều thách thức rất lớn đối với các hàng hóa của Việt Nam. Ví dụ, ngành dệt may là ngành có lợi thế nhưng thực tế nguyên liệu xuất xứ phần lớn không nằm trong khối này. Như vậy, nếu tính tiêu chí về quy tắc xuất xứ, có khả năng sẽ có nhiều sản phẩm dệt may không thỏa mãn các điều kiện để đưa vào trong khối”, đại biểu Cường lo ngại.
Chính vì vậy, một vấn đề đặt ra hết sức cấp bách là phải có lộ trình nhanh chóng, sớm chuyển đổi các nguồn nguyên liệu đang nhập từ các nước mà không phải là các quốc gia trong khối để chuyển thành sản xuất nguyên liệu ngay tại trong nước hoặc nhập của các quốc gia trong khối này, khi đó mới đảm bảo đủ điều kiện về quy tắc xuất xứ.
Đây chính là yêu cầu đồng thời là cơ hội rất tốt để thu hút các nhà đầu tư, sản xuất những yếu tố nguyên liệu, tạo ra một chuỗi giá trị khép kín cho sản xuất trong nước. Nếu làm tốt, chúng ta không phải dừng lại ở một nền sản xuất theo kiểu gia công như hiện nay mà có thể bắt đầu từ khâu thiết kế các sản phẩm trong nước đến sản xuất các nguyên liệu, các sản phẩm phụ trợ cho đến việc tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh và tiếp cận thị trường cuối cùng trong khối.
Điều quan trọng là cần có cơ chế chính sách thu hút đầu tư tốt, đặc biệt, trong bối cảnh cuộc chiến tranh Trung- Mỹ đang xảy ra gay gắt. Nhiều nhà đầu tư có xu hướng rời bỏ thị trường Trung Quốc, tìm nước thứ ba không bị ảnh hưởng để đầu tư đưa hàng hóa sang trong khối hoặc cho Mỹ.
“Nếu nắm bắt tốt cơ hội này thì Việt Nam có thể trở thành trung tâm thực hiện các ngành công nghiệp chế tạo chế biến cho khối và khu vực. Ngược lại, nếu không kiểm soát tốt có thể xảy ra tình trạng hàng hóa, nguyên liệu có nguồn gốc từ các nước không phải trong khu vực sẽ tuồn vào, gây nguy hại tới các hoạt động sản xuất trong nước hoặc bị rơi vào tình trạng vi phạm cam kết. Khi đó hậu quả sẽ rất nặng nề, đòi hỏi phía Chính phủ phải đẩy mạnh cải cách hành chính theo các chuẩn mực quốc tế để thu hút được các nhà đầu tư, đặc biệt là tạo lập môi trường kinh doanh công khai, minh bạch để kiểm soát, tạo cạnh tranh bình đẳng giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài”, đại biểu Cường nhấn mạnh.
T.Bình