THCL Bộ Y tế vừa tổ chức Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2015 (từ 10/11 - 10/12/2015).
Trách nhiệm toàn xã hội
Tháng hành động nhằm thúc đẩy sự tham gia của cả hệ thống chính trị và của toàn dân vào thực hiện “Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030”, hưởng ứng các mục tiêu 90-90-90 (90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% người nhiễm HIV chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi rút và 90% người nhiễm HIV đã được điều trị bằng thuốc kháng vi rút kiểm soát được số lượng vi rút ở mức thấp) và hướng tới kết thúc dịch HIV/AIDS ở Việt Nam vào năm 2030.
Đồng thời cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là những người dễ tổn thương, người có hành vi nguy cơ cao, người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc ít người về dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS;
Đặc biệt giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV/AIDS và trách nhiệm của người nhiễm HIVAIDS với gia đình, xã hội, đặc biệt là trong dự phòng lây nhiễm HIV và tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
Bên cạnh đó mở rộng độ bao phủ, nâng cao chất lượng, tính dễ tiếp cận của các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS đến mọi người dân.
Chủ đề của Chiến dịch phòng, chống AIDS: Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) phát động toàn cầu hưởng ứng các mục tiêu 90-90-90 (90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi rút và 90% người nhiễm HIV đã được điều trị bằng thuốc kháng vi rút kiểm soát được số lượng vi rút ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác) và hướng tới kết thúc dịch HIV/AIDS ở Việt Nam vào năm 2030. Việt Nam đã cam kết hướng ứng mục tiêu này, do vậy Năm 2015, Việt Nam tập trung vào chủ đề “Hướng tới mục tiêu 90-90-90 để kết thúc dịch AIDS tại Việt Nam” với nội dung chủ yếu là vận động và truyền thông thay đổi hành vi mở rộng việc tiếp cận các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị bằng thuốc kháng vi rút cho người nhiễm HIV/AIDS.
Nhiều hoạt động thiết thực
Các hoạt động chủ yếu trong tháng hành động gồm: Ban hành văn bản hướng dẫn chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm các cấp ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc tăng cường triển khai các hoạt động trong Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2015 phù hợp với điều kiện và chức năng, nhiệm vụ cụ thể của từng đơn vị, địa phương.
Ngoài ra, còn có các hội nghị, hội thảo về: Hướng tới các mục tiêu 90-90-90 để hướng tới kết thúc AIDS; Tổng kết các mục tiêu thiên niên kỷ bao gồm mục tiêu HIV/AIDS; vấn đề đảm bảo tài chính cho công tác phòng, chống HIV/AIDS khi các nhà tài trợ cắt giảm; Chương trình phối hợp Đẩy mạnh phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư” giai đoạn 2012 – 2020; Kiểm điểm việc thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế và các văn bản quy phạm pháp luật khác; Công tác quản lý, chăm sóc, tư vấn, điều trị và dự phòng lây nhiễm HIV tại trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng; Chống kỳ thị phân biệt đối xử tại gia đình và cộng đồng, tại trường học, tại cơ sở y tế, nơi làm việc; Kiểm điểm việc thực hiện Quyết định số 1008/QĐ-TTg ngày 20/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao chỉ tiêu bệnh nhân được điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone năm 2014 và 2015.v.v...
Gặp mặt, sinh hoạt câu lạc bộ với những người dễ bị cảm nhiễm với HIV, truyền thông dự phòng lây nhiễm HIV, lợi ích của tư vấn xét nghiệm sớm HIV, tuyên truyền về lợi ích của bảo hiểm y tế với người nhiễm HIV, nguy cơ không tiếp tục được tiếp cận điều trị bằng thuốc kháng vi rút nếu không có bảo hiểm y tế trong thời gian tới, vận động họ tham gia và sử dụng thẻ bảo hiểm y tế trong khám chữa bệnh, tiếp tục thực hiện hành vi an toàn, tiếp cận sớm các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị nhiễm HIV/AIDS;
Các hội thảo chuyên đề chia sẻ kinh nghiệm, các mô hình có hiệu quả trong công tác dự phòng, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS và chống kỳ thị phân biệt đối xử, đặc biệt là các mô hình mà người nhiễm HIV biết vươn lên làm chủ trong phòng, chống HIV/AIDS và giúp nhau trong cuộc sống. Chú trọng các mô hình điều trị, can thiệp và giảm tác hại cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa, các mô hình xã hội hóa trong phòng, chống HIV/AIDS và Phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư”.
Linh Linh (Thương hiệu và Công luận)