Hơn 3 km bờ biển qua các xã Hoằng Trường, Hoằng Thanh, Hoằng Phụ của huyện Hoằng Hóa (tỉnh Thanh Hóa) đang xảy ra hiện tượng bị nước biển xâm thực.
Hơn 3 km bờ biển qua các xã Hoằng Trường, Hoằng Thanh, Hoằng Phụ của huyện Hoằng Hóa (tỉnh Thanh Hóa) đang xảy ra hiện tượng bị nước biển xâm thực.

Trên địa bàn tỉnh có 610 hồ chứa thủy lợi, hiện tại có 340/610 hồ đầy nước. Trong đó, có 39/84 hồ chứa đầy nước do các công ty khai thác công trình thủy lợi quản lý, 301/526 hồ do các huyện quản lý, còn lại 270/610 hồ chứa thấp hơn mực nước dâng bình thường.

Theo Chi cục Thủy lợi, trên địa bàn tỉnh còn 86 hồ chứa (gồm: 3 hồ lớn, 10 hồ vừa và 73 hồ nhỏ) bị hư hỏng, mất an toàn trước mùa mưa, lũ năm 2024. Các trọng điểm đê điều, hồ đập, bờ biển được lập phương án bảo vệ theo quy định và giao cho các địa phương, đơn vị liên quan chuẩn bị đầy đủ điều kiện theo phương châm “4 tại chỗ” để sẵn sàng triển khai ứng phó với sự cố.

Để ứng phó với bão số 3, các đơn vị đã triển khai phương án phòng, chống lụt bão tới các chi chánh quản lý trực tiếp. Trong đó, các chi nhánh thực hiện các biện pháp bảo vệ công trình hồ, đập, cống tiêu, đập ngăn trên kênh tiêu. Trước khi bão vào đất liền, các chi nhánh thực hiện mở thông các đập ngăn trên kênh tiêu, cống tiêu để tiêu triệt để nước đệm. Đóng điện các trạm bơm tiêu sẵn sàng vận hành tiêu úng. Tại các điểm công trình thủy lợi luôn bố trí công nhân trực vận hành trực 24/24h, sẵn sàng tiêu úng khi có mưa to gây ngập lụt.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 59 công trình đê điều đang thi công, 27 công trình trên các tuyến đê từ cấp III - I (19 công trình khối lượng đạt trên 50%, 8 công trình khối lượng dưới 50%), 32 công trình trên các tuyến đê dưới cấp III (22 công trình khối lượng đạt trên 50%, 10 công trình khối lượng dưới 50%); 26 hồ chứa đang thi công (19 công trình khối lượng trên 50%, 7 công trình khối lượng dưới 50%). Để bảo đảm an toàn các công trình, ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh, các công ty khai thác công trình thủy lợi đã chủ động chuẩn bị các phương tiện, vật tư cần thiết theo các phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm đê điều, hồ chứa xung yếu trên các tuyến đê, đảm bảo an toàn, nhất là trong tình huống bão đổ bộ và mưa lớn kéo dài gây lũ trên hệ thống sông.

Xác định các trọng điểm bảo vệ gồm: Cống Phúc Ngư tại K0+800 đê biển Hoằng Trường, xã Hoằng Trường (Hoằng Hóa); xâm thực bờ biển các xã Hoằng Phụ, Hoằng Thanh, Hoằng Trường (Hoằng Hóa); sạt lở bờ, bãi hữu sông Chu tại các thôn Hải Thành, Hải Mậu, xã Thọ Hải (Thọ Xuân); sạt lở bờ, bãi tả sông Mã tại các thôn Giang Đông, Nghĩa Kỹ, xã Vĩnh Hòa (Vĩnh Lộc); hồ Hao Hao, xã Định Hải (thị xã Nghi Sơn); hồ Bồ Kết, xã Cẩm Tâm (Cẩm Thủy); hồ Khe Dài, xã Xuân Phúc (Như Thanh) và hồ Xuân Thành, xã Ngọc Phụng (Thường Xuân). Các địa phương đã chuẩn bị 46.495m3 đá hộc; 14.292m3 đá dăm, sỏi; 11.087m3 cát; 147.705m3 đất; 46.631 rọ thép; 1.381.923 chiếc bao tải; 277.779m2 bạt, 295.456 cọc tre...

Bố trí sẵn sàng nhân lực, vật tư, phương tiện để hộ đê, kịp thời xử lý các sự cố về đê điều và công trình thủy lợi ngay từ giờ đầu theo phương châm “bốn tại chỗ”. Đồng thời, thường xuyên tuần tra, canh gác, kiểm tra hệ thống công trình đê điều, thủy lợi, nhất là đối với công tác đóng/mở các cống dưới đê, công tác vận hành các cống tiêu, trạm bơm tiêu phải đảm bảo trơn chu, an toàn khi có lũ.

Đối với các công trình đang thi công dở dang, các chủ đầu tư đã tập trung nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị đẩy nhanh tiến độ thi công, khẩn trương hoàn thành công trình theo kế hoạch. Cùng với đó, các đơn vị thi công chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, vật tư tại công trường để kịp thời xử lý sự cố do mưa bão gây ra theo phương án đảm bảo an toàn công trình đã duyệt.

Khánh An