Theo đó, tỉnh Thanh Hóa đang xây dựng mục tiêu các mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ nhằm tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Đẩy mạnh sản xuất lúa chất lượng cao theo tiêu chí cánh đồng lớn tại một số vùng sản xuất lúa trọng điểm.
Với định hướng sẽ mở rộng diện tích sản xuất lúa chất lượng cao ở các vùng đất thích hợp, ứng dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến, phương pháp quản lý dinh dưỡng tổng hợp, sử dụng thuốc trừ sâu sinh học, chế phẩm vi sinh, chế phẩm sinh học... nhằm sản xuất các sản phẩm nông sản an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo cho người sản xuất và người tiêu dùng.
Đẩy mạnh cơ chế liên kết hợp tác 04 nhà trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ. Tăng cường áp dụng cơ giới hoá vào các khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ. Chú trọng công tác xây dựng nhãn hiệu, quảng bá gạo chất lượng cao... ở một số địa phương trong tỉnh.
Đầu tư cho công tác khảo nghiệm, sản xuất thử để xác định thêm các giống mới có triển vọng bổ sung vào cơ cấu giống lúa theo hướng nâng cao năng suất và chất lượng. Tăng cường công tác dự tính, dự báo sinh vật gây hại cây trồng để có biện pháp phòng trừ kịp thời.
Từ đó, UBND tỉnh Thanh Hóa đã đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan, làm việc trực tiếp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xin ý kiến chỉ đạo cụ thể về điều kiện quy hoạch vùng trọng điểm sản xuất lúa gạo của cả nước phục vụ xuất khẩu; trên cơ sở đó, tham mưu đề xuất về trình tự, thủ tục để bổ sung tỉnh Thanh Hóa vào quy hoạch vùng sản xuất lúa gạo phục vụ xuất khẩu, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa trước ngày 15/7/2021.
Hoài Thu