Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Xuất khẩu gạo khởi sắc trong quý II

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện tại, hoạt động logistics của Ấn Độ đang gặp rất nhiều khó khăn khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại và gây ra khủng hoảng rộng trong xã hội.

Với tình hình trên, các thương nhân ngành lúa gạo dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam có thể khởi sắc trong quý II/2021, bởi hiện nay vấn đề thiếu vỏ container đã giảm. Đồng thời, Việt Nam không gặp quá nhiều áp lực về logistics như Ấn Độ và hiện nay nguồn cung lúa gạo đang dồi dào. Đặc biệt, lúa hè thu của Việt Nam đang được thương lái hỏi mua và đặt cọc trước.

Chính vì vậy, các chuyên gia thương mại cũng nhận định Việt Nam vẫn đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu gạo trong quý II/2021.

Tại thị trường Ấn Độ do tình hình đại dịch Covid-19 cực kỳ phức tạp đã ảnh hưởng rất nhiều đến giá mặt hàng này. Cụ thể, giá gạo đồ 5% tấm giảm xuống  386 - 390 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ ngày 21/1. Đồng rupee yếu góp phần trợ giá nhưng nhu cầu tiêu thụ từ người mua ở châu Phi đang giảm. Đồng rupee của Ấn Độ đã giảm xuống mức thấp nhất trong 9 tháng, làm tăng lợi nhuận của các thương nhân từ việc bán hàng ở nước ngoài.

Tại Thái Lan, giá gạo đạt mức 494 USD/tấn và giảm xuống 485 USD/tấn vào cuối tháng. Trong tháng 4/2021, hoạt động thương mại tại Thái Lan diễn ra khá chậm chạp khi nước này trong dịp đón lễ hội năm mới Songkran.

Trong khi đó, Bộ Lương thực Bangladesh cho biết, nước này đã ký một biên bản ghi nhớ (MoU) với Thái Lan để nhập khẩu tới 1 triệu tấn gạo mỗi năm cho đến năm 2026. Giá gạo trên thị trường nội địa Bangladesh đã tăng trở lại trong bối cảnh lệnh phong tỏa do Covid-19 kéo dài đến ngày 28/4.

Tại Việt Nam, gạo 5% tấm giảm xuống mức 485 - 495 USD/tấn - mức thấp nhất kể từ tháng 12 năm ngoái, so với 505 - 510 USD/tấn vào đầu tháng. Hoạt động giao dịch chậm do các nhà nhập khẩu đang chờ giá giảm thêm.

Tuy nhiên, nguồn cung khan hiếm do tình hình Covid-19 ngày càng tồi tệ ở Campuchia và Ấn Độ có thể khiến giá gạo Việt Nam khó giảm thêm.

Thống kê cho thấy, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 4/2021 ước đạt 700 nghìn tấn với giá trị đạt 362 triệu USD, đưa tổng khối lượng gạo xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2021 đạt 1,9 triệu tấn với giá trị 1,01 tỷ USD, giảm 10,8% về khối lượng nhưng tăng 1,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.

Trong tháng 4/2021, giá gạo Việt Nam đạt 508 USD/tấn vào đầu tháng và đã giảm xuống còn 488 USD/tấn vào cuối tháng, nguyên nhân chính là do vụ đông xuân đã thu hoạch xong nên nhu cầu mua nguyên liệu giảm, chờ đợi vụ hè thu sắp tới.

Các thị trường xuất khẩu gạo trắng lớn nhất của Việt Nam là Philippines (chiếm 63,1%), Cuba (chiếm 12,6%) và Malaysia (chiếm 5,7%). Với gạo Jasmine và gạo thơm, thị trường xuất khẩu lớn nhất là Philippines (chiếm 21,9%), Ghana (19,8%) và Bờ Biển Ngà (chiếm 16,8%). Với gạo nếp, thị trường xuất khẩu lớn là Trung Quốc (chiếm 82,5%), Malaysia (chiếm 6,7%) và Philippines (chiếm 4,3%). Với gạo Japonica và gạo giống Nhật, thị trường xuất khẩu lớn nhất và nhì của Việt Nam là Đảo quốc Solomon (chiếm 11,8%) và Campuchia (chiếm 11,8%), tiếp theo là Ảrập Xê út (chiếm 8,7%)… Căn cứ tỉ lệ xuất khẩu của từng chủng loại cho thấy, Việt Nam đang đẩy mạnh XK gạo phẩm cấp cao sang các nước, theo đúng chiến lược “giảm số lượng, tăng giá trị kim ngạch” theo đúng chiến lược xuất khẩu gạo từ nay đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Các chuyên gia thương mại nhận định Việt Nam vẫn đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu gạo trong quý II/2021
Các chuyên gia thương mại nhận định Việt Nam vẫn đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu gạo trong quý II/2021

Tiếp tục đứng thứ 2 thế giới trong năm 2021

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) nhu cầu tiêu thụ và dự trữ lương thực trên thế giới năm 2021 vẫn ở mức cao. Sản lượng gạo nhập khẩu toàn cầu dự kiến khoảng 44,79 triệu tấn, tăng 1% so với năm 2020.

Một số thị trường dự kiến tiếp tục gia tăng nhập khẩu gạo là Philippines (tăng 13%), Côte d'Ivoire (tăng 9,1%), Ghana (tăng 5,6%) và Liên minh châu Âu (EU) (tăng 2,1%).

Trung Quốc sẽ vẫn là nước nhập khẩu gạo nhiều nhất trong năm 2021 với 2,9 triệu tấn, đứng thứ hai là EU với 2,45 triệu tấn và thứ ba là Philippines với 2,2 triệu tấn. Đây đều là những thị trường xuất khẩu chính của gạo Việt Nam.

Phân tích về các nước xuất khẩu gạo, USDA dự báo Ấn Độ tiếp tục là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới (dự kiến xuất 15,5 triệu tấn, tăng 940.000 tấn so với năm 2020), Việt Nam duy trì vị trí thứ hai với 6,4 triệu tấn, tăng 233.000 tấn. Đứng thứ ba là Thái Lan dự kiến đạt 6,1 triệu tấn, tăng gần 400.000 tấn.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, cơ cấu gạo xuất khẩu của Việt Nam đang tiếp tục chuyển dịch sang các loại gạo thơm, gạo chất lượng cao với giá bán và giá trị gia tăng cao hơn.

Cùng với đó, nông dân và các thương nhân xuất khẩu gạo ngày càng quan tâm hơn tới việc nâng cao chất lượng, truy xuất nguồn gốc và hướng tới đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường như EU, Hàn Quốc, Mỹ.

Đánh giá về chất lượng gạo của Việt Nam và khả năng chinh phục thị trường quốc tế của gạo Việt, ông Trần Quốc Toản, Phó cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho biết, gạo Việt Nam hoàn toàn đủ năng lực cả về số lượng và chất lượng để cạnh tranh với gạo của các nước trên thị trường thế giới. Bởi người trồng lúa và doanh nghiệp chế biến gạo để xuất khẩu đã có sự chủ động trong việc nâng cao giá trị hạt gạo và cũng đã có sự thay đổi kịp thời các chủng loại gạo để sản xuất, đáp ứng nhu cầu, tín hiệu thị trường.

Cũng theo ông Toản, trong thời gian qua các hiệp hội, doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng đã có sự chủ động trong việc tìm kiếm thị trường cũng như trong việc thay đổi chủng loại gạo xuất khẩu phù hợp với nhu cầu và đáp ứng các nhu cầu khắt khe của các nước nhập khẩu, đồng thời thông tin cho người nông dân để có sự điều chỉnh trong quá trình sản xuất... Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia nông nghiệp, nâng cao chất lượng hạt gạo Việt phụ thuộc vào vấn đề cốt lõi nhất, là chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu cây trồng chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 5 năm qua ngành Nông nghiệp chuyển dịch cơ cấu, đa dạng hoá sản phẩm, nâng cao giá trị hàng hoá nông sản xuất khẩu và chuyển giao công nghệ tiên tiến, giống cây, giống con có năng suất, chất lượng cao đạt tiêu chuẩn quốc tế. Lĩnh vực trồng trọt chú trọng đến chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao chất lượng và hiệu quả.

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho hay, đối với cây lúa, cơ cấu lại ngành lúa gạo theo hướng nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững với các mục tiêu: Đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia; nâng cao chất lượng, giá trị dinh dưỡng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; hình thành và nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị lúa gạo; nâng cao thu nhập của nông dân và lợi ích cho người tiêu dùng; xuất khẩu gạo đạt chất lượng và giá trị cao…

Các DN Việt Nam, đặc biệt là các “ông lớn” hàng đầu về XK gạo như Intimex, Trung An, Lộc Trời, Cỏ May, Vinaseed... cho biết, các DN đang khép kín chuỗi giá trị để nâng cao chất lượng gạo XK. Chính chất lượng cao và nguồn cung lúa gạo dồi dào, sự cạnh tranh về giá sẽ hỗ trợ Việt Nam giữ vững vị trí XK gạo thứ 2 thế giới, khi hiện nay một số quốc gia cạnh tranh về XK gạo như Ấn Độ, Thái Lan đang bị dịch Covid-19 ảnh hưởng.

Bùi Quyền