Giá thuê mặt bằng đường Đồng Khởi (TP. HCM) xếp hạng 14 toàn cầu
Giá thuê mặt bằng đường Đồng Khởi (TP. HCM) xếp hạng 14 toàn cầu (Ảnh: Internet)

“Thị trường bán lẻ xa xỉ tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ và thu hút sự chú ý của nhiều thương hiệu quốc tế. Trong đó, Đồng Khởi là một trong những con phố sầm uất và nổi tiếng nhất tại trung tâm TP. HCM, gần nhiều khách sạn cao cấp và các điểm du lịch nổi tiếng, giúp thu hút lượng khách hàng tiêu dùng cao cấp tiềm năng lớn.” Bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield cho biết: “Nhiều thương hiệu xa xỉ đã chọn Đồng Khởi làm địa điểm để mở cửa hàng và định vị thương hiệu của mình tại Việt Nam. Việc có mặt trên con phố này giúp các thương hiệu xa xỉ không chỉ tiếp cận được với khách hàng mục tiêu mà còn duy trì và nâng cao hình ảnh sang trọng, đẳng cấp của mình.”

Ấn phẩm Đại lộ Bán lẻ Toàn cầu phát hành lần thứ 34 tiếp tục tập trung nghiên cứu dữ liệu của 138 đại lộ bán lẻ trong khu vực đô thị đẳng cấp nhất trên toàn thế giới, dữ liệu được ghi nhận độc quyền bởi Cushman & Wakefield. Đối với bảng xếp hạng toàn cầu, tại mỗi thị trường chúng tôi chỉ lựa chọn một đại lộ đắt đỏ nhất của thị trường đó để sắp xếp phân hạng.

Xếp hạng trên toàn cầu 2024

Tên đại lộ và thị trường

Giá thuê (USD/ft2/năm)

Giá thuê (USD/m2/tháng)

Tăng trưởng theo năm

1

Via Montenapoleone, Milan

$2,047

$1,836

11%

2

Upper 5th Avenue (49th to 60th Sts), New York

$2,000

$1,794

0%

3

New Bond Street, London

$1,762

$1,581

13%

4

Tsim Sha Tsui (cửa hàng trên phố chính), Hong Kong

$1,607

$1,441

7%

5

Avenue des Champs Élysées, Paris

$1,282

$1,150

10%

6

Ginza, Tokyo

$1,186

$1,064

25%

7

Bahnhofstrasse, Zurich

$981

$880

1%

8

Pitt Street Mall, Sydney

$802

$719

0%

9

Myeongdong, Seoul

$688

$617

3%

10

Kohlmarkt, Vienna

$553

$496

5%

11

Đường Tây Nam Kinh, Thượng Hải, Trung Quốc đại lục

$522

$468

1%

12

Orchard, Singapore

$468

$420

2%

13

Kaufinger/Neuhauser, Munich, Germany

$393

$353

0%

14

Đồng Khởi, TP. HCM, Việt Nam

$368

$330

-6%

15

Ermou, Athens, Greece

$356

$319

0%

Năm nay, đại lộ Via Montenapoleone của Milan đã vượt qua Upper Fifth Avenue của New York để trở thành điểm đến bán lẻ đắt nhất thế giới. Giá thuê mặt bằng trên phố Via Montenapoleone đã tăng gần một phần ba trong hai năm qua, đạt 2.047 USD/feet vuông/năm (tương đương với 1.836 USD/m2/tháng), trong khi giá thuê trên Đại lộ Fifth Avenue vẫn không đổi trong năm thứ hai liên tiếp với 2.000 USD/feet vuông/năm (tương đương với 1.794 USD/m2/tháng). Bên cạnh nhu cầu mạnh mẽ của các nhà bán lẻ trong bối cảnh nguồn cung hạn chế, Via Montenapoleone cũng được hưởng lợi từ việc đồng euro tăng giá so với USD.

Phố New Bond của London (1.762 USD) đã vượt qua Tsim Sha Tsui của Hồng Kông để đứng thứ ba, mặc dù giá thuê của khu Tsim Sha Tsui tăng trưởng tích cực. Với mức tăng trưởng giá thuê hàng năm 10%, Đại lộ Champs Élysées của Paris giữ vị trí thứ năm, khu Ginza của Tokyo đã thu hẹp khoảng cách ở vị trí thứ sáu với mức tăng YOY 25%.

Kể từ khi trung tâm thương mại đầu tiên của Việt Nam mở cửa, bao gồm Tràng Tiền Plaza ở Hà Nội và Thương xá Tax ở TP. HCM, tổng nguồn cung bán lẻ đã bắt đầu với khoảng 30.000 m2. Theo báo cáo của Cushman & Wakefield, giai đoạn từ 1996-2019, trung bình mỗi năm thị trường chào đón 97.000 m2 sàn bán lẻ gia nhập vào thị trường. Đặc biệt, thị trường bán lẻ tăng trưởng mạnh trong vòng 6 năm 2013-2019 với 195.000 m2 sàn bán lẻ mới gia nhập vào thị trường mỗi năm. Tuy nhiên, trong vòng 5 năm trở lại đây, thị trường bán lẻ có dấu hiệu chững lại về nguồn cung, đặc biệt là khu vực lõi trung tâm, điều này thúc đẩy giá thuê. Đến Q3 2024, tổng nguồn cung bán lẻ cả hai thành phố đạt khoảng 2,56 triệu m2.

Phố Tràng Tiền tại Hà Nội có mức giá thuê là 334 USD/feet vuông/năm (tương đương với 300 USD/m2/tháng), tăng 50% so với mức trước đại dịch và không thay đổi so với cùng kỳ năm trước. Theo bảng xếp hạng các thị trường Châu Á Thái Bình Dương, Tràng Tiền được ghi nhận là con phố có mức giá thuê mặt bằng bán lẻ cao thứ 18 trong khu vực.

Báo cáo Cushman & Wakefield cho biết: “Các thương hiệu bán lẻ từ xa xỉ đến đại chúng đều đang tăng cường đầu tư vào các cửa hàng vật lý ở những vị trí chiến lược nhằm trưng bày sản phẩm và thu hút sự chú ý của người tiêu dùng. Mặc dù thương mại điện tử đóng vai trò quan trọng trong chiến lược đa kênh, nhưng cửa hàng truyền thống mới thật sự là điểm chạm để kết nối đến khách hàng. Chính vì vậy, tỷ lệ trống của các mặt bằng chủ chốt vẫn cực kỳ thấp, điều này lý giải cho việc bất chấp mức giá thuê cao mà các nhà bán lẻ vẫn sẵn sàng kí hợp đồng thuê để duy trì cửa hàng.”

Sông Trường