Tại kỳ họp, Giám đốc Sở Tài Chính, ông Nguyễn Văn Tứ báo cáo trước HĐND tỉnh Thanh Hóa trong giai đoạn 2019 - 2021, sau sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã thôn, các đơn vị sự nghiệp công lập ở Thanh Hóa đã giảm 1.578 thôn tổ dân phố, giảm 76 đơn vị hành chính cấp xã và 303 đơn vị sự nghiệp công lập. Tuy nhiên sau sáp nhập, xử lý tài sản công dôi dư chậm xử lý gây lãng phí, nhiều công sở đang có dấu hiệu xuống cấp.
Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 537 công sở, nhà đất tài sản công dôi dư, trong đó chủ yếu là trụ sở UBND cấp xã, trường học, trạm y tế, khoảng 110 nhà văn hóa thôn, trong số 455 cơ sở nhà đất đã được phê duyệt phương án xử lý còn lại 82 cơ sở nhà đất dôi dư vẫn chưa có phương án sắp xếp.
Cũng tại kỳ họp, các đại biểu đề nghị cần làm rõ trách nhiệm của Sở Tài Chính với vai trò là cơ quan thường trực xử lý tài sản nhà đất dôi dư sau sáp nhập là rất chậm trễ, dẫn đến tình trạng nhà đất bỏ hoang, xuống cấp, hư hỏng gây lãng phí.
Trả lời câu hỏi của các đại biểu chất vấn, Giám đốc Sở Tài Chính Nguyễn Văn Tứ cho rằng: “Việc chậm xử lý tài sản dôi dư sau sáp nhập nguyên nhân do vướng các quy định của pháp luật. Các phương án đấu giá quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, tuy nhiên những tài sản gắn liền với đất khi đấu giá lại không phù hợp với công năng sử dụng của các DN trúng đấu giá, trường hợp muốn phá dỡ thì không có trong Nghị định 151”.
"Về giải pháp trong thời gian tới, cần kiến nghị với Chính phủ sớm có hướng dẫn, sửa đổi bổ sung Nghị định số 167/2017/NĐ-CP và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP thì việc xử lý tài sản công dôi dư mới đảm bảo đúng quy định của pháp luật và sẽ được xử lý nhanh hơn thay vì chậm như thời gian qua", ông Tứ cho biết thêm.
Tại kỳ họp, ông Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho rằng, đối với các tài sản đất và trên đất dôi dư sau sáp nhập thì các địa phương cũng rất nỗ lực cố gắng. Tuy nhiên, do còn vướng về thể chế, trong khi cán bộ thực hiện nhiệm vụ xử lý tài sản dôi dư có một phần đùn đẩy trách nhiệm, sợ sai và sợ trách nhiệm, chậm tham mưu.
Một bộ phận cán bộ tham mưu rất chậm, thậm chí còn gây khó khăn, trong khi đó UBND tỉnh có nhiều chỉ đạo rất sát và nhiều lần cũng có chỉ đạo liên quan về việc xử lý tài sản dôi dư liên quan đến nhà đất của các đơn vị như hiện nay, ông Thi nói về nguyên nhân chậm trễ trong việc xử lý tài sản dôi dư.
Hiện UBND tỉnh đã thành lập ban chỉ đạo riêng và tổ chức 12 cuộc họp để xử lý tài sản công dôi dư, trong thời gian tới Ban chỉ đạo sẽ quyết liệt xử lý có hiệu quả các tài sản công dôi dư sau sáp nhập, ông Nguyễn Văn Thi Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chia sẻ thêm.
Kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, ông Đỗ Trọng Hưng Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các đơn vị cần tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ sắp xếp lại, xử lý tài sản công dôi dư sau sáp nhập trên địa bàn tỉnh.
Các sở, ngành địa phương cần sớm có phương án xử lý cụ thể với từng tài sản; Chỉ đạo làm tốt một số trường hợp “Bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất” để làm điểm, rút kinh nghiệm, nhân rộng ra các huyện, thị, thành phố.
Bố trí nguồn kinh phí phù hợp để thực hiện đầu tư sửa chữa, cải tạo một số tài sản công dôi dư sau khi đã thực hiện sắp xếp theo quy định mà phải chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng, ông Hưng yêu cầu.
Các Sở TN - MT, Xây Dựng, Tài Chính tham mưu UBND tỉnh xây dựng quy định, quy trình, trình tự thực hiện xử lý tài sản công sau sáp nhập, háo gỡ các vướng mắc khi tổ chức thực hiện. UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công sau sáp nhập các cơ quan, đơn vị hành chính trên địa bàn.
Các đơn vị bổ sung phương án tổng thể sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà, đất do các huyện, thị xã, thành phố quản lý. Trong thời gian chưa xử lý các cơ sở nhà, đất dôi dư phải bố trí nhân lực trông coi, bảo vệ, bảo quản tài sản, tránh để lấn chiếm, thất thoát, xuống cấp, hư hỏng, gây lãng phí tài sản của nhà nước.
Lê Nam