![Du khách đến với Làng du lịch Yên Trung (Yên Định). Du khách đến với Làng du lịch Yên Trung (Yên Định).](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2024/03/22/177d5142348t14136l0-1711062419.jpg)
Du lịch Thanh Hóa đã và đang có những bước phát triển mạnh mẽ để trở thành một trong những trọng điểm du lịch quốc gia. Trong đó, phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp được tỉnh xác định là nhiệm vụ quan trọng nhằm đẩy mạnh đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng mạng lưới và hệ thống du lịch.
Du lịch nông nghiệp là mô hình du lịch trải nghiệm được xây dựng lấy hoạt động sản xuất nông nghiệp tại nông trại hay trang trại làm trọng tâm, phục vụ khách hàng có nhu cầu giải trí hoặc giáo dục tại địa phương. Đến đây, du khách có thể tham quan, tham gia trực tiếp vào các hoạt động nông nghiệp như trồng trọt, thu hoạch, chế biến sản phẩm nông nghiệp...
Ngày nay, du lịch nông nghiệp ở nhiều địa phương được đông đảo du khách đón nhận bởi ở đó mang đến cho họ những trải nghiệm mới, hấp dẫn và đáp ứng nhu cầu du lịch “xanh”.
Trong khi đó, Thanh Hóa là tỉnh có cả 03 vùng sinh thái (miền núi, đồng bằng và ven biển), với diện tích đất nông nghiệp rộng lớn (chiếm trên 80% tổng diện tích tự nhiên). Đặc biệt hơn cả, Thanh Hóa có các tiểu vùng thời tiết khác nhau, phù hợp với đặc điểm sinh trưởng của nhiều loại cây trồng, vật nuôi, đồng thời góp phần mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị khi lựa chọn sản phẩm du lịch nông nghiệp.
Đến nay, một số địa phương trên địa bàn tỉnh đã khai thác, phát triển một số mô hình du lịch nông nghiệp hút khách tham quan, mang lại hiệu quả kinh tế cao gắn với hoạt động tham quan, trải nghiệm tìm hiểu văn hóa như: Nông trại Golden Cow (Thường Xuân), Nông trại Queen Farm (Quảng Xương), Nông trại T-Farm (Đông Sơn), Làng Du lịch Yên Trung (Yên Định), chương trình trải nghiệm trồng rau sạch tại xã Yên Lễ (Như Xuân), mô hình nông nghiệp trồng cây ăn quả công nghệ cao ở các huyện Thạch Thành, Thọ Xuân...
Cùng với đó là một số sản phẩm du lịch nông nghiệp kết hợp du lịch cộng đồng của đồng bào các dân tộc thiểu số ở bản Đôn, bản Hiêu, bản Kho Mường (Bá Thước), bản Năng Cát (Lang Chánh)... Ngoài ra, có rất nhiều sản phẩm OCOP đã trở nên quen thuộc với khách du lịch như chiếu cói Việt Trang (Nga Sơn), nước mắm Bà Hoan (Hoằng Hóa), gạo nếp cái hoa vàng Quý Hương (Đông Sơn)... Đây được xem là tiền đề quan trọng để các địa phương trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp theo hướng hoàn chỉnh, từ hoạt động tham quan, ăn uống, trải nghiệm đến mua sắm sản phẩm.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, du lịch nông nghiệp của tỉnh vẫn còn bộc lộ rõ những hạn chế, khó khăn như: Hệ thống cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ khiến du khách khó tiếp cận điểm đến, sản phẩm; các sản phẩm còn đơn giản, mang tính tự phát, nhỏ lẻ; việc liên kết giữa các địa phương, điểm đến với đơn vị lữ hành, doanh nghiệp trong xây dựng sản phẩm, quảng bá chưa có sự thống nhất...
Với tiềm năng to lớn cùng những yêu cầu phát triển loại hình du lịch nông nghiệp, một số chuyên gia du lịch cho rằng, tỉnh Thanh Hóa cần có những phân tích cụ thể, đánh giá hiện trạng, cơ hội và thách thức. Từ đó, đề ra định hướng và giải pháp đồng bộ nhằm thúc đẩy phát triển loại hình du lịch này ở cả miền núi, đồng bằng và vùng biển của tỉnh.
An Nhiên