Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 14 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, 2.018 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, 488 chợ bán thực phẩm và 107 chợ, tụ điểm kinh doanh tự phát, mỗi ngày giết mổ trên 2.700 con lợn, 430 con trâu, bò, 30.000 con gia cầm các loại và có trên 150 lượt xe vận chuyển gia súc, gia cầm đi qua địa bàn tỉnh, trong đó có khoảng 6.000 con lợn được vận chuyển tiêu thụ.
Nếu không tăng cường kiểm soát vận chuyển, giết mổ, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm, nguy cơ bùng phát và lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm của tỉnh là rất lớn, đặc biệt là không thể phòng, chống đẩy lùi có hiệu quả bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh.
Để chủ động triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh động vật, nhất là bệnh dịch tả lợn châu Phi, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh có liên quan, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về thú y, an toàn thực phẩm, Nghị quyết số 04/NQ-TU ngày 18/8/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, trong đó tập trung chỉ đao, triển khai quyết liệt các nội dung sau.
Các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể và đơn vị liên quan, tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến các tổ chức, cá nhân chăn nuôi, buôn bán, giết mổ động vật, chế biến, kinh doanh sản phẩm động vật, không được giết mổ động vật chết, bị bệnh để chế biến thực phẩm; chỉ vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ sản phẩm động vật có nguồn gốc rõ ráng, được cơ quan Thú y kiểm soát; đối với người tiêu dùng chỉ mua thịt gia súc, gia cầm có nguồn gốc xuất xứ, có dấu xác nhận của cơ quan Thú y; phải mua bán thực phẩm đúng nơi quy định, không mua bán tại các chợ, tụ điểm kinh doanh tự phát lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè, hành lang an toàn giao thông, không bảo đảm an toàn thực phẩm.
Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Thanh Hóa, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh và các cơ quan thông tin đại chúng thường xuyên mở các chuyên trang, chuyên mục để thông tin tuyên truyền, vận động người tiêu dùng, người hành nghề giết mổ, chế biến, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật hiểu và tự giác thực hiện các quy định của pháp luật về thú y và ATTP.
Ảnh minh họa
Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố cần tăng cường công tác quản lý hoạt động vận chuyển, giết mổ, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm; chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống hiệu quả tình trạng buôn bán, giết mổ động vật chết, mắc bệnh để sử dụng làm thực phẩm; chỉ đạo UBND, chủ tịch UBND và cán bộ thú y xã, phường, thị trấn tập trung kiểm tra, kiểm soát, bảo đảm 100% gia súc, gia cầm, đặc biệt là lợn đưa vào lưu thông, giết mổ phải qua kiểm soát và sản phẩm sau giết mổ phải được đóng dấu hoặc đánh dấu kiểm soát giết mổ trên thân thịt hoặc dán tem vệ sinh thú y theo quy định.
Bảo đảm 100% cơ sở giết mổ nhỏ lẻ phải có kiểm soát của thú y; tổ chức ký cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn với các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ và thực hiện việc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho các cơ sở giết mổ theo quy định của pháp luật.
Thực hiện công khai danh sách, địa chỉ cơ sở giết mổ, chế biến, kinh doanh vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng để người tiêu dùng biết, tránh mua phải thịt từ động vật chết, mắc bệnh, không được kiểm soát thú y. Kiên quyết xóa bỏ các cơ sở thu gom, giết mổ trái phép, không bảo đảm vệ sinh thú ý, ATTP, vệ sinh môi trường; tiêu hủy tất cả các sản phẩm từ lợn đưa ra thị trường mà không rõ nguồn gốc xuất xứ, thịt tiêu thụ tại các chợ mà không có dấu xác nhận của thú y, không bảo đảm vệ sinh thú y, ATTP. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm trong hoạt động vận chuyển, kinh doanh, giết mổ theo quy định.
Tiếp tục duy trì hoạt động của các trạm kiểm dịch động vật tại các ổ dịch và các trục giao thông theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn; trạm kiểm dịch phải chịu trách nhiệm nếu để vận chuyển lợn đi qua mà không kiểm tra, kiểm soát, xử lý tiêu độc, khử trùng theo quy định.
Thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra đột xuất việc vận chuyển, giết mổ lợn, tiêu thụ thịt lợn ở các chợ, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm; đồng thời, tập trung chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn xóa bỏ các tụ điểm kinh doanh, buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè, hành lang ATGT; xây dựng phương án tổ chức, sắp xếp và hỗ trợ các tiểu thương kinh doanh tại các tụ điểm kinh doanh tự phát đưa vào kinh doanh tại các chợ nằm trong quy hoạch.
Người đứng đầu địa phương, đơn vị nếu để xảy ra các vụ việc vi phạm nêu trên thuộc địa bàn, lĩnh vực quản lý phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn kiểm tra, đôn đốc các địa phương tổ chức thực hiện; chỉ đạo Chi cục Thú y thực hiện tốt các quy định về kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật bảo đảm an toàn dịch bệnh và ATTP; chỉ đạo các trạm kiểm dịch động vật đầu mối giao thông tăng cường công tác kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật theo quy định của Luật Thú y.
Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở NN&PTNN, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan tăng cường công tác vận động, xúc tiến đầu tư để kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung quy mô lớn, công nghệ cao theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước.
Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan và lập kế hoạch đấu tranh, triệt phá tận gốc các tổ chức, đường dây có hành vi buôn bán, giết mổ động vật chết, mắc bệnh để chế biến thực phẩm, động vật bị bơm nước, tiêm thuốc an thần trước khi giết mổ; xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cục Hải quan Thanh Hóa chỉ đạo các Đồn Biên phòng, đơn vị trực thuộc kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển động vật và sản phẩm động vật từ các nước láng giệng vào địa bàn tỉnh. Văn phòng điều phối về vệ sinh ATTP tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, Sở Y tế xây dựng kế hoạch kiểm tra vệ sinh ATTP có nguồn gốc động vật, phối hợp xử lý kịp thời các vi phạm.
Đề nghị UBMTTQ tỉnh, các tổ chức đoàn thể tăng cường tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên, nhất là các hội viên có vận chuyển, giết mổ, mua bán động vật và sản phẩm động vật chấp hành nghiêm chủ trương giết mổ động vật tập trung, mua bán đúng nơi quy định; hướng dẫn người tiêu dùng không sử dụng thịt và các sản phẩm động động vật khác khi chưa rõ nguồn gốc và không có dấu kiểm soát giết mổ của cơ quan thú y.
Các tổ chức, cá nhân vận chuyển, giết mổ, chế biến, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật chỉ được vận chuyển giết mổ, chế biến, kinh doanh động vật khi có xác nhận của cơ quan thú y. Việc giết mổ động vật phải thực hiện tại cơ sở giết mổ hoặc điểm giết mổ đủ tiêu chuẩn vệ sinh thú ý, phải được cán bộ thú ý kiểm soát ; không được giết mổ động vật chế, bị bệnh để chế biến thực phẩm; không kinh doanh bày bán sản phẩm động vật tươi sống trên vỉa hè, chợ cóc không bảo đảm ATTP.
Yêu cầu giám đốc các sở, thủ trưởng các ngành, đơn vị, cá nhân liên quan, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung của chỉ thị, định kỳ hàng tháng báo cáo kết quả thực hiện, các khó khăn, vướng mắc và kiến nghị, đề xuất (nếu có) gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa.
Thuấn Nguyễn