Tham dự buổi lễ có đại diện lãnh đạo Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cũng lãnh đạo các sở ban, ngành, huyện cùng hàng nghìn người dân địa phương.
Theo dân gian lưu truyền thì nghề đúc đồng cổ truyền làng Chè có từ cuối thời Tiền Lê, đầu thời Lý, do 2 người họ Vũ mang đến cho làng. Cũng có truyền thuyết cho rằng, nghề đúc đồng làng Chè do Thái sư Không Lộ, tự Minh Không truyền về và người làng Chè đã tôn vinh ông là ông tổ nghề đúc đồng của làng. Nghề đúc đồng được nhiều người dân làng Chè gắn bó, phát triển, trao truyền và sớm nổi danh khắp các vùng.
Trước năm 1945, hơn 80% số hộ trong làng làm nghề, cũng nhờ đó, nghề đúc đồng càng trở nên hưng thịnh và hình thành nhiều làng chuyên thu gom nguyên liệu phục vụ làng nghề, hoặc chuyên buôn bán, trao đổi các sản phẩm của làng nghề.
Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa trao Giấy chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghề đúc đồng cổ truyền làng Chè (Ảnh Báo Thanh Hóa)
Mỗi sản phẩm làng nghề là thành quả của một quy trình kỹ thuật phức tạp, với nhiều công đoạn và là sự kết tinh của lao động, trí tuệ và đôi bàn tay tài hoa người thợ. Các sản phẩm được làm ra từ làng nghề rất đa dạng, phong phú, gồm đồ thờ cúng, tế lễ, đồ mỹ nghệ, tranh tứ linh, tứ quý...
Đặc biệt, các nghệ nhân đúc đồng làng Chè đã nghiên cứu và đúc thành công trống đồng bằng phương pháp thủ công truyền thống, với nhiều kích cỡ khác nhau. Không chỉ có giá trị về mặt kinh tế, các sản phẩm thủ công truyền thống này còn có ý nghĩa đặc biệt về văn hóa.
Nghề đúc đồng làng Chè với lịch sử lâu dài, truyền thống và kinh nghiệm sản xuất riêng có, cùng trí tuệ dân gian được đúc kết qua nhiều thế hệ và vô số những sản phẩm thủ công tinh xảo... chính là cơ sở để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận và đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tại Quyết định số 3325/QĐ-BVHTTDL, ngày 4/9/2018.
Thuấn Nguyễn