Phối cảnh đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội.
Phối cảnh đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội.

Tổ công tác sẽ do ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội làm tổ trưởng; thành viên gồm các ông, bà: Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội; Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT; Phan Chí Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; Tạ Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài Chính; Lê Minh Ngân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bùi Hồng Minh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng; Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam; Nguyễn Cao Lục, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Trần Quốc Văn, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên; Nguyễn Hương Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh.

Tổ công tác có nhiệm vụ rà soát, thống nhất kế hoạch triển khai chi tiết, cụ thể bảo đảm tiến độ báo cáo Chính phủ trước khi trình Bộ Chính trị và trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 05/2022; rà soát kỹ lưỡng công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư bảo đảm tiết kiệm, hợp lý, hiệu quả, khả thi, tuân thủ quy định pháp luật, tránh lãng phí, tham nhũng, tiêu cực; rà soát kỹ các loại đơn giá và phân tích, giải trình rõ lý do vì sao suất đầu tư 1km đường của Dự án cao; rà soát kỹ hướng tuyến, quy mô đầu tư (trong đó nghiên cứu giảm số lượng nút giao cho phù hợp với tính chất cao tốc đô thị) để không lãng phí và hiệu quả. 

Tổ công tác có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất tỷ lệ vốn hợp lý giữa trung ương, địa phương và các cơ chế, chính sách cần thiết, khả thi để triển khai dự án nhanh nhất có thể; phấn đấu báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/02/2022 để đủ thời gian, quy trình báo cáo các cấp có thẩm quyền; tham gia chỉ đạo giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án; trường hợp vượt thẩm quyền, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. 

Tổ công tác có quyền yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh cung cấp thông tin, phối hợp thực hiện, cử cán bộ tham gia giải quyết nhiệm vụ thuộc chức năng, thẩm quyền của cơ quan đó; mời lãnh đạo các cơ quan Trung ương và địa phương liên quan hoặc các tổ chức, chuyên gia để phối hợp, tham vấn thực hiện nhiệm vụ của Tổ công tác. 

Trước đó, vào đầu tháng 01/2022, UBND TP. Hà Nội đã có Tờ trình số 02/TTr – UBND kiến nghị Chính phủ xem xét, trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 – vùng Thủ đô Hà Nội. Đây là lần thứ 3, UBND Tp Hà Nội có tờ trình gửi Chính phủ về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án xây dựng đường vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội.

Theo đề xuất mới nhất của UBND TP. Hà Nội, Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội có chiều dài 112,8 km (gồm 103,1 km đường vành đai 4 và 9,7 km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài – Hạ Long), đi qua địa phận TP. Hà Nội, tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh.

Dự án được chia thành 03 dự án thành phần vận hành độc lập và triển khai theo hình thức hỗn hợp đầu tư công và đầu tư PPP gồm: Dự án thành phần 1 - GPMB (theo quy mô quy hoạch bao gồm hệ thống đường cao tốc, đường 02 bên, hạ tầng kỹ thuật và hành lang dự trữ đường sắt quốc gia có tổng mức đầu tư 24.242 tỷ đồng, dự kiến đầu tư bằng vốn đầu tư công; Dự án thành phần 2 – công tác xây dựng đường 2 bên, tổng mức đầu tư 9.399 tỷ đồng, dự kiến đầu tư vốn đầu tư công; Dự án thành phần 3 – đầu tư hệ thống đường cao tốc theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT, có tổng mức đầu tư 61.784 tỷ đồng.

Cần phải nói thêm rằng, Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 – vùng Thủ đô Hà Nội theo quy hoạch sẽ gồm cao tốc chính tuyến quy mô 6 làn xe cao tốc và hệ thống đường song hành hai bên, các hành lang để bố trí cây xanh, các công trình hạ tầng kỹ thuật, dự trữ cho đường sắt vành đai.

Tổng chiều rộng mặt cắt ngang đoạn thông thường là 120 m, đoạn đi ra ngoài đê sông Đáy hiện hữu có tổng chiều rộng mặt cắt ngang 135 m; một số vị trí đặc biệt đi qua khu đô thị, khu công nghiệp khó khăn về mặt bằng có thể thu hẹp phần dải dự trữ.

Trong giai đoạn phân kỳ, Dự án sẽ giải phóng mặt bằng theo quy mô quy hoạch nhưng chỉ xây dựng tuyến cao tốc có mặt cắt ngang 4 làn xe cao tốc và hệ thống đường đô thị, đường song hành; bề rộng nền đường cao tốc đi bằng là 17 m, đi trên cao là 17,5 m; bề rộng nền đường song hành mỗi bên là 12 m.

Với phương án đầu tư nói trên, tổng mức đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội là 95.425 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương là 32.691 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương 30.340 tỷ đồng; vốn nhà đầu tư là 29.291 tỷ đồng (bằng 50% tổng mức đầu tư dự án thành phần PPP, bằng 31% tổng mức đầu tư dự án tổng thể); lãi vay là 3.003 tỷ đồng.

Ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, 02 địa phương có tuyến đường đi qua là Hưng Yên và Bắc Ninh đều đồng thuận và ủng hộ phương án đường cao tốc đi trên cao. Tuy nhiên, tại một số đoạn tuyến (khoảng 28.39 km) có nhu cầu liên kết ngang và phát triển quỹ đất hai bên tuyến, UBND TP. Hà Nội đề xuất xây dựng đường cao tốc đi thấp.

Lãnh đạo UBND TP. Hà Nội cũng khẳng định hệ thống đường 02 bên cũng cần được đầu tư đồng Để đảm bảo tính khả thi và tiến độ triển khai Dự án (hoàn thành vào năm 2028), UBND TP. Hà Nội kiến nghị Chính phủ đề xuất với Quốc hội cơ chế cho phép sử dụng ngân sách của một địa phương chi cho một địa phương khác.

“Dự án có tổng mức đầu tư lớn đi qua địa phận 3 địa phương và có sử dụng vốn đóng góp của các địa phương với điều kiện kinh tế, khả năng cân đối khác nhau nên cần thiết xem xét điều phối linh hoạt về quản lý và nguồn vốn đầu tư”, lãnh đạo UBND TP. Hà Nội giải thích.

Một cơ chế đáng lưu ý khác là UBND TP. Hà Nội cho phép Dự án được đa dạng hóa việc định hướng huy động vốn cho Dự án như trái phiếu Chính phủ, trái phiếu công trình, trái phiếu địa phương… nhằm tránh phụ thuộc quá nhiều vào vốn ngân sách và các khoản tín dụng từ các ngân hàng thương mại.

P.T