Sau những động thái chấn chỉnh của Chính phủ và UBND TP. Hà Nội, những tưởng sức nóng tại các phiên đấu giá đất đã tạm thời lắng lại. Nhưng không, cuối tháng 11, dư luận lại được phiên xôn xao trước kết quả phiên đấu giá 58 thửa đất tại thôn Đông Lai, xã Quang Tiến ngày 29/11 do Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn tổ chức.
Các lô đất có diện tích 90-224m2 với giá khởi điểm 2,4 triệu đồng/m2, tiền đặt trước tương ứng 223-550 triệu đồng một lô (20% tổng giá trị thửa đất tính theo giá khởi điểm).
Nhiều lô đất đã được trả từ 60 – 101 triệu đồng/m2. Đáng chú ý, có 1 lô đất được trả tới 30 tỷ đồng/m2, nhưng đến vòng cuối cùng tất cả những người “hét giá” đều đồng loạt bỏ cuộc, chỉ còn lại 22/58 lô đất trúng với giá trả dao động từ 32 – 50 triệu đồng/m2.
Tiếp đó ngày 30/11, tình trạng “phá bĩnh” này lại diễn ra tại phiến đấu giá 22 thửa đất thôn Văn Quán, xã Đỗ Động, huyện Thanh Oai. Các thửa đất có giá khởi điểm 5,3 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, đến vòng thứ 8 khi mức trả cao nhất là 70 triệu đồng/m2 thì nhiều người tham gia bất ngờ bỏ cuộc, khiến phiên đấu giá phải dừng lại và chính quyền địa phương cũng phải buộc hủy kết quả đấu giá.
Trước đó, phiên đấu giá tại huyện Thanh Oai, Hà Nội cũng có giá trúng cao ngất ngưởng, gấp 18 lần giá khởi điểm khiến dư luận hoang mang.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, đánh giá, tình trạng hét giá cao đến vô lý ở huyện Sóc Sơn vừa qua và những phiên trúng giá cao bất thường trước đó đều phản ánh những biến động lớn trong thị trường BĐS, đồng thời nêu lên những vấn đề về tính bền vững và sự ổn định của thị trường này.
“Cả hai sự việc trên đều làm nổi bật những bất ổn trong thị trường BĐS hiện nay. “Cú hét giá” cao ở Sóc Sơn là dấu hiệu của sự đầu cơ và thiếu bền vững; trong khi sự thất bại trong đấu giá tại Thanh Oai lại phản ánh sự thận trọng và những vấn đề tiềm ẩn trong việc đánh giá giá trị đất đai. Điều này cho thấy, thị trường BĐS Việt Nam đang đối mặt với một loạt thách thức, từ đầu cơ đến sự mất cân đối trong giá trị thực tế của các sản phẩm BĐS”, ông Đính phân tích.
Ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường trường bất động sản cho rằng, việc quản lý, thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất tại một số khu vực, địa phương chưa tốt; có hiện tượng nhiều nhà đầu tư thành lập hội, nhóm tham gia đấu giá; trả giá đất cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm, rồi có thể “bỏ cọc” sau khi trúng đấu giá đất nhằm mục đích thiết lập mặt bằng giá ảo tại khu vực để kiếm lời.
“Hiện tượng “tạo giá ảo”, “thổi giá” của giới đầu cơ và các cá nhân hành nghề môi giới bất động sản; lợi dụng sự thiếu hiểu biết, đầu tư theo tâm lý đám đông của người dân để trục lợi. Đây là các cá nhân hoạt động môi giới tự do, không có chứng chỉ môi giới bất động sản, yếu về chuyên môn, hiểu biết pháp luật hạn chế, chưa có tính chuyên nghiệp, yếu kém về đạo đức kinh doanh dẫn đến tình trạng làm ăn chụp giật, thông đồng làm giá, thổi giá cao so với giá trị thực tế, thao túng thị trường, gây thiệt hại cho khách hàng và làm giảm tính minh bạch của thị trường bất động sản”, ông Hải cho hay.
Ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc EZ Property cho rằng, sự hỗn loạn trong việc tổ chức đấu giá đất vừa qua là sự thất bại trong việc quản lý của chính quyền địa phương, khi thị trường thay đổi, xã hội thay đổi từng ngày nhưng cách làm của các địa phương khi thực hiện đấu giá đất lại không theo kịp.
Theo ông Toản, nguyên nhân của tình trạng hỗn loạn đó, đầu tiên chính là việc thiếu nguồn cung mới - vấn đề xuyên suốt nhức nhối của thị trường Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung trong giai đoạn vừa qua.
“TP. Hà Nội với gần 10 triệu dân nhưng các dự án đưa vào kinh doanh đếm trên đầu ngón tay. Tình trạng thiếu sản phẩm đầu tư dẫn tới việc những người có nhu cầu ở, nhà đầu tư thiếu sản phẩm nên đổ xô tham gia các cuộc đấu giá. Minh chứng rõ nhất là các cuộc đấu giá đất tại Thanh Oai, Hoài Đức - Hà Nội khiến thị trường và những ai theo dõi choáng váng về số lượng người tham gia, thời gian đấu giá và giá trúng”, ông Toản cho biết.
Tiếp đó là sự chậm trễ của địa phương trong việc theo kịp thị trường khi dùng những quy định cũ, xây dựng giá đấu khởi điểm thấp dựa trên bảng giá đất công bố, giá này thấp hơn giá thị trường cả chục lần. “Giá đấu khởi điểm thấp dẫn tới số tiền đặt cọc thấp, nhiều người tham gia sẵn sàng đấu đến cùng bất chấp giá là bao nhiêu do nếu đấu trúng thì việc bán chênh được một sản phẩm sẽ bù lại thậm chí có lãi đối với những căn bỏ cọc”, ông Toản nói.
Bên cạnh đó, theo ông Toản, quy định lỏng lẻo cho phép người trúng đấu giá được phép chuyển nhượng hoặc ủy quyền ngay sau khi đấu giá đã kích thích lòng tham đối với những người tham gia, kỳ vọng kiếm được lợi nhuận từ việc bán chênh trong khi rủi ro thấp càng làm cho cuộc đấu giá trở lên méo mó khi giá đấu cao gấp nhiều lần giá thị trường xung quanh.
“Khi dư luận và báo chí phản ánh thì cơ quan chức năng thay vì điều chỉnh cái gốc của vấn đề thì lại đưa ra quy chế mới, thay vì đấu 1 vòng thì phải đấu tổi thiểu 5 vòng. Điều này chỉ tăng thêm tính phức tạp và kéo dài thời gian của cuộc đấu giá, không giải quyết được bản chất vấn đề”, ông Toản nhấn mạnh.
Thuỳ An