Tại hội nghị Tổng kết công tác năm 2024, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết chỉ tiêu thu ngân sách từ đấu giá quyền sử dụng đất của thành phố là hơn 25.100 tỷ đồng trong năm nay. Thống kê đến hết tháng 11/2024, số tiền thu được gần 18.600 tỉ đồng, đạt 74,08% so với kế hoạch. Con số này đã tăng gần gấp đôi so với các năm trước (trung bình gần 10.000 tỷ đồng mỗi năm).
Bên cạnh những thành quả đạt được, Hà Nội thừa nhận việc đấu giá đất trên địa bàn vẫn còn một số tồn tại. Điển hình là tình trạng giá khởi điểm thấp do được tính theo bảng giá đất tại Điều 159 Luật Đất đai 2024.
Theo quy định tại Điều 159 Luật Đất đai 2024, giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất đối với các thửa đất đã được đầu tư hạ tầng kỹ thuật được xác định theo bảng giá đất.
Ở một số nơi, bảng giá đất còn thấp hơn giá thị trường, không đủ bù đắp được chi phí và nguồn lực đầu tư tạo quỹ đất (gồm chi phí giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng hạ tầng...).
Để khắc phục tình trạng trên, ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã đã quy định bước giá, đấu giá nhiều vòng (trong đó quy định số vòng bắt buộc) nhằm đảm bảo giá khởi điểm của vòng tiếp theo sau các vòng bắt buộc sát với giá thị trường. Tuy nhiên, Luật Đất đai, Luật Đấu giá tài sản hiện vẫn chưa điều tiết đầy đủ các nội dung (tiền đặt cọc thấp - bằng 20% giá khởi điểm; chỉ nghiêm cấm các hành vi dìm giá, không có có quy định cấm đối với hành vi thông đồng nâng giá, “thổi” giá).
Do vậy, trong thời gian qua, tại một số nơi đã xuất hiện tình trạng người tham gia đấu giá trả giá cao hơn giá thị trường để trúng đấu giá sau đó không nộp tiền trúng đấu giá (bỏ tiền đặt cọc) hoặc trả giá cao “bất thường” và không tiếp tục trả giá vòng đấu giá tiếp theo (gây ra việc đấu giá không thành), nhằm mục đích “làm giá”, “thổi giá” gây nhiễu loạn giá thị trường.
Ngoài ra, hiện chưa có quy định cá nhân trúng đấu giá phải hoàn thành xây dựng nhà ở trong thời gian nhất định, dẫn đến tình trạng bỏ hoang đất, lãng phí nguồn lực đất đai. Trong khi đó, nhiều quận, huyện áp lực thu ngân sách nên vẫn tổ chức đấu giá đất.
Trước thực tế trên, UBND Thành phố đã chỉ đạo các địa phương cần hạn chế đấu giá để giao đất cho cá nhân tự xây dựng nhà ở, ưu tiên đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư phát triển nhà ở.
Cập nhật, điều chỉnh Bảng giá đất: Ngày 6/12/2024, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có Tờ trình UBND Thành phố quyết định điều chỉnh, bổ sung Bảng giá các loại đất trên địa bàn Thành phố, áp dụng từ 1/1/2025 đến 31/12/2025.
UBND Thành phố cũng yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện nghiêm việc cử đại diện tham dự, giám sát phiên đấu giá; lập danh sách các trường hợp trả giá cao hơn thị trường nhưng không nộp tiền trúng đấu giá, công bố danh sách công khai.
Đề nghị Công an Thành phố xem xét các biện pháp nghiệp vụ để kịp thời phát hiện vi phạm trong công tác đấu giá quyền sử dụng đất (Công an Thành phố đã vào cuộc và tạm giữ 5 đối tượng trả giá cao bất thường tại cuộc đấu giá ở huyện Sóc Sơn).
Ngoài ra, UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo không tổ chức đấu giá các khu đất, thửa đất có giá khởi điểm thấp, không có khả năng bù đắp được chi phí, nguồn lực đầu tư tạo quỹ đất (gồm chi phí giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng hạ tầng...), chuyển quỹ đất này sang làm các khu tái định cư phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng.
An Nguyên (t/h)