Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

Thị trường lao động 2014: Những tín hiệu tích cực

 

Tính đến quý IV/2013, cả nước có 900.000 người thất nghiệp, tăng

Tính đến quý IV/2013, cả nước có 900.000 người thất nghiệp, tăng 48.000 người so với cùng kỳ năm 2012. Đặc biệt, tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm có trình độ cao đẳng cao gấp 4 lần, nhóm trình độ đại học trở lên cao gấp 3 lần tỷ lệ đối tượng thất nghiệp khác.

Tỷ lệ thất nghiệp tăng cao

Ông Nguyễn Bá Thắng, Phó viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, trong năm 2013, dù tốc độ tăng trưởng kinh tế đã cải thiện so với năm 2012 nhưng chưa có tác động mạnh đến khả năng tạo việc làm của nền kinh tế. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm chưa được cải thiện.

Tính riêng quý IV/2013, cả nước có 900.000 người thất nghiệp (tăng 48.000 người so với cùng kỳ 2012) và hơn 1,2 triệu lao động trong độ tuổi thiếu việc làm. Trong đó, ngoại trừ tỷ lệ thất nghiệp của lao động nữ giảm, còn lại tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị, tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đều tăng cao.

Cụ thể, ở nhóm lao động có trình độ cao đẳng nghề, tỷ lệ thất nghiệp là 7,68%, tăng 1,3 lần so với quý IV/2012 (tương đương 8.300 người); tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm lao động có trình độ cao đẳng là 6,74%, tăng 1,3 lần (khoảng 19.200 người); tỷ lệ thất nghiệp của nhóm lao động có trình độ đại học trở lên là 4,25%, tăng 1,7 lần, nghĩa là có thêm 72.000 lao động thuộc nhóm này bị thất nghiệp so với số thất nghiệp ở quý IV/2012. Đặc biệt, nhóm sinh viên mới ra trường có tỷ lệ thất nghiệp rất cao, lên tới 20,75% (độ tuổi 20 – 24).

Điểm đáng chú ý là, trong nhóm thất nghiệp, số lao động bị thất nghiệp dài hạn từ một năm trở lên chiếm tỷ lệ rất cao, khoảng 44,2%, tăng 2,4 lần so với cùng kỳ năm 2012. Tỷ lệ này ở nhóm lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao hơn nhiều so với không có chuyên môn kỹ thuật (54,4% so với 39,6%).

Ông Nguyễn Bá Thắng phân tích, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này nhưng quan trọng nhất là chất lượng đào tạo trong các trường cao đẳng, đại học chưa cao nên lao động mới tốt nghiệp đa số không đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của các cơ quan, doanh nghiệp.

Mặt khác, sự chuyển dịch mô hình, cơ cấu kinh tế khiến cho cung và cầu trong lao động thay đổi, trong khi các ngành đào tạo trong nhà trường chưa bắt kịp được xu thế sử dụng lao động của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc thiếu công khai, minh bạch thông tin tuyển dụng phần nào hạn chế khả năng tiếp cận, tìm kiếm việc làm của nhóm lao động.

Chuyển dịch theo hướng tích cực

Dự báo, năm 2014, lực lượng lao động của nước ta sẽ đạt 54,87 triệu người. Ông Nguyễn Bá Thắng cho biết, cơ cấu việc làm đang chuyển dịch theo hướng tích cực.

Qua khảo sát trong quý IV/2013, việc làm trong ngành nông-lâm-thủy sản chiếm 45,8% tổng cơ cấu việc làm, việc làm trong ngành công nghiệp xây dựng và dịch vụ đều tăng so với cùng kỳ năm 2012. Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế này khiến nhu cầu sử dụng lao động có trình độ cao sẽ tăng lên.

Đặc biệt, trong bối cảnh thất nghiệp gia tăng thì lao động có xu hướng chuyển dịch sang khu vực cá thể, hộ gia đình và hình thức tự làm việc đã tăng mạnh. Tỷ lệ lao động làm việc trong khu vực cá thể, hộ gia đình quý IV/2013 là 77,15%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2012 đến 77,05%. Tỷ lệ lao động tự tạo việc làm là 62,14%, cao hơn quý IV/2012 là 61,81%.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, ông Doãn Mậu Diệp cho biết, Bộ khuyến khích các mô hình kinh tế cá thể, tự tạo việc làm như vậy và xem đây là một hướng đi cần thiết để người lao động tự kiếm việc làm, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn hiện nay.

Triển vọng từ thị trường nước ngoài

Theo Bộ LĐ-TB&XH, năm 2013, cả nước có 88.000 lao động sang nước ngoài làm việc, vượt trên 3.000 lao động so với chỉ tiêu đặt ra. Bước sang năm 2014, tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng thị trường lao động đã bắt đầu ấm trở lại, một số thị trường truyền thống như Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia… tiếp tục có nhu cầu cao trong việc tiếp nhận lao động nước ngoài, trong đó có lao động Việt Nam. Đặc biệt, cánh cửa vào thị trường tiềm năng Hàn Quốc sẽ dần được mở lại, tạo thêm cơ hội cho lao động. Do đó, ngành xuất khẩu lao động Việt Nam đặt ra chỉ tiêu năm 2014 sẽ đưa 90.000 người đi làm việc ở nước ngoài, tăng 5.000 chỉ tiêu so với năm 2013.

Thực tế, Đài Loan là thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam sang làm việc nhất trong năm 2013, chiếm tới gần 50% lao động đi làm việc ở nước ngoài. Sang năm 2014, Đài Loan được dự báo sẽ tiếp tục là thị trường trọng điểm của ngành xuất khẩu lao động. Ông Đào Công Hải, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động nước ngoài (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, hiện nay, Việt Nam là một trong hai nước (cùng với Indonesia) chủ lực cung ứng lao động sang thị trường này làm việc.

Không chỉ dừng lại ở các thị trường truyền thống, năm 2014 cánh cửa tiếp nhận lao động có trình độ của Việt Nam đang dần hé mở. Những chương trình thí điểm đưa điều dưỡng viên, hộ lý sang Đức và Nhật Bản làm việc đang được triển khai khá thuận lợi. Mặc dù số lượng lao động trong lĩnh vực này chưa nhiều nhưng đã tạo đà để mở rộng thị trường xuất khẩu lao động nghề có trình độ cao, thu nhập khá tại các nước phát triển.

Theo ông Đào Công Hải: “Trong năm 2014, chúng ta có khá nhiều thuận lợi cho việc xuất khẩu lao động. Khu vực Trung Đông có dấu hiệu phục hồi trở lại, mặc dù năm 2013 chưa tăng mạnh số lượng lao động Việt Nam nhưng đã có dấu hiệu khả quan hơn đối với lao động xây dựng và dịch vụ sang UAE, Qatar… Các nước phát triển ở châu Âu bắt đầu quan tâm đến điều dưỡng viên Việt Nam. Trong đó, Đức vẫn đang tiếp tục triển khai dự án này sau khi đã triển khai thí điểm năm 2013”.

Đào tạo chất lượng lao động

2014 được đánh giá sẽ tiếp tục là một năm có tình hình kinh tế vô cùng khó khăn, nhiều doanh nghiệp sẽ tiếp tục đối mặt với thử thách và có thể sẽ phải ngưng hoạt động hoặc phá sản. Vì vậy, xuất khẩu lao động sẽ giải quyết được một số lượng rất lớn lao động thất nghiệp trong tình hình khan hiếm việc làm như hiện nay. Để giữ vững được những thị trường lao động này, các cơ quan ban ngành phải siết chặt việc xuất khẩu của người lao động, đảm bảo không để xảy ra các tình trạng lao động chui, bỏ trốn, hết hợp đồng không chịu về nước, không tuân thủ các quy định về xuất khẩu lao động… làm ảnh hưởng đến những lao động khác và cái nhìn không thiện cảm của chủ doanh nghiệp các nước về lao động Việt Nam.

Ngoài ra, chất lượng lao động xuất khẩu cũng là một vấn đề cần đặc biệt quan tâm.
Ông Đào Công Hải, khẳng định: “Muốn nâng cao số lượng lao động đi nước ngoài làm việc thì phải tăng cường công tác tuyển chọn và đào tạo thật kỹ lưỡng. Chất lượng lao động muốn tốt thì cần đảm bảo 3 yếu tố: Kỹ năng tay nghề; trình độ ngoại ngữ và kinh nghiệm, tác phong làm việc”.

Thực tế cho thấy, chất lượng nguồn nhân lực càng cao thì hiệu quả sức lao động càng cao, thu nhập của người lao động sẽ gấp nhiều lần so với lao động phổ thông và có khả năng cạnh tranh chiếm giữ được thị trường. Ngoài việc chú trọng đào tạo chuyên môn kỹ thuật thì đào tạo ngoại ngữ, văn hóa, phong tục tập quán, kiến thức pháp luật và tinh thần tự tôn dân tộc cho người lao động cũng là một việc làm rất cần thiết để người lao động dễ dàng thích ứng với môi trường khi làm việc tại nước sở tại.

Để đẩy mạnh đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài an toàn, các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương cần tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về những kênh đi làm việc ở nước ngoài hợp pháp, cung cấp những địa chỉ mà người lao động có thể liên hệ chính thống…

Hoan Nguyễn


 

Tin mới

Chỉ tiêu kế hoạch tuyển sinh vào Lớp 10 năm học 2024- 2025 trên địa bàn TP. Hải Phòng
Chỉ tiêu kế hoạch tuyển sinh vào Lớp 10 năm học 2024- 2025 trên địa bàn TP. Hải Phòng

UBND TP. Hải Phòng vừa đồng ý chủ trương giao chỉ tiêu tuyển sinh vào Lớp 10, năm học 2024- 2025 đối với các Trường Trung học phổ thông trên địa bàn thành phố Hải Phòng theo đề nghị của Sở Giáo dục và Đào tạo.

Ninh Thuận bảo đảm vệ sinh môi trường trong dịp Lễ 30/4 và 1/5
Ninh Thuận bảo đảm vệ sinh môi trường trong dịp Lễ 30/4 và 1/5

UBND tỉnh Ninh Thuận có Công văn gửi các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố yêu cầu tăng cường công tác kiểm soát các nguồn thải và tổ chức triển khai thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường trước, trong và sau dịp Lễ 30/4 và 1/5...

Kiểm soát xuất khẩu đối với dưa hấu của Việt Nam sang Trung Quốc
Kiểm soát xuất khẩu đối với dưa hấu của Việt Nam sang Trung Quốc

Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh đã có công văn gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố về việc Trung Quốc thông báo chính sách kiểm soát nhập khẩu với dưa hấu của Việt Nam.

Lào Cai xúc tiến quảng bá du lịch quốc tế mở rộng năm 2024
Lào Cai xúc tiến quảng bá du lịch quốc tế mở rộng năm 2024

Chiều 27/4, tại thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai)đã diễn ra Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch quốc tế mở rộng nhằm kết nối, trao đổi kinh nghiệm, liên kết phát triển du lịch giữa tỉnh Lào Cai với các địa phương của vùng Tây Nam (Trung Quốc) và các thành phố Du lịch của các nước Đông Nam Á.

Xác lập kỷ lục "Chả mực lớn nhất Việt Nam"
Xác lập kỷ lục "Chả mực lớn nhất Việt Nam"

Chiều 27/4, tại khu vực phố cổ Công viên Đại Dương, phường Bãi Cháy, TP. Hạ Long tổ chức chương trình Lễ hội bia và chả mực Hạ Long 2024, xác lập kỷ lục "Chả mực lớn nhất Việt Nam".

Vĩnh Long kiểm tra phát hiện 5 doanh nghiệp kinh doanh vàng trang sức vi phạm về giả mạo nhãn hiệu
Vĩnh Long kiểm tra phát hiện 5 doanh nghiệp kinh doanh vàng trang sức vi phạm về giả mạo nhãn hiệu

Lực lượng QLTT Vĩnh Long kiểm tra phát hiện 5 doanh nghiệp kinh doanh vàng trang sức vi phạm về giả mạo nhãn hiệu, vi phạm về nhãn và không niêm yết giá. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính 117.000.000 đồng.