Số liệu của Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho thấy trong tháng 08/2023, xuất khẩu dệt may đạt gần 3,6 tỷ USD, giảm 6% so với tháng Bẩy.

Lũy kế 08 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 26,1 tỷ USD, giảm 16% so với cùng kỳ năm 2022. Với kết quả này, ngành dệt may đã hoàn thành 65% mục tiêu đạt 40 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trong năm 2023.

Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng khẳng định, đang xuất hiện nhiều tín hiệu tích cực với ngành dệt may. Gần đây, các đối tác từ Châu Âu, Đông Bắc Á, Đông Nam Á… đến tìm hiểu sản phẩm may mặc có xu hướng tăng nhanh so với giai đoạn trước. Điều này tạo kỳ vọng sản lượng xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam trong nửa cuối năm sẽ tăng so với nửa đầu năm.

Tuy vậy, Hiệp hội vẫn thận trọng dự báo, xuất khẩu hàng dệt may và nguyên liệu của Việt Nam năm nay đạt trên dưới 40 tỷ USD, giảm khoảng 9 - 10% so với năm 2022.

Trên thị trường chứng khoán, đà tăng cổ phiếu dệt may diễn ra trong một tháng vừa qua
Trên thị trường chứng khoán, đà tăng cổ phiếu dệt may diễn ra trong một tháng vừa qua

Tại báo cáo phân tích về ngành dệt may mới nhất, Chứng khoán SSI Research cho rằng, đơn đặt hàng đối với ngành dệt may Việt Nam dự kiến sẽ được cải thiện dần từ quý IV/2023.

SSI Research dự báo giá bán của hàng may mặc xuất khẩu sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp, thấp hơn khoảng 20% so với mức bình quân trong nửa đầu năm 2022 và chỉ cải thiện nhẹ đối với đơn hàng FOB.

Do đó, biên lợi nhuận của doanh nghiệp sản xuất sẽ tiếp tục được thu hẹp mặc dù chi phí nguyên liệu đầu vào đang dần cải thiện; biên lợi nhuận gộp sẽ khó quay trở lại mức đỉnh trong năm 2019.

Đặc biệt, chuyên gia của SSI Research cho rằng, xu hướng đơn đặt hàng với khối lượng nhỏ hơn và thời gian giao hàng nhanh hơn (thời gian giao hàng trước đây lên tới 02 tháng và bây giờ có thể rút ngắn xuống còn 03-04 tuần) sẽ kéo dài đến năm 2024.

Tỷ lệ thuận với những tín hiệu thị trường trên, một số doanh nghiệp dệt may trong nước đang ổn định dần sản xuất. Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG là một trong số doanh nghiệp có được kết quả kinh doanh tích cực trong tháng 8/2023 khi đạt 721 tỷ đồng, tăng 3% so với tháng 08/2022.

Để đạt được kết qua này, doanh nghiệp đã tạo kết nối và khai thác thêm các khách hàng mới, định hướng chiến lược dòng hàng, thu hút khách hàng trực tiếp. Ngoài ra, doanh nghiệp chấp nhận đơn hàng với biên lợi nhuận thấp để duy trì sản lượng.

Nhìn về triển vọng trung hạn, các doanh nghiệp ngành dệt may được đánh giá khả quan tăng trưởng nhờ ba yếu tố: Thứ nhất, nhu cầu thị trường hồi phục; thứ hai, nhóm sản phẩm cắt may chính tăng trưởng và thứ ba, doanh nghiệp tiếp tục mở rộng công suất. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, phần lớn các doanh nghiệp dệt may đang chấp nhận làm các đơn hàng lợi nhuận thấp hơn bình thường để duy trì sản lượng và giữ chân người lao động, chiến lược này giúp doanh nghiệp nhanh chóng ổn định sản xuất khi nhu cầu thị trường hồi phục.

Trên thị trường chứng khoán, đà tăng cổ phiếu dệt may diễn ra trong một tháng vừa qua. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 21/09/2023, cổ phiếu TNG đạt 22.300 đồng/cổ phiếu, tăng 25,2% so với một tháng trước đó và tăng 54,8% so với hồi đầu năm; MSH đạt 46.950 đồng/cổ phiếu, tăng 28,9% so với một tháng trước đó và tăng 44,4% so với hồi đầu năm; STK đạt thị giá 34.400 đồng/cổ phiếu, tăng 8,1% so với một tháng trước và tăng 28,3% so với hồi đầu năm. Riêng TCM tăng nhẹ so với một tháng trước với thị giá đóng cửa ngày 21/09 đạt 48.800 đồng/cổ phiếu.

Triển vọng của nhóm cổ phiếu ngành xuất khẩu nói chung và ngành dệt may nói riêng vẫn sáng nhờ bức tranh kinh doanh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này đang hồi phục rõ nét hơn.

Kim Khánh (t/h)