THCL Chiều mồng 9 tháng Giêng lễ hội làng Triều Khúc (H.Thanh Trì, Hà Nội) diễn ra thu hút hàng nghìn người tham dự. Tuy nhiên, độc đáo nhất của lễ hội chính là màn hóa trang thành gái của nam thanh niên làng Triều Khúc múa điệu đánh bồng.

Là một ngôi làng lâu đời tại Hà Nội còn gìn giữ nhiều nét đẹp văn hóa, làng Triều Khúc xưa nay nổi tiếng với lễ hội làng lớn nhất nhì thủ đô, thu hút hàng nghìn du khách thập phương tham dự.

Nhằm tưởng nhớ công ơn của Thành Hoàng làng - Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng, cứ đến ngày 09 tháng Giêng hàng năm, lễ hội làng Triều Khúc lại tưng bừng diễn ra với những nét đẹp văn hóa được gìn giữ qua hàng trăm năm lịch sử.

 “Thích thú” lễ hội thanh niên mặc váy, trang điểm múa điệu đánh bồng - Hình 1

Ngoài phần lễ rước kiệu đi xung quanh làng, phần được mong đợi nhất của lễ hội chính là điệu múa “ đánh bồng” do chính các nam thanh niên làng Triều Khúc thể hiện.

“Thích thú” lễ hội thanh niên mặc váy, trang điểm múa điệu đánh bồng - Hình 2

Điều đặc biệt ở chỗ, những nam thanh niên đều được trang điểm kỹ lưỡng, giả gái với những màn múa uyển chuyển, đôi mắt phải thể hiện được nét “lẳng lơ”, mới toát hết vẻ đẹp của điệu múa.

 “Thích thú” lễ hội thanh niên mặc váy, trang điểm múa điệu đánh bồng - Hình 3

Ảnh: zing.vn

Để thực hiện được điệu múa, các bậc cao nhân trong làng Triều Khúc tuyển chọn nam thanh niên sớm cả năm trời để tập luyện. Tất cả đều phải là người gốc làng Triều Khúc, dung mạo khôi ngô, học hành giỏi giang…

 “Thích thú” lễ hội thanh niên mặc váy, trang điểm múa điệu đánh bồng - Hình 4

Tương truyền rằng, vào thế kỷ thứ 8, đức vua Phùng Hưng bị giặc bao vây đã kéo quân về đóng tại làng Triều Khúc. Để khích động tinh thần của tướng sĩ, binh lính, Ngài đã có quân lính giả gái, ăn mặc sặc sỡ, múa điệu đánh bồng. Kể từ đó, để tưởng nhớ công lao của Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng, điệu múa “ đánh bồng” trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong dịp hội làng, cũng như trở thành một nét đẹp văn hóa của người Tràng An.

Quang Nam