(THCL) _ Ông Nguyễn Thanh Chiêu Dương, Phó trưởng ban Chỉ đạo GPMB TP. Hà Nội chia sẻ: Một trong những điều kiện quyết định sự thành công của dự án khi thu hồi đất GPMB là phải bảo đảm kinh phí, quỹ nhà đất tái định cư (TĐC) để bố trí và chi trả cho người bị thu hồi đất...
Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, khó khăn về GPMB lại tập trung chủ yếu là vốn, thiếu quỹ đất TĐC (do quỹ nhà, đất TĐC không bảo đảm được yêu cầu kế hoạch tiến độ GPMB của các dự án).
Quản lý đất đai còn lỏng lẻo
Nhận định về những khó khăn, vướng mắc chủ yếu về công tác GPMB thực hiện các dự án trên địa bàn TP. Hà Nội, ông Dương cho rằng, ngoài việc thiếu vốn, thiếu quỹ đất tái định cư, công tác quản lý đất đai của các địa phương còn lỏng lẻo, không theo hệ thống, hồ sơ địa chính lưu trữ không đầy đủ.
Công tác tuyên truyền về pháp luật đến từng hộ dân còn yếu, chưa đầy đủ, các chính sách mới về đất đai chưa được các tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường GPMB quan tâm phổ biến đến người dân. Việc tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, hướng dẫn, trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ về bồi thường, hỗ trợ và TĐC cho các quận, huyện, thị xã và các tổ chức, đoàn thể chính trị, xã hội chưa được tổ chức bài bản thành hệ thống.
Bên cạnh đó, một số điểm hạn chế về TĐC, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác GPMB. Việc giới thiệu địa điểm quy hoạch các khu TĐC còn chưa sát với tình hình thực tế tại địa phương nơi thu hồi đất, việc đầu tư xây dựng các khu TĐC còn bị chậm tiến độ và thường “đi sau” công tác GPMB. Đầu tư xây dựng các khu TĐC dàn trải, không tập trung, chưa có sự ưu tiên bố trí cho các dự án TĐC có khả năng hoàn thành và dự án TĐC phục vụ các dự án trọng điểm…
“Phải xây dựng kế hoạch sử dụng vốn…”
Cũng theo ông Dương, trong công tác GPMB, việc chuẩn bị nguồn tiền bồi thường, hỗ trợ để chi trả kịp thời, phù hợp với tiến độ phê duyệt phương án của UBND cấp huyện, nhất là khi đã nhận được sự đồng thuận của người bị thu hồi đất là một việc quan trọng, cấp thiết. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, tại nhiều dự án (bao gồm cả các dự án của bộ, ngành Trung ương), việc chủ đầu tư không trích chuyển kịp thời kinh phí GPMB khiến công tác này gặp nhiều khó khăn.
Vì vậy, ông Dương kiến nghị, việc điều hành linh hoạt, xử lý kịp thời các vướng mắc về nguồn vốn GPMB của thành phố trong thời gian qua cần được tiếp tục quan tâm, bảo đảm Quỹ phát triển đất luôn đủ vốn (từ các nguồn theo quy định) để chi cho GPMB, tái định cư. “Cần phải xây dựng kế hoạch sử dụng vốn sát với nhu cầu thực tiễn, tránh đầu tư dàn trải lãng phí”, ông Dương dẫn giải.
Đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác GPMB thực hiện các dự án trên địa bàn thành phố, theo ông Nguyễn Thanh Chiêu Dương, Hà Nội cần phải đề xuất các giải pháp bảo đảm đáp ứng kịp thời, đầy đủ quỹ nhà, quỹ đất tái định cư của thành phố; tổ chức rà soát, kiểm tra, đôn đốc thường xuyên tiến độ đầu tư xây dựng quỹ nhà ở tái định cư tại các dự án; ưu tiên bố trí nguồn vốn để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà ở TĐC phục vụ công tác GPMB các dự án trọng điểm; cải cách công tác giao nhà, bán nhà TĐC theo hướng cắt giảm các thủ tục hành chính có liên quan mà người được TĐC phải thực hiện.
Đồng thời, việc xác định địa điểm quy hoạch các quỹ đất TĐC cần được ưu tiên tại những vị trí thuận lợi, ưu tiên các phương án TĐC tại chỗ. Cần nghiên cứu, xem xét phương án chuyển mục đích từ đấu giá quyền sử dụng đất sang phục vụ TĐC tại một số dự án chậm triển khai đấu giá; nghiên cứu các hình thức tự lo TĐC linh hoạt, phù hợp với thực tiễn của từng địa phương và với điều kiện của từng dự án, để người bị thu hồi đất lựa chọn thực hiện và chấp hành bàn giao mặt bằng….
Kiều Tuyết