Theo đó, sáng 26/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Hội nghị được tiến hành theo đề xuất của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: VGP
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu tham dự Hội nghị (Ảnh: VGP)

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho rằng: “Đợt bùng dịch lần thứ 4 tại Việt Nam diễn biến phức tạp, hiện đã ngấm sâu, lan rộng và không thể trở về trạng thái “zero COVID”, do đó nếu giãn cách xã hội mãi thì các doanh nghiệp sẽ sụp đổ”.

Tại Hội nghị, đại diện cho các doanh nghiệp, Chủ tịch VCCI cho rằng cộng đồng doanh nghiệp cũng thể hiện sự đồng tình, nhất trí cao với quan điểm của Thủ tướng Phạm Minh Chính là “phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp”. Điều này sẽ thay đổi chiến lược ứng phó với COVID-19, thay vì dồn toàn lực tập trung cho một mặt trận chính là phòng chống dịch bệnh.

Cũng tại Hội nghị, ông Phạm Tấn Công đề nghị đổi tên Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 thành Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế, để đại diện cộng đồng doanh nghiệp có sự tham gia trong ban chỉ đạo. Ông Công cũng đề nghị việc xây dựng và thực thi chính sách cần được xác định theo cấp độ và lộ trình thực hiện phù hợp và phải có sự đổi mới.

Chủ tịch
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công: “Đợt bùng phát dịch lần thứ 4 tại Việt Nam diễn biến phức tạp, hiện đã ngấm sâu, lan rộng và không thể trở về trạng thái “zero COVID”. Do đó, nếu giãn cách xã hội mãi thì các doanh nghiệp sẽ sụp đổ” (ẢnhL VGP). 

Chủ tịch VCCI đề nghị các bộ Y tế, TT&TT, Công an khẩn trương nghiên cứu hoàn thiện hệ thống thẻ xanh COVID, thống nhất sử dụng một nền tảng/ứng dụng, liên thông dữ liệu giữa các bộ, ngành liên quan; điều chỉnh các quy định về nhập cảnh, giấy phép lao động cho phù hợp… Qua đó để tạo điều kiện ổn định nguồn nhân lực lao động, chuyên gia, lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Hội nghị còn được lắng nghe ý kiến phát biểu, đề xuất của các doanh nghiệp, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam về những vướng mắc, khó khăn về thủ tục hành chính trong việc phục hồi và phát triển kinh tế trong thời gian tới. Các ý kiến tại hội nghị đều khẳng định đồng tình, nhất trí cao với quan điểm của Thủ tướng Chính phủ về việc cần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh

Kết luận hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh về chủ trương chuyển trạng thái từ “không COVID” sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh để phục hồi và phát triển kinh tế; ổn định, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh mới.

“Có giải pháp phù hợp thì chúng ta yên tâm, tự tin chuyển đổi trạng thái, không quá lo lắng. Chúng tôi đã nhiều lần nhấn mạnh phải tránh hai khuynh hướng: Chủ quan, lơ là, mất cảnh giác và bi quan, lo lắng, mất bình tĩnh, mất bản lĩnh, đưa ra các giải pháp cực đoan” - Thủ tướng nói.

Thủ tướng cho hay: Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, Bộ Y tế chủ trì nghiên cứu, đưa ra các giải pháp thích ứng và sẽ sớm ban hành hướng dẫn tạm thời. Gần hai năm qua đã có thêm nhiều kinh nghiệm, hiểu rõ hơn về virus, về dịch bệnh. Tuy nhiên, đây là việc chưa có tiền lệ, việc ban hành hướng dẫn mới phải thận trọng, lấy ý kiến nhiều bên, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, bổ sung, hoàn thiện dần, cố gắng tránh tình trạng như nhiều nước là cứ “mở cửa” rồi lại “đóng cửa” ngay.

Thủ tướng cũng ghi nhận các ý kiến phát biểu thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, thẳng thắn, tâm huyết, thể hiện rất rõ khát vọng, mong muốn đất nước bình an, phát triển. Đây là điểm tựa rất quan trọng để chiến thắng dịch bệnh và phát triển kinh tế xã hội.

Đặc biệt, Thủ tướng cho rằng phải đẩy mạnh hợp tác công - tư vì không có gì mà không hợp tác được. “Những gì người dân, doanh nghiệp làm được, làm tốt hơn thì Nhà nước không làm. Chúng tôi mong muốn cộng đồng doanh nghiệp thực sự là trung tâm, là chủ thể trong phòng chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội; góp ý về đột phá thể chế, chính sách, pháp luật; tăng cường năng lực y tế, nhất là phát triển công nghiệp dược để chủ động ứng phó với mọi tình huống…” - Thủ tướng nói.

Thành Nam