CPI tháng 7 đã giảm 0,09%
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình kinh tế-xã hội vẫn duy trì xu thế tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc nổ ra.
Tính đến thời điểm hiện nay, về cơ bản chưa có tác động lớn đối với thương mại trong nước, thị trường ngoại hối và tỷ giá có biến động ở một số thời điểm nhưng đã được Ngân hàng Nhà nước chủ động điều chỉnh linh hoạt, kịp thời.
Về chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI), sau 2 tháng liên tiếp tăng cao, Chính phủ đã có sự chỉ đạo quyết liệt trong điều hành giá, đảm bảo kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đã đề ra. Nhờ đó, CPI tháng 7 đã giảm nhẹ, giảm 0,09% so với tháng trước. Tính chung 7 tháng, CPI bình quân tăng khoảng 3,45%, lạm phát cơ bản bình quân tăng ở mức hợp lý, khoảng 1,36% so cùng kỳ.
Tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 20/7 khoảng 7,69%, đáp ứng được yêu cầu về vốn của nền kinh tế. Mặt bằng lãi suất cơ bản ổn định so với cuối tháng 6. Tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng có diễn biến tăng do sức ép từ căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, đồng nhân dân tệ giảm giá, đồng USD tăng giá.
Tuy nhiên, do Ngân hàng Nhà nước đã kịp thời có giải pháp điều chỉnh, kết hợp với các yếu tố vĩ mô tích cực nên cung-cầu ngoại tệ ổn định, thanh khoản ngoại tệ trên thị trường được đảm bảo. Thị trường chứng khoán phục hồi trở lại, VN-Index đạt 934,08 điểm vào ngày 24/7, quy mô vốn hóa tăng 8,3% so cuối năm 2017.
Vốn đầu tư nước ngoài tăng trưởng ở mức khá, trong đó tổng vốn đăng ký ước đạt gần 23 tỷ USD, tăng 4,6%; giải ngân vốn FDI ước đạt trên 9,8 tỷ USD, tăng 8,8% so cùng kỳ.
Về đầu tư trong nước, mặc dù tình hình đăng ký doanh nghiệp trong tháng 7 giảm so cùng kỳ về số doanh nghiệp đăng ký mới (khoảng 3,5%) nhưng số vốn đăng ký tăng trên 29%, khiến quy mô vốn bình quân trên một doanh nghiệp đạt trên 10,8 tỷ đồng, cho thấy tiếp tục có sự dịch chuyển về chất đối với các doanh nghiệp.
Tính chung 7 tháng, cả nước có gần 75.800 doanh nghiệp được thành lập với số vốn đăng ký đạt 771 nghìn tỷ đồng, tăng 3,9% về số doanh nghiệp và 6,4% về số vốn so cùng kỳ. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến, chế tạo vẫn ở mức tương đối thấp, chiếm khoảng 12,4%. Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể là gần 40.000 doanh nghiệp, tăng 45,6%. Nguyên nhân chủ yếu là do quá trình rà soát, làm sạch dữ liệu đăng ký doanh nghiệp, đã phát hiện ra số lượng lớn doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trước đây mà không đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) phục hồi mạnh sau quá trình giảm từ các tháng đầu năm, đạt mức tăng trưởng rất tích cực trong tháng 7, ước tăng 14,3% so với tháng 7/2017. Tính chung 7 tháng, IIP ước tăng 10,9%, cao hơn mức tăng cùng kỳ (cùng kỳ tăng 7,1%), trong đó, dẫn đầu cả nước là Hà Tĩnh (149,3%) chủ yếu do đóng góp của tập đoàn Formosa và Thanh Hóa (28%) do dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động.
Cán cân thương mại duy trì trạng thái xuất siêu, ước đạt 3,1 tỷ USD, bằng 2,3% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Bên cạnh những yếu tố tích cực, nền kinh tế vẫn phải đối mặt với các khó khăn, thách thức, nổi bật nhất là sức ép về lạm phát vẫn tiếp tục hiện hữu do các nguyên nhân bên ngoài như giá dầu thô tiếp tục tăng cao (bình quân 7 tháng khoảng 74 USD/1 thùng, tăng 37% so cùng kỳ), kéo theo giá cả hàng hóa cơ bản thế giới tăng cao; thị trường ngoại hối và tỷ giá ngoại tệ dự kiến sẽ có diễn biến khó lường do những phản ứng điều chỉnh của phía Trung Quốc trong căng thẳng thương mại với Mỹ cũng như việc đẩy nhanh lộ trình tăng lãi suất của Fed.
Sự cố thi THPT quốc gia gây ảnh hưởng lớn đến niềm tin xã hội
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng cho rằng, trong tháng 7 vừa qua, kinh tế, xã hội có kết quả khả quan, trong đó lạm phát được kiểm soát tốt với chỉ số giá tiêu dùng giảm 0,09% sau khi tăng mạnh hai tháng trước đó. Thủ tướng khẳng định, Chính phủ quyết tâm kiểm soát lạm phát năm nay không quá 4%, như nghị quyết Quốc hội giao. Hiện lạm phát cơ bản chỉ tăng 1,36%.
Tuy vậy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra không ít yếu kém, khó khăn, thách thức. Đối với các tiêu cực tại kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia vừa qua tại một địa phương gây bức xúc dư luận, Thủ tướng cho rằng, sự cố này đã gây ảnh hưởng lớn đến niềm tin xã hội. Do đó, đòi hỏi cả hệ thống chính trị, cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý rốt ráo, quyết liệt.
“Không phải Chính phủ vì bệnh thành tích mà bỏ qua việc này. Chúng tôi sẽ xem xét việc thi trung học phổ thông và thi đại học một cách nghiêm túc để kết luận những vấn đề đặt ra tại phiên họp này rõ ràng, để yên dân,” Thủ tướng khẳng định.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo có những giải pháp cụ thể trước mắt, đặc biệt giải pháp trung và dài hạn để khắc phục các tồn tại kể trên. Chính phủ sẽ thảo luận một cách dân chủ, cởi mở để làm rõ câu chuyện kỳ thi 2 trong 1 trong kỳ thi THPT quốc gia xem có bất hợp lý hay không
Đề cập đến vụ việc tai nạn thương tâm xảy ra giữa xe container và xe khách làm 13 người thiệt mạng tại Quảng Nam mới đây, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng phải rút ra bài học kinh nghiệm. Trên cơ sơ đó, phải có giải pháp mạnh mẽ hơn trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông. “Tôi đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể quan tâm vấn đề này vì tính mạng con người trên hết”, Thủ tướng yêu cầu.
Liên quan đến một nội dung khác cũng gây bức xúc trong dư luận là tình trạng nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam, Thủ tướng cho biết thường trực Chính phủ đã họp và đã có chỉ đạo về vấn đề này, kiên quyết không để Việt Nam là nơi thải phế liệu.
Thủ tướng cũng cho biết, đã giao ngành công an điều tra, khởi tố kịp thời những chủ hàng đã bỏ hàng khi nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam nhằm trốn tránh trách nhiệm. Bên cạnh mục tiêu ngăn chặn có hiệu quả những hành vi này, các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan nhằm hạn chế tối đa nhập khẩu loại hàng hóa này, trừ một số phế liệu là nhu cầu thực sự phục vụ sản xuất nhưng phải được kiểm soát chặt chẽ.
PV